Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 2

 

 

58. NGUỒN GỐC CỦA NĂM THỦ UẨN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại giảng đường Lộc Mẫu ở Đông Viên,[2] thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, vào buổi chiều, sau giờ tọa thiền, Thế Tôn trải tòa ngồi ở trước các Tỳ-kheo rồi bảo:

– Có năm thủ uẩn.[3] Thế nào là năm? Là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục bày vai phải, quỳ gối phải sát đất rồi chắp tay bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Phải chăng có năm thủ uẩn như vầy: Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn?

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Thầy hãy trở lại chỗ ngồi rồi hỏi! Ta sẽ giảng nói cho thầy.

Thế rồi, Tỳ-kheo ấy lễ Phật xong, trở về chỗ ngồi của mình rồi bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Năm thủ uẩn này lấy gì làm nguồn gốc? Do gì mà tập khởi? Do gì mà sanh? Do gì mà xúc?

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Năm thủ uẩn này lấy dục làm nguồn gốc, do dục mà tập khởi, do dục mà sanh, do dục mà xúc.

Khi nghe Phật dạy như thế, Tỳ-kheo ấy hoan hỷ, tùy hỷ rồi bạch Phật:

– Thế Tôn đã giảng nói năm uẩn bị chấp thủ. Hay thay những lời Ngài dạy! Bạch đức Thế Tôn! Nay con lại xin hỏi: Uẩn này bị chấp thủ hay năm uẩn khác bị chấp thủ?

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Chẳng phải năm uẩn này bị chấp thủ, cũng chẳng phải năm uẩn khác bị chấp thủ mà nơi nào có dục tham thì nơi đó năm uẩn bị chấp thủ.

Tỳ-kheo bạch Phật:

– Lành thay! Bạch đức Thế Tôn! Thật hoan hỷ và tùy hỷ. Bạch đức Thế Tôn! Cho con xin hỏi lần nữa: Có hai uẩn tương quan chăng?

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Đúng thế! Đúng thế! Nếu có một người suy nghĩ như vầy: “Ta ở đời tương lai sẽ được sắc như vầy, thọ như vầy, tưởng như vầy, hành như vầy, thức như vầy.” Này Tỳ-kheo! Đó gọi là uẩn và uẩn tương quan.

Tỳ-kheo bạch Phật:

– Lành thay những lời Ngài dạy! Thật hoan hỷ và tùy hỷ. Bạch đức Thế Tôn! Con xin hỏi thêm: Thế nào gọi là uẩn?

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc tương lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, tất cả đều gọi chung là uẩn. Đó gọi là uẩn. Thọ, tưởng, hành và thức cũng lại như vậy. Như thế, này Tỳ-kheo! Đó gọi là uẩn.

Tỳ-kheo bạch Phật:

– Lành thay những lời Ngài dạy! Thật hoan hỷ và tùy hỷ. Bạch đức Thế Tôn! Con xin được hỏi thêm: Do nhân gì, do duyên gì mà gọi là sắc uẩn? Do nhân gì, do duyên gì mà gọi là thọ, tưởng, hành và thức uẩn?

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Do bốn đại làm nhân, bốn đại làm duyên nên gọi là sắc uẩn. Vì sao như vậy? Vì những gì thuộc về sắc uẩn thì tất cả chúng đều do duyên bốn đại, do bốn đại tạo thành.

Do xúc làm nhân, xúc làm duyên sanh khởi thọ, tưởng và hành, cho nên gọi là thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn. Vì sao như vậy? Vì nếu những gì thuộc về thọ, tưởng và hành thì tất cả chúng đều do xúc làm duyên.

Do danh sắc làm nhân, danh sắc làm duyên, cho nên gọi là thức uẩn. Vì sao như vậy? Vì nếu những gì thuộc về thức thì tất cả chúng đều do danh sắc làm duyên.

Tỳ-kheo bạch Phật:

– Lành thay những lời Ngài dạy! Thật hoan hỷ và tùy hỷ. Bạch đức Thế Tôn! Con xin được hỏi thêm: Thế nào là vị ngọt của sắc? Thế nào là tai họa của sắc? Thế nào là sự thoát ly sắc? Thế nào là vị ngọt của thọ, tưởng, hành và thức? Thế nào là tai họa của thức? Thế nào là sự thoát ly thức?

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Duyên vào sắc, hỷ lạc sanh khởi, đó gọi là vị ngọt của sắc.

Vì sắc vô thường, là khổ, là pháp biến đổi nên gọi đó là tai họa của sắc.

Nếu đối với sắc mà điều phục được dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt thoát dục tham, đó gọi là sự thoát ly sắc.

Nếu duyên vào thọ, tưởng, hành và thức mà sanh khởi hỷ lạc, đó gọi là vị ngọt của thức.

Thọ, tưởng, hành và thức là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi, đó gọi là tai họa của thức.

Đối với thọ, tưởng, hành và thức mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt thoát dục tham, đó gọi là sự thoát ly thức.

Tỳ-kheo bạch Phật:

– Lành thay những lời Ngài dạy! Thật hoan hỷ và tùy hỷ. Bạch đức Thế Tôn! Con xin được hỏi thêm: Do đâu mà sanh ngã mạn?

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Phàm phu mê muội thiếu hiểu biết nên đối với sắc thấy là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau; đối với thọ, tưởng, hành và thức thấy là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau, từ đây sanh ra ngã mạn.

Tỳ-kheo bạch Phật:

– Lành thay những lời Ngài dạy! Thật hoan hỷ và tùy hỷ. Bạch đức Thế Tôn! Con lại xin hỏi thêm: Làm thế nào để không còn ngã mạn?

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Vị Thánh đệ tử đa văn đối với sắc không thấy là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau; đối với thọ, tưởng, hành và thức cũng không thấy là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau.

Tỳ-kheo bạch Phật:

– Lành thay những lời Ngài dạy! Bạch đức Thế Tôn! Con xin được hỏi thêm: Biết những gì, thấy những gì thì mau chóng đoạn trừ hết thảy lậu hoặc?

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc tương lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, tất cả chúng đều chẳng phải là ngã, chẳng khác ngã cũng chẳng ở trong nhau. Thọ, tưởng, hành và thức cũng lại như thế.

Này Tỳ-kheo! Nếu biết như thế, thấy như thế thì mau chóng đoạn trừ hết thảy lậu hoặc.

Bấy giờ, trong hội chúng có một thầy Tỳ-kheo căn tánh chậm lụt, không hiểu biết, bị vô minh che lấp nên khởi tà kiến xấu ác, nghĩ rằng: “Nếu đã là vô ngã thì nghiệp do vô ngã tạo, vậy ai sẽ thọ nhận quả báo trong đời sau?"

Lúc ấy, biết những suy nghĩ trong tâm của Tỳ-kheo kia, Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:

– Ở trong chúng này, có kẻ ngu si, thiếu trí tuệ suy nghĩ rằng: “Nếu sắc vô ngã; thọ, tưởng, hành và thức vô ngã thì nghiệp do vô ngã tạo, vậy ai sẽ thọ nhận quả báo?” Những điều nghi ngờ như thế, trước đây Ta đã giải thích. Này Tỳ-kheo! Thế nào, sắc là thường hay sắc là vô thường?

Tỳ-kheo đáp:

– Bạch Thế Tôn, là vô thường!

– Nếu vô thường là khổ chăng?

Đáp:

– Bạch Thế Tôn, là khổ!

– Nếu là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi, vị Thánh đệ tử đa văn đối với pháp ấy có nên thấy là ngã, là khác ngã, hoặc ở trong nhau chăng?

Đáp:

– Thưa không, bạch đức Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế. Vậy nên, này Tỳ-kheo! Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc tương lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Thấy như thế gọi là chánh kiến. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.

Vị Thánh đệ tử đa văn quán sát như thế, liền tu tập sự nhàm chán; nhàm chán rồi thì lìa dục; đã lìa dục thì được giải thoát và thấy biết rằng đã được giải thoát: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Khi đức Phật nói kinh này xong, số đông Tỳ-kheo không sanh khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát.

Đức Phật giảng nói kinh này rồi, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Uẩn, Căn, Ấm tức thọ,

Nhị uẩn cộng Tương quan,

Danh tự, Nhân, Nhị vị,

Nhị ngã mạn, Tật lậu tận.[4]

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp.雜 (T.02. 0099.58. 0014b12). Tham chiếu: M. 109, Mahāpuṇṇama Sutta (Ðại kinh mãn nguyệt); S. 22.82 - III. 100.

[2] Đông Viên Lộc Mẫu giảng đường (東園鹿母講堂) còn được viết là Đông Viên Lộc Tử Mẫu giảng đường (東園鹿子母講堂, Pubbārāma Migāramātu pāsāda). Đông Viên (東園, Pubbārāma) là tên riêng của một khu vườn nằm bên ngoài cửa Đông của thành Xá-vệ (Sāvatthi); Lộc Mẫu giảng đường (鹿母 講堂, Migāramātu pāsāda) là giảng đường được thiện nữ Tỳ-xá-khư (Visākhā) xây dựng cúng dường cho chư Tăng. Theo DhA. I. 407, do vì nữ cư sĩ Tỳ-xá-khư (Visākhā) có người con tên là Migāra (鹿) nên cũng được gọi là mẹ của Migāra.

[3] Nguyên tác: Thọ ấm (受陰).

[4] Nguyên tác Nhiếp tụng: 陰, 根, 陰即受; 二陰共相關; 名字, 因, 二味; 二我慢, 疾漏盡. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh. Bản Hán, hết quyển 2.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.