Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn đắp y, ôm bát đi vào thành Xá-vệ khất thực. Khi trở về, Ngài lại đắp y, ôm bát và không nói với chúng Tăng, cũng không gọi thị giả, chỉ một mình, không có người đi theo, Ngài đi về cõi nước phương Tây, du hóa trong nhân gian.
Lúc ấy, có một Tỳ-kheo ở trong rừng An-đà,[2] từ xa trông thấy Thế Tôn không nói với chúng Tăng, cũng không gọi thị giả, chỉ một mình, không có người đi theo. Thấy vậy, vị ấy liền đi đến chỗ Tôn giả A-nan và thưa Tôn giả:
– Tôn giả nên biết! Thế Tôn không nói với chúng Tăng, cũng không gọi thị giả. Ngài đi du hóa một mình, không có người đi theo.
Tôn giả A-nan nói với Tỳ-kheo ấy:
– Nếu Thế Tôn không nói với chúng Tăng, cũng không gọi thị giả mà đi du hóa một mình thì không nên đi theo Ngài. Vì sao như vậy? Vì hôm nay, Thế Tôn muốn an trụ trong sự vắng lặng, ít bận rộn.
Bấy giờ, Thế Tôn du hóa về phương Bắc, ngụ bên gốc cây Bạt-đà-tát-la[3] trong khu rừng có người trông coi tại thôn Ba-đà, thuộc nước Bán-xà.[4]
Lúc ấy, có số đông Tỳ-kheo đi đến chỗ Tôn giả A-nan rồi hỏi Tôn giả:
– Tôn giả có hay tin đức Thế Tôn hiện giờ đang ở đâu không?
Tôn giả A-nan trả lời:
– Tôi nghe Thế Tôn đi về phương Bắc, ngụ bên gốc cây Bạt-đà-tát-la, trong khu rừng có người trông coi tại thôn Ba-đà, thuộc nước Bán-xà.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nói với Tôn giả A-nan:
– Tôn giả nên biết! Chúng tôi không được diện kiến đức Thế Tôn đã lâu. Nếu không ngại mệt nhọc, xin Tôn giả cùng đi với chúng tôi đến chỗ Thế Tôn, xin thương xót cho!
Biết đúng thời, Tôn giả A-nan im lặng nhận lời.
Thế rồi, qua đêm hôm đó, vào lúc sáng sớm, Tôn giả A-nan cùng số đông Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực.
Khất thực xong trở về tinh xá, hết thảy Tỳ-kheo thu dọn giường chõng rồi mang y bát đi du hóa trong nhân gian theo hướng Tây rồi quay về phương Bắc, đến khu rừng có người trông coi tại thôn Ba-đà,[5] thuộc nước Bán-xà.
Bấy giờ, sau khi sắp xếp y bát và rửa chân xong, Tôn giả A-nan cùng số đông Tỳ-kheo đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy, đức Thế Tôn vì số đông Tỳ-kheo thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ.[6]
Bấy giờ, trong chúng có một Tỳ-kheo suy nghĩ như vầy:
– Biết như thế nào, thấy như thế nào để mau chóng dứt sạch lậu hoặc?
Lúc ấy, biết những suy nghĩ trong tâm của Tỳ-kheo kia, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ở trong chúng này, có Tỳ-kheo đã suy nghĩ như vầy: “Biết như thế nào, thấy như thế nào để mau chóng dứt sạch lậu hoặc?” Ta đã thuyết pháp: Hãy khéo quán sát các uẩn,[7] đó là bốn niệm xứ,[8] bốn chánh cần,[9] bốn như ý túc,[10] năm căn, năm lực, bảy giác chi[11] và tám Thánh đạo. Ta đã giảng nói giáo pháp như vậy để quán sát các uẩn, vậy mà nay có những người thiện nam không nỗ lực thực hành, không nỗ lực vui thích, không nỗ lực tư duy, không nỗ lực tin tưởng mà tự mình biếng nhác nên không thể tăng tiến để diệt trừ hết thảy lậu hoặc.
Nếu lại có người thiện nam nào đối với pháp của Ta đã giảng nói mà quán sát các uẩn, nỗ lực thực hành, nỗ lực vui thích, nỗ lực tư duy, nỗ lực tin tưởng thì người đó mau diệt trừ hết thảy lậu hoặc.
Phàm phu mê muội thiếu hiểu biết đối với sắc thấy là ngã, nếu thấy ngã thì gọi là hành..
Hành ấy do gì làm nhân? Do gì mà tập khởi? Do gì mà sanh? Do gì mà chuyển? Do xúc chạm vô minh[12] nên khát ái sanh khởi. Duyên vào khát ái ấy mà hành sanh.
Khát ái ấy do gì làm nhân? Do gì mà tập khởi? Do gì mà sanh? Do gì mà chuyển? Khát ái ấy do thọ làm nhân, do thọ mà tập khởi, do thọ mà sanh và do thọ mà chuyển.
Thọ ấy do gì làm nhân? Do gì mà tập khởi? Do gì mà sanh? Do gì mà chuyển? Thọ ấy do xúc làm nhân, do xúc mà tập khởi, do xúc mà sanh, do xúc mà chuyển.
Xúc ấy do gì làm nhân? Do gì mà tập khởi? Do gì mà sanh? Do gì mà chuyển? Xúc ấy do sáu nhập xứ làm nhân, do sáu nhập xứ mà tập khởi, do sáu nhập xứ mà sanh và do sáu nhập xứ mà chuyển. Sáu nhập xứ ấy là vô thường, là pháp hữu vi,[13] là pháp duyên khởi.[14]
Xúc, thọ, ái và hành cũng là vô thường, là pháp hữu vi, là pháp duyên khởi.
Quán sát như vậy mà còn thấy sắc là ngã, hay không còn thấy sắc là ngã mà thấy sắc là ngã sở; không còn thấy sắc là ngã sở mà thấy sắc ở trong ngã; không còn thấy sắc ở trong ngã mà thấy ngã ở trong sắc; không còn thấy ngã ở trong sắc mà thấy thọ là ngã; không còn thấy thọ là ngã mà thấy thọ là ngã sở; không còn thấy thọ là ngã sở mà thấy thọ ở trong ngã; không còn thấy thọ ở trong ngã mà thấy ngã ở trong thọ; không còn thấy ngã ở trong thọ mà thấy tưởng là ngã; không còn thấy tưởng là ngã mà thấy tưởng là ngã sở; không còn thấy tưởng là ngã sở mà thấy tưởng ở trong ngã; không còn thấy tưởng ở trong ngã mà thấy ngã ở trong tưởng; không còn thấy ngã ở trong tưởng mà thấy hành là ngã; không còn thấy hành là ngã mà thấy hành là ngã sở; không còn thấy hành là ngã sở mà thấy hành ở trong ngã; không còn thấy hành ở trong ngã mà thấy ngã ở trong hành; không còn thấy ngã ở trong hành mà thấy thức là ngã; không còn thấy thức là ngã mà thấy thức là ngã sở; không còn thấy thức là ngã sở mà thấy thức ở trong ngã; không còn thấy thức ở trong ngã mà thấy ngã ở trong thức; không còn thấy ngã ở trong thức, lại khởi đoạn kiến, đoạn diệt kiến;[15] không khởi đoạn kiến và đoạn diệt kiến mà không lìa ngã mạn; người không lìa ngã mạn thì lại thấy ngã, thấy ngã ấy tức là hành.
Hành ấy do gì làm nhân? Do gì mà tập khởi? Do gì mà sanh? Do gì mà chuyển? Như trước đã nói,... (cho đến) ngã mạn.
Nếu biết như thế, thấy như thế thì mau chóng diệt trừ hết thảy lậu hoặc.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.57. 0013c07). Tham chiếu: S. 22.81 - III. 94.
[2] Nguyên tác: An-đà lâm (安陀林, Andha
[3] Nguyên tác: Bạt-đà-tát-la thọ (跋陀薩羅樹, Bhaddasāla), một loại cây Sa-la.
[4] Nguyên tác: Bán-xà (半闍).
[5] Nguyên tác: Ba-đà (波陀), một ngôi làng ở Kosambī.
[6] Nguyên tác: Thị, giáo, lợi, hỷ (示, 教, 利, 喜). Cú ngữ này trong Thất xa kinh 七車經 (T.01. 0026.9. 0429c28) ghi là “khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu, hoan hỷ” (勸發, 渴仰, 成就, 歡喜), nghĩa là: mở bày (示, sandasseti), dạy bảo (教, samādapeti), khích lệ (鼓勵, samuttejeti) và khiến được hoan hỷ (使歡喜, sampahaṃseti). Ngài Huyền Trang dịch cú ngữ này là “thị hiện, giáo đạo, tán lệ, khánh hỷ” (示現, 教導, 讚勵, 慶喜). Ngài Nghĩa Tịnh dịch là “khai thị, khuyến đạo, tán lệ, khánh hỷ” (開 示, 勸導, 讚勵, 慶喜).
[7] Nguyên tác: Ấm (陰, khandha).
[8] Nguyên tác: Tứ niệm xứ (四念處, satipaṭṭhāna), còn gọi là “tứ niệm trụ” (四念住).
[9] Nguyên tác: Tứ chánh cần (四正勤, sammappadhāna).
[10] Nguyên tác: Tứ như ý túc (四如意足, iddhipāda).
[11] Nguyên tác: Thất giác phần (七覺分, sambojjhaṅga).
[12] Nguyên tác: Vô minh xúc (無明觸, avijjāsamphassa).
[13] Nguyên tác: Hữu vi (有為, saṅkhata).
[14] Nguyên tác: Tâm duyên khởi pháp (心緣起法): Các pháp do tâm sanh
[15] Nguyên tác: Hoại hữu kiến (壞有見).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.