Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 2

 

53. BÀ-LA-MÔN THƯA HỎI PHẬT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa trong nhân gian rồi đến ngụ trong rừng Thân-thứ,[2] phía Bắc làng Tát-la, thuộc nước Câu-tát-la.[3]

Bấy giờ, chủ của ngôi làng là Bà-la-môn Đại Tánh nghe tin Sa-môn họ Thích, từ dòng họ lớn Thích-ca đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, với niềm tin tha thiết, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hiện đang du hóa trong nhân gian, đến ngụ trong rừng Thân-thứ, phía Bắc làng Tát-la, thuộc nước Câu-tát-la. Sa-môn Cù-đàm có dung sắc, danh tiếng và công đức chân thật, được trời và người khen ngợi, vang khắp tám phương. Ngài là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Giữa các cõi chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn và Bà-la-môn, với trí tuệ rộng lớn, Ngài tự mình biết rõ rằng: “Sự sanh của Ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Ngài diễn nói giáo pháp vi diệu cho thế gian, phần đầu, phần giữa và phần cuối đều thiện, nghĩa lý sâu xa,[4] ngôn từ chuẩn xác,[5] thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch. Lành thay! Nên gặp. Lành thay! Nên đến. Lành thay! Nên cung kính.

Suy nghĩ như vậy rồi, Bà-la-môn liền sửa soạn xe cộ, dẫn theo nhiều tùy tùng, bưng bình bằng vàng, cầm lọng cán vàng cùng đi đến chỗ Phật, cung kính cúng dường.

Đến cửa rừng, Bà-la-môn xuống xe và đi đến chỗ Thế Tôn thăm hỏi, vấn an rồi ngồi sang một bên và bạch:

– Thưa Sa-môn Cù-đàm! Ngài bàn luận về điều gì? Giảng nói những gì?

Phật bảo Bà-la-môn:

– Ta bàn luận về nhân [duyên], giảng nói về nhân [duyên].

Bà-la-môn lại bạch Phật:

– Ngài bàn luận về nhân [duyên] như thế nào? Giảng nói về nhân [duyên] như thế nào?

Phật bảo Bà-la-môn:

– Có nhân, có duyên nên thế gian tập khởi. Có nhân, có duyên nên có sự tập khởi của thế gian. Có nhân, có duyên nên thế gian diệt tận. Có nhân, có duyên nên có sự diệt tận của thế gian.

Bà-la-môn bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là có nhân, có duyên nên thế gian tập khởi? Thế nào là có nhân, có duyên nên có sự tập khởi của thế gian?

Phật bảo Bà-la-môn:

– Phàm phu mê muội thiếu hiểu biết không biết như thật về sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, tai họa của sắc và sự thoát ly sắc. Do không biết như thật nên đối với sắc ưa thích, khen ngợi, sống với tâm đắm nhiễm. Do ưa thích đối với sắc nên có thủ, do duyên thủ nên có hữu, do duyên hữu nên có sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não, như thế toàn bộ khối khổ lớn tập khởi. Thọ, tưởng, hành và thức cũng lại như vậy. Này Bà-la-môn! Đó gọi là có nhân, có duyên nên thế gian tập khởi; có nhân, có duyên nên có sự tập khởi của thế gian.

Bà-la-môn bạch Phật:

– Thế nào gọi là có nhân, có duyên nên thế gian diệt tận? Thế nào gọi là có nhân, có duyên nên có sự diệt tận của thế gian?

Phật bảo Bà-la-môn:

– Vị Thánh đệ tử đa văn biết như thật về sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, tai họa của sắc và sự thoát ly sắc. Do biết như thật nên vị ấy đối với sắc không ưa thích, không khen ngợi, không đắm nhiễm, không bám víu; do không ưa thích, không bám víu nên sự tham ái đối với sắc cũng diệt. Ái diệt thì thủ diệt. Thủ diệt thì hữu diệt. Hữu diệt thì sanh diệt. Sanh diệt thì già, chết, ưu, bi, khổ, não diệt. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Này Bà-la-môn! Đó gọi là có nhân, có duyên nên thế gian diệt tận; có nhân, có duyên nên có sự diệt tận của thế gian.

Này Bà-la-môn! Đó gọi là bàn luận về nhân [duyên], đó gọi là giảng nói về nhân [duyên].

Bà-la-môn bạch Phật:

– Thưa Cù-đàm! Như vậy là bàn luận về nhân [duyên], như vậy là giảng nói về nhân [duyên]. Vì bận nhiều việc ở thế gian, bây giờ con xin cáo từ.

Phật bảo Bà-la-môn:

– Nên biết đúng thời!
Đức Phật nói kinh này xong, các Bà-la-môn nghe lời Phật dạy đã hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ sát chân Phật rồi ra về.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.53. 0012c04).

[2] Nguyên tác: Thân-thứ (申恕, Siṃsapāvana).

[3] Nguyên tác: Câu-tát-la (拘薩羅, Kosala).

[4] Nguyên tác: Thiện nghĩa (善義). Du-già sư địa luận 瑜伽師地論 (T.30. 1579.57. 0616b23) ghi là “nghĩa thanh tịnh” (義清淨); Hoa vũ tập 華雨集 (Y.25. 0025.1. 0183a12) ghi là “nghĩa thâm áo” (義深奧).

[5] Nguyên tác: Thiện vị (善味). Vị (味, vyañjana) vừa có nghĩa là vị của món ăn vừa có nghĩa là mẫu tự.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.