Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có năm thủ uẩn.[2] Là năm thứ nào? Đó là, sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn.
Nếu Sa-môn hay Bà-la-môn nào nhờ Túc mạng trí mà đã biết, sẽ biết hoặc đang biết rõ về đời sống của các kiếp trước thì những điều đã biết, sẽ biết và đang biết ấy thảy đều xuất phát từ năm thủ uẩn: “Ta đã trải qua đời quá khứ với sắc như vậy, thọ như vậy, tưởng như vậy, hành như vậy và thức như vậy.”
Những gì bị chướng ngại,[3] bị phân tán thì gọi là sắc thủ uẩn. Những thứ gây trở ngại như do tay, hoặc đá, hoặc gậy, hoặc dao; hoặc lạnh, hoặc nóng; hoặc khát, hoặc đói; hoặc sự xúc chạm của muỗi mòng, các loại trùng độc, mưa, gió... đó gọi là bị chướng ngại do xúc. Cho nên, chướng ngại là sắc thủ uẩn. Lại nữa, sắc thủ uẩn này là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi.
Các cảm thọ[4] chính là thọ thủ uẩn. Cảm thọ những gì? Là cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, cảm thọ không khổ không lạc, cho nên nói rằng cảm thọ chính là thọ thủ uẩn. Lại nữa, thọ thủ uẩn này là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi.
Các tưởng[5] là tưởng thủ uẩn. Tưởng những gì? Là tưởng ít, tưởng nhiều, tưởng vô lượng, hoàn toàn không có gì thì khởi tưởng không có gì; cho nên gọi là tưởng thủ uẩn. Lại nữa, tưởng thủ uẩn này là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi.
Hành vi tạo tác[6] là hành thủ uẩn. Tạo tác những gì? Là tạo tác sắc, tạo tác thọ, tạo tác tưởng, tạo tác hành và tạo tác thức; nên nói rằng hành vi tạo tác là hành thủ uẩn. Lại nữa, hành thủ uẩn này là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi.
Xem xét, biết rõ[7] là thức thủ uẩn. Biết rõ những gì? Là biết sắc, biết thanh, hương, vị, xúc và biết pháp; nên nói rằng xem xét, biết rõ là thức thủ uẩn. Lại nữa, thức thủ uẩn này là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi.
Này các Tỳ-kheo! Đối với sắc thủ uẩn này, vị Thánh đệ tử đa văn hãy học như vầy: “Ta hiện tại đang bị sắc nhai nuốt;[8] trong đời quá khứ đã từng bị sắc kia nhai nuốt, giống như hiện tại.
Vị ấy lại suy nghĩ như vầy: “Ta hiện tại đang bị sắc nhai nuốt. Nếu ta còn tham đắm sắc tương lai thì cũng sẽ bị sắc kia nhai nuốt, giống như hiện tại.”
Biết như vậy rồi, vị ấy không luyến tiếc sắc quá khứ, không tham đắm sắc tương lai; đối với sắc hiện tại thì sanh nhàm chán, lìa dục, trừ tai họa, hướng đến diệt tận.
Vị Thánh đệ tử đa văn đối với thọ thủ uẩn, tưởng, hành và thức thủ uẩn cũng nên học như vầy: “Ta hiện tại đang bị thức nhai nuốt, trong đời quá khứ đã từng bị thức ấy nhai nuốt, giống như hiện tại. Ta hiện tại đã bị thức nhai nuốt, nếu còn tham đắm thức tương lai thì cũng sẽ bị thức ấy nhai nuốt giống như hiện tại.”
Biết như vậy rồi, vị ấy không tiếc nuối thức quá khứ, không mong cầu thức tương lai; đối với thức hiện tại thì nhàm chán, lìa dục, diệt tai họa, hướng đến tịch diệt. Diệt mà không tăng, lùi mà không tiến, diệt mà không khởi, xả chứ không nắm giữ.
Đối với những gì diệt mà không tăng? Đối với sắc, diệt mà không tăng. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành và thức diệt mà không tăng.
Đối với những gì lùi mà không tiến? Đối với sắc, lùi mà không tiến. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành và thức lùi mà không tiến.
Đối với những gì diệt mà không khởi? Đối với sắc, diệt mà không khởi. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành và thức diệt mà không khởi.
Đối với những gì xả mà không nắm giữ? Đối với sắc, xả mà không nắm giữ. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành và thức xả mà không nắm giữ.
Diệt mà không tăng, tịch diệt mà an trụ; lùi mà không tiến, tịch lặng mà an trụ; diệt mà không khởi, tịch diệt mà an trụ; xả chứ không chấp, không sanh ra trói buộc. Do không bị trói buộc nên chứng đắc Niết-bàn: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Ngã, Ty hạ, Chủng tử,
Phong trệ, Ngũ chuyển, Thất,
Nhị phược trước cập Giác,
Tam thế ấm thế thực.[9]
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.46. 0011b21). Tham chiếu: S. 22.79 - III. 86.
[2] Nguyên tác: Ngũ thọ ấm (五受陰).
[3] Nguyên tác: Ngại (閡, ruppati), có nghĩa là sự thay đổi, nhưng theo Chú giải thì mang nghĩa là bị phá hoại (bhijjati).
[4] Nguyên tác: Giác tướng (覺相, vedayati): Cảm thọ (感受) hay cảm giác (感覺).
[5] Nguyên tác: Tưởng (想, sañjānāti).
[6] Nguyên tác: Vi tác tướng (為作相, saṅkhatamabhisaṅkharonti
[7] Nguyên tác: Biệt tri tướng (別知相, vijānāti). Tướng (相) dùng như xem xét (觀察).
[8] Nguyên tác: Sắc sở thực (色所食, rūpena khajjāmi).
[9] Nguyên tác Nhiếp tụng: 我, 卑下, 種子; 封滯, 五轉, 七; 二繫著及覺; 三世陰世食. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.