Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Do thuần thục bảy yếu tố[2] và quán sát nghĩa đầy đủ[3] theo ba cách đối với Chánh pháp[4] nên được dứt sạch phiền não, được tâm vô lậu giải thoát, được tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự mình biết rõ, tự thân tác chứng rồi tự an trú: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”
Thế nào gọi là Tỳ-kheo thuần thục bảy yếu tố?
Tỳ-kheo biết như thật về sắc, biết như thật về sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, con đường đưa đến sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, tai họa của sắc và biết như thật về sự thoát ly sắc.
Cũng vậy, biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức, sự tập khởi của thức, sự diệt tận của thức, con đường đưa đến sự diệt tận của thức, vị ngọt của thức, tai họa của thức và sự thoát ly thức.
Thế nào là biết như thật về sắc? Những gì thuộc về sắc, bao gồm bốn đại và sắc do bốn đại tạo thành, đó gọi là sắc. Như vậy là biết như thật về sắc.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của sắc? Ái hỷ[5] là sự tập khởi của sắc. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của sắc.
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của sắc? Ái hỷ diệt thì sắc diệt. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của sắc.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc? Đó là Thánh đạo tám chi gồm chánh kiến, chánh tư duy,[6] chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn,[7] chánh niệm và chánh định. Đó là con đường đưa đến sự diệt tận của sắc. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của sắc? Đó là, sắc làm nhân duyên sanh ra hỷ lạc, đó gọi là vị ngọt của sắc. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của sắc
Thế nào là biết như thật về tai họa của sắc? Bởi vì sắc là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi, đó gọi là tai họa của sắc. Như vậy là biết như thật về tai họa của sắc
Thế nào là biết như thật về sự thoát ly sắc? Đối với sắc mà điều phục được tham dục, đoạn trừ tham dục, vượt thoát tham dục, đó gọi là sự thoát ly sắc. Như vậy là biết như thật về sự thoát ly sắc.
Thế nào là biết như thật về thọ? Có sáu loại thọ. Thọ sanh khởi do sự tiếp xúc của mắt. Cũng vậy, do sự tiếp xúc của tai, mũi, lưỡi, thân và ý mà sanh ra thọ, đó gọi là thọ. Như vậy là biết như thật về thọ.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thọ? Sự tập khởi của xúc là tập khởi của thọ. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của thọ.
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của thọ? Sự diệt tận của xúc là diệt tận của thọ. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của thọ.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thọ? Đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thọ.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của thọ? Thọ làm nhân duyên sanh ra hỷ lạc. Đó là vị ngọt của thọ. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của thọ.
Thế nào là biết như thật về tai họa của thọ? Thọ là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi, đó gọi là tai họa của thọ. Như vậy là biết như thật về tai họa của thọ.
Thế nào là biết như thật về sự thoát ly thọ? Đối với thọ mà điều phục tham dục, đoạn trừ tham dục, vượt thoát tham dục, đó gọi là sự thoát ly của thọ. Như vậy là biết như thật về sự thoát ly thọ.
Thế nào là biết như thật về tưởng? Có sáu tưởng. Tưởng do sự tiếp xúc của mắt mà sanh khởi. Cũng vậy, do sự tiếp xúc của tai, mũi, lưỡi, thân và ý mà sanh ra tưởng, đó gọi là tưởng. Như vậy là biết như thật về tưởng.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của tưởng? Sự tập khởi của xúc là tập khởi của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của tưởng.
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của tưởng? Sự diệt tận của xúc là diệt tận của tưởng, đó là sự diệt tận của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của tưởng.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của tưởng? Đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của tưởng. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của tưởng.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của tưởng? Tưởng làm nhân duyên sanh ra hỷ lạc, đó gọi là vị ngọt của tưởng. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của tưởng.
Thế nào là biết như thật về tai họa của tưởng? Bởi vì tưởng là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi, đó gọi là tai họa của tưởng. Như vậy là biết như thật về tai họa của tưởng.
Thế nào là biết như thật về sự thoát ly tưởng? Đối với tưởng mà điều phục tham dục, đoạn trừ tham dục, vượt thoát tham dục, đó gọi là sự thoát ly tưởng. Như vậy là biết như thật về sự thoát ly tưởng.
Thế nào là biết như thật về hành? Có sáu loại tư.[8] Tư sanh khởi do sự tiếp xúc của mắt. Cũng vậy, do sự tiếp xúc của tai, mũi, lưỡi, thân và ý mà sanh ra tư, đó gọi là hành. Như vậy là biết như thật về hành.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của hành? Sự tập khởi của xúc là tập khởi của hành. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của hành.
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của hành? Sự diệt tận của xúc là diệt tận của hành. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của hành.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành? Đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của hành? Hành làm nhân duyên sanh ra hỷ lạc, đó gọi là vị ngọt của hành. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của hành..
Thế nào là biết như thật về tai họa của hành? Bởi vì hành là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi, đó gọi là tai họa của hành. Như vậy là biết như thật về tai họa của hành.
Thế nào là biết như thật về sự thoát ly hành? Đối với hành mà điều phục được tham dục, đoạn trừ tham dục, vượt thoát tham dục, đó gọi là sự thoát ly của hành. Như vậy là biết như thật về sự thoát ly hành.
Thế nào là biết như thật về thức? Có sáu loại thức. Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức, đó gọi là thức. Như vậy là biết như thật về thức.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thức? Sự tập khởi của danh sắc là tập khởi của thức. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của thức.
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của thức? Sự diệt tận của danh sắc là diệt tận của thức. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận thức.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức? Đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thức. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của thức? Thức làm nhân duyên sanh ra hỷ lạc, đó gọi là vị ngọt của thức. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của thức.
Thế nào là biết như thật về tai họa của thức? Bởi vì thức là vô thường, là khổ, là pháp biến đổi, đó gọi là tai họa của thức. Như vậy là biết như thật về tai họa của thức.
Thế nào là biết như thật về sự thoát ly thức? Đối với thức mà điều phục được tham dục, đoạn trừ tham dục, vượt thoát tham dục, đó gọi là sự thoát ly thức. Như vậy là biết như thật về sự thoát ly thức.
Này các Tỳ-kheo! Đó gọi là thuần thục bảy yếu tố.
Thế nào là quán sát nghĩa theo ba cách?
Nếu Tỳ-kheo ở nơi thanh vắng, bên gốc cây hay chỗ đất trống rồi quán sát về uẩn, giới và xứ,[9] siêng năng tư duy về nghĩa này, gọi là Tỳ-kheo quán sát nghĩa theo ba cách.
Đó gọi là Tỳ-kheo thuần thục bảy yếu tố và quán sát nghĩa đầy đủ theo ba cách đối với Chánh pháp nên được dứt sạch phiền não, được tâm vô lậu giải thoát, được tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự mình biết rõ, tự thân tác chứng rồi tự an trú: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.42. 0010a04). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0101.27. 0005c19); Thất xứ tam quán kinh 七處三觀經 (T.02. 0150A.1. 0875b05); (T.02. 0150A.3. 0876a16); S. 22.57 - III. 61.
[2] Nguyên tác: Thất xứ thiện (七處善). Thiện (善, kusala) vừa mang nghĩa là điều lành vừa mang nghĩa là thuần thục, thiện xảo. Căn cứ vào ngữ cảnh trong kinh thì thiện (善, kusala) được hiểu theo nghĩa thứ hai.
[3] Nguyên tác: Tận (盡), chỉ cho sự đầy đủ, toàn bộ (全部, kevala).
[4] Nguyên tác: Ư thử pháp (於此法). Thử pháp (此法): Giáo pháp này, tức chỉ cho Chánh pháp. Theo S. 22.57 - III. 61: Dhammavinaye kevalī (toàn vẹn trong Pháp và Luật này), HT. Thích Minh Châu dịch.
[5] Nguyên tác: Ái hỷ (愛喜, nandī rāga).
[6] Nguyên tác: Chánh chí (正志).
[7] Nguyên tác: Chánh phương tiện (正方便).
[8] Nguyên tác: Lục tư thân (六思身).
[9] Nguyên tác: Ấm, giới, nhập (陰, 界, 入). Tỉnh lược của ngũ uẩn (五蘊), lục giới (六界), lục nhập xứ (六入處).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.