Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 1
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất ở trong núi Kỳ-xà quật. Khi ấy có vị trưởng giả tên Thâu-lũ-na, hằng ngày đi đến núi Kỳ-xà quật và ghé đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cúi lạy sát chân Tôn giả rồi ngồi xuống một bên.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Thâu-lũ-na:
– Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào không biết như thật về sắc, không biết như thật về sự tập khởi của sắc, không biết như thật về sự diệt tận của sắc và không biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc thì này Thâu-lũ-na, phải biết rằng Sa-môn, Bà-la-môn đó không có khả năng đoạn trừ sắc.
Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức, không biết như thật về sự tập khởi của thức, không biết như thật về sự diệt tận của thức và không biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức thì Sa-môn, Bà-la-môn đó[2] không có khả năng đoạn trừ thức.
Này Thâu-lũ-na! Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật về sắc, biết như thật về sự tập khởi của sắc, biết như thật về sự diệt tận của sắc và biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc thì này Thâu-lũ-na, phải biết rằng Sa môn, Bà-la-môn đó có khả năng đoạn trừ sắc.
Cũng vậy, này Thâu-lũ-na! Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức, biết như thật về sự tập khởi của thức, biết như thật về sự diệt tận của thức, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức thì này Thâu-lũ-na, phải biết rằng Sa-môn, Bà-la-môn đó có khả năng đoạn trừ thức.
Này Thâu-lũ-na! Ý ông nghĩ sao, sắc là thường hay vô thường?
Đáp:
– Là vô thường!
Lại hỏi:
– Nếu là vô thường, có phải là khổ chăng?
Đáp:
– Là khổ!
Xá-lợi-phất hỏi:
– Nếu sắc là vô thường, là khổ, là pháp đổi thay thì vị Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy sắc là ngã, khác ngã, hoặc tồn tại trong nhau chăng?
Đáp:
– Thưa không!
– Này Thâu-lũ-na! Ý ông nghĩ sao, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?
Đáp:
– Là vô thường!
Lại hỏi:
– Nếu là vô thường, có phải là khổ chăng?
Đáp:
– Là khổ!
Lại hỏi:
– Nếu là vô thường, là khổ, là pháp đổi thay thì vị Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy thức là ngã, khác ngã, hoặc tồn tại trong nhau chăng?
Đáp:
– Thưa không!
– Này Thâu-lũ-na! Nên biết rằng, sắc ở quá khứ, ở hiện tại hay tương lai, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần thì hết thảy sắc đó không phải là ngã, không phải khác ngã, không tồn tại trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
Này Thâu-lũ-na! Vị Thánh đệ tử đối với sắc mà sanh nhàm chán, ly dục, giải thoát thì giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.
Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức ở quá khứ, ở tương lai hay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần thì hết thảy thọ, tưởng, hành, thức đó không phải là ngã, không phải khác ngã, không tồn tại trong nhau. Đó gọi là biết như thật.
Này Thâu-lũ-na! Vị Thánh đệ tử đối với sắc mà sanh nhàm chán, ly dục, giải thoát thì giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.
Bấy giờ, Thâu-lũ-na nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói xong, thân tâm hoan hỷ, kính lễ rồi lui ra.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.31. 0006c04). Tham chiếu: S. 22.50 - III. 50.
[2] Bản Hán chép thiếu cụm từ Sa-môn (沙門), Bà-la-môn (婆羅門).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.