Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 1

 

30. TRƯỞNG GIẢ THÂU-LŨ-NA (1)[1]
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất ở trong núi Kỳ-xà quật.

Khi ấy, có vị trưởng giả tên là Thâu-lũ-na,[2] hằng ngày đi đến núi Kỳ-xà quật và ghé chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất. Sau khi chào đón thăm hỏi xong, ông ngồi xuống một bên và nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Có những Sa-môn, Bà-la-môn đối với sắc vô thường, thay đổi, không an ổn mà nói rằng: “Ta hơn, ta bằng, ta kém!” Tại sao những Sa-môn, Bà-la-môn ấy có suy tưởng như vậy mà không thấy sự thật? Có những Sa-môn, Bà-la-môn đối với thọ, tưởng, hành, thức vô thường, thay đổi, không an ổn mà nói rằng: “Ta hơn, ta bằng, ta kém!” Tại sao những Sa-môn, Bà-la-môn ấy có suy tưởng như vậy mà không thấy sự thật?

Những Sa-môn, Bà-la-môn đối với sắc vô thường, thay đổi, không an ổn mà nói rằng: “Ta hơn, ta bằng, ta kém!” Do kiến chấp gì[3] mà họ không thấy được sự thật? Đối với thọ, tưởng, hành, thức vô thường, thay đổi, không an ổn mà nói rằng: “Ta hơn, ta bằng, ta kém!” Do kiến chấp gì mà họ không thấy được sự thật?

– Này Thâu-lũ-na! Ý ông nghĩ sao, sắc là thường hay vô thường?

Đáp:

– Là vô thường!

– Này Thâu-lũ-na! Nếu là vô thường, có phải là khổ chăng?

Đáp:

– Là khổ!

– Này Thâu-lũ-na! Nếu vô thường là khổ, là pháp đổi thay thì ý ông nghĩ sao, vị Thánh đệ tử có nên ở trong đó mà thấy sắc là ta, khác ta, hoặc tồn tại trong nhau chăng?

Đáp:

– Thưa không!

– Này Thâu-lũ-na! Ý ông nghĩ sao, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?

Đáp:

– Là vô thường!

– Nếu là vô thường, có phải là khổ chăng?

Đáp:

– Là khổ!

– Này Thâu-lũ-na! Nếu thức là vô thường, là khổ, là pháp đổi thay thì ý ông nghĩ sao, vị Thánh đệ tử có nên ở trong đó mà thấy thức là ta, khác ta, hoặc tồn tại trong nhau chăng?

Đáp:

– Thưa không!

– Này Thâu-lũ-na! Nên biết rằng, sắc ở quá khứ, ở tương lai hay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần thì hết thảy sắc ấy đều không phải là ta, không phải khác ta, không tồn tại trong nhau. Đó gọi là biết như thật.

Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức, ở quá khứ, ở tương lai hay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần thì hết thảy thọ, tưởng, hành, thức đó đều không phải là ta, không phải khác ta, không tồn tại trong nhau. Đó gọi là biết như thật.

Này Thâu-lũ-na! Như vậy, đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà sanh nhàm chán, lìa dục, giải thoát, giải thoát tri kiến rồi biết rằng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, trưởng giả Thâu-lũ-na xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Khi ấy, trưởng giả Thâu-lũ-na thấy pháp, đắc pháp, không nương ai khác, ở trong Chánh pháp được vô sở úy,[4] liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo bày vai phải rồi quỳ xuống chắp tay thưa:

– Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất! Hôm nay, con đã được độ. Từ ngày hôm nay, con nguyện quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng, xin làm ưu-bà-tắc. Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện thanh tịnh quy y Tam bảo.

Bấy giờ, trưởng giả Thâu-lũ-na nghe Tôn giả Xá-lợi-phất dạy xong, thân tâm hoan hỷ, kính lễ rồi lui ra.

***

 

Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.30. 0006a24). Tham chiếu: S. 22.49 - III. 48.

[2] Thâu-lũ-na (輸屢那). Theo Ngũ phần luật 五分律 (T.22. 1421.21. 0145a16): Ở thành Vương Xá có vị trưởng giả có đến 20 ức tiền nên người đời gọi là Thủ-lâu-na Nhị Thập Ức (首樓那二十億). Ở đây, cả Tạp A-hàm và Luật ngũ phần đều ghi tên vị trưởng giả bằng 3 âm tiết, gần với nguyên ngữ Sanskrit Śroṇa hơn là Soṇa trong Pāli.

[3] Nguyên tác: Sở kế (所計): Kiến chấp, P. attato samanupassati. Như “kế ngã” (計我): Kiến chấp về ngã.

[4] Đắc vô sở úy (得無所畏, vesārajjappatto): Đạt đến chỗ tự tín, cũng mang nghĩa là không còn sợ hãi.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.