Viện Nghiên Cứu Phật Học

Quyển 1

 

22. KIẾP-BA THƯA HỎI PHẬT[1]
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo tên là Kiếp-ba[2] đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài, đứng sang một bên rồi bạch:

– Như lời Thế Tôn dạy: “Tỳ-kheo tâm giải thoát hoàn toàn.”[3] Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là Tỳ-kheo tâm giải thoát hoàn toàn?

Lúc ấy, Thế Tôn nói với Kiếp-ba:

– Lành thay! Lành thay! Thầy có thể hỏi Như Lai về tâm giải thoát hoàn toàn. Lành thay, Kiếp-ba! Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Như Lai sẽ giảng nói cho thầy.

Này Kiếp-ba! Hãy quán sát để biết rằng, những gì thuộc về sắc ở quá khứ, ở tương lai hay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần thì hết thảy chúng đều vô thường. Quán sát chân thật[4] về vô thường rồi thì sự luyến ái sắc sẽ bị đoạn trừ. Sau khi sự luyến ái sắc đã được đoạn trừ thì tâm giải thoát hoàn toàn.

Cũng vậy, quán thọ, tưởng, hành, thức hoặc ở quá khứ, ở tương lai hay hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần thì hết thảy chúng đều vô thường. Quán sát chân thật về vô thường rồi thì sự luyến ái thọ, tưởng, hành, thức sẽ bị đoạn trừ. Sự luyến ái thọ, tưởng, hành, thức đã đoạn trừ rồi thì Như Lai nói tâm giải thoát hoàn toàn.

Này Kiếp-ba, Tỳ-kheo tâm giải thoát hoàn toàn như vậy, Như Lai gọi đó là bậc Tâm giải thoát hoàn toàn. Vì sao như vậy? Vì ái dục đã đoạn trừ. Người nào đã đoạn trừ ái dục thì Như Lai gọi đó là người tâm giải thoát hoàn toàn.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Kiếp-ba sau khi nghe Phật dạy xong, tâm rất hoan hỷ, lễ Phật rồi lui ra.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Kiếp-ba vâng theo những điều Phật dạy, sống một mình ở nơi chỗ vắng, chuyên tâm tư duy, sống không buông lung... (cho đến)[5] tự biết không còn tái sanh, tâm giải thoát hoàn toàn, thành bậc A-la-hán.

***

 

Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20). Tham chiếu: S. 22.124 - III. 169; S. 22.125 - III. 169.

[2] Nguyên tác: Kiếp-ba (劫波, Kappa).

[3] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Trong Tạp A-hàm, cú ngữ này còn được viết là “chánh giải thoát” (正解脫, sammāvimutta), chỉ cho sự giải thoát hoàn toàn (sammā). Trong Chú giải Kinh Gilāna (Gilānasuttavaṇṇanā), ngài Buddhaghosa giải thích rằng, tâm giải thoát chính là quả giải thoát của bậc A-la-hán (Arahattaphalavimuttiyā vimuttacittassa).

[4] Chánh quán (正觀): Quán sát đúng như thật. Chánh (正) tương đương Pāli là sammā, nghĩa là đúng, chính xác, toàn diện.

[5] Bản Hán tỉnh lược.

 

 

 

 

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.