Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 1

 

2. CHÂN CHÁNH TƯ DUY[1]
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Đối với sắc, các thầy hãy chân chánh tư duy, quán sát[2] để biết như thật sắc là vô thường. Vì sao như vậy? Này các Tỳ-kheo! Vì nhờ chân chánh tư duy, quán sát và biết như thật sắc là vô thường nên đối với sắc, tham dục[3] được đoạn trừ. Do tham dục được đoạn trừ nên được gọi là tâm giải thoát.

Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành và thức, các thầy hãy chân chánh tư duy, quán sát và biết như thật thức là vô thường. Vì sao như vậy? Vì nhờ chân chánh tư duy, quán sát và biết như thật thức là vô thường nên đối với thức, tham dục được đoạn trừ. Do tham dục được đoạn trừ nên được gọi là tâm giải thoát.

Bậc có tâm giải thoát như vậy, nếu muốn tự thân chứng ngộ thì có thể tự thân tác chứng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Hãy chân chánh tư duy như vậy về vô thường, khổ, không và vô ngã cũng đều như vậy!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.2. 0001a16). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.9. 0002a02); Tạp. 雜 (T.02. 0099.10. 0002a12); Tạp. 雜 (T.02. 0099.189. 0049b17); S. 22.15-17 - III. 21-2; S. 22.52 - III. 51.

[2] Bản Tống, Nguyên, Minh có thêm chữ “quán” (觀).

[3] Nguyên tác: Dục tham (欲貪, kāmarāga), còn gọi là “dục tham tùy miên”, chỉ cho phiền não tham muốn trong cõi Dục.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.