Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05
Quyển 1
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Trước kia, Ta từng đi tìm cầu[2] vị ngọt của sắc và Ta tuần tự biết rõ[3] vị ngọt của sắc, tức là dùng trí tuệ như thật để thấy rõ vị ngọt của sắc.[4]Cũng vậy, Ta từng đi tìm cầu vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức và Ta tuần tự biết rõ vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức, tức là dùng trí tuệ như thật để thấy rõ vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức.
Này các Tỳ-kheo! Ta từng đi tìm cầu sự tai hại của sắc và Ta tuần tự biết rõ sự tai hại của sắc, tức là dùng trí tuệ như thật để thấy rõ sự tai hại của sắc.
Cũng vậy, Ta từng đi tìm cầu sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức và Ta tuần tự biết rõ sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức, tức là dùng trí tuệ như thật để thấy rõ sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức.
Này các Tỳ-kheo! Ta từng đi tìm cầu sự xa lìa đối với sắc và Ta tuần tự biết rõ sự xa lìa đối với sắc, tức là dùng trí tuệ như thật để thấy rõ sự xa lìa đối với sắc.
Cũng vậy, Ta từng đi tìm cầu sự xa lìa đối với thọ, tưởng, hành, thức và Ta tuần tự biết rõ sự xa lìa đối với thọ, tưởng, hành, thức, tức là dùng trí tuệ như thật để thấy rõ sự xa lìa đối với thọ, tưởng, hành, thức.
Này các Tỳ-kheo! Nếu Như Lai không hiểu biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, tai hại là tai hại, xa lìa là xa lìa đối với năm thủ uẩn này thì giữa chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, trời và người, Như Lai đã không thể giải thoát, không thể vượt qua, không thể xa lìa, vĩnh viễn ở trong điên đảo, cũng không thể tự mình chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này các Tỳ-kheo! Vì Như Lai đã biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, tai hại là tai hại, xa lìa là xa lìa đối với năm thủ uẩn này, cho nên ở giữa chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, trời và người, Như Lai đã tự chứng được giải thoát, được vượt qua, được xa lìa, thoát khỏi mọi sự trói buộc, vĩnh viễn không còn ở trong điên đảo, cũng tự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Quá khứ, Tứ chủng thuyết,
Yểm ly cập Giải thoát,
Nhị chủng thuyết nhân duyên,
Vị diệc phục nhị chủng.[5]
[2] Nguyên tác: Hữu cầu hữu hành (有求有行). Tham chiếu: S. 22.26 - III. 27: Pariyesanaṃ acariṃ (đi để tìm cầu).
[4] Tham chiếu: S. 22.26 - III. 27: Yo rūpassa assādo tadajjhagamaṃ. Yāvatā rūpassa assādo paññāya me so sudiṭṭho (Vị ngọt của sắc là gì, Ta đã chứng đắc. Vị ngọt của sắc như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ), HT. Thích Minh Châu dịch.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.