Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§438. CHUYỆN CON GÀ GÔ (Tittirajātaka) (J. III. 536)

Nó đã ăn tươi bọn trẻ thơ...

Bậc Đạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại núi Linh Thứu về dự định của Devadatta mưu sát Ngài.

Chính vào thời ấy, Tăng chúng bắt đầu thảo luận tại pháp đường:

– Này các Hiền giả, than ôi, Devadatta thật là hạ liệt và vô liêm sỉ biết bao! Vị ấy kết hợp với Thái tử Ajātasattu lập mưu sát hại đức Phật Chánh Ðẳng Giác bằng cách mua chuộc bọn xạ thủ, lăn đá xuống đồi và thả lỏng con voi Nāḷāgiri.

Bậc Ðạo sư bước vào hỏi Tăng chúng đang bàn luận việc gì lúc hội họp và khi nghe kể đề tài câu chuyện, Ngài bảo:

– Không phải chỉ bây giờ mà xưa kia nữa, Devadatta cũng đã mưu giết Ta, song cũng không thể làm gì cho Ta kinh hãi được.

Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, có một giáo sư danh tiếng lừng lẫy thế giới tại Ba-la-nại dạy các học thuật cho năm thanh niên Bà-la-môn.

Một hôm, vị ấy suy nghĩ: “Bao lâu ta còn ở đây, ta sẽ gặp trở ngại cho đời tu hành và các đồ đệ ta cũng không hoàn thành việc học của họ. Ta muốn về ẩn dật trong thảo am trên sườn Tuyết Sơn và dạy học ở đó.”

Vị ấy báo tin cho các đồ đệ, bảo họ đem mè, gạo xay, dầu, y phục hay đại loại như thế, rồi đi vào rừng dựng thảo am ở cạnh xa lộ. Mỗi vị đệ tử đến tự xây một thảo am cho mình. Thân quyến họ gửi gạo và các thứ kia, còn dân làng bảo nhau: “Người ta đồn một vị danh sư đang sống nơi kia trong rừng và thuyết giảng kiến thức học thuật”, liền đem quà, lúa gạo đến tặng; các người giữ rừng cũng tặng quà, lại có một người tặng bò cái và bê con để chư vị lấy sữa.

Bấy giờ, có một con tắc kè cùng hai con nó đến ở trong lều vị giáo sư và một con sư tử cùng một con cọp hầu hạ vị ấy. Một con gà gô cũng thường xuyên ở tại đó và do nghe giáo sư dạy thánh kinh cho đệ tử, con gà dần dần hiểu ba tập Vệ-đà. Các Bà-la-môn trở nên thân thiện với gà gô. Về sau, trước khi các thanh niên này đạt tinh thông các học thuật thì vị giáo sư mất. Các đệ tử đem thi hài thầy hỏa thiêu, dựng một mô cát lên chỗ để tro, vừa than khóc vừa trang hoàng nơi ấy đầy đủ các loại hoa. Thấy vậy, gà gô hỏi tại sao họ khóc. Họ đáp:

– Thầy chúng ta đã mất trong khi việc học của chúng ta chưa hoàn mãn.

– Nếu chuyện là thế thì các vị đừng lo buồn nữa. Tôi sẽ dạy các vị kiến thức ấy.

– Làm sao gà biết được?

– Tôi thường nghe giáo sư của các vị trong lúc giảng dạy các vị nên đã học thuộc lòng ba tập Vệ-đà rồi.

– Thế gà hãy truyền cho chúng tôi những gì gà đã học thuộc lòng nhé!

Gà đáp:

– Nào lắng nghe đây!

Rồi gà thuyết giảng mọi điểm khúc mắc cho họ, dễ dàng như người đưa nước suối từ núi cao xuống. Các thanh niên Bà-la-môn vô cùng hân hoan và thu thập kiến thức từ con gà gô thông thái này. Con gà gô đậu trên chỗ giáo sư danh tiếng ấy thường ngồi và thuyết giảng về tri kiến Vệ-đà. Các thanh niên làm cho gà chiếc lồng vàng và buộc một tấm ván qua đó, cung cấp cho gà đủ mật ong, hạt ngũ cốc rang trong chiếc đĩa vàng, lại còn tặng đủ thứ hoa có màu sắc rực rỡ và tỏ vẻ vô cùng tôn kính gà gô.

Tiếng đồn vang dậy khắp Diêm-phù-đề rằng một con gà gô rừng đang dạy Thánh kinh cho năm trăm thanh niên Bà-la-môn. Vào lúc ấy, dân chúng mở lễ hội lớn, tụ tập cùng nhau trên đỉnh núi. Cha mẹ các thanh niên này gửi lời nhắn các con đến xem lễ hội. Họ liền kể chuyện con gà gô, rồi ủy thác gà gô cùng thảo am của họ cho tắc kè chăm nom và họ ra đi đến nhiều kinh thành.

Lúc ấy, một vị khổ hạnh lõa thể độc ác du hành đây đó bước tới chốn này. Khi thấy vị ấy, con tắc kè đến nói chuyện thân thiện và bảo:

– Ở chỗ này chỗ kia, ngài sẽ thấy gạo, dầu và các món khác. Hãy nấu cơm và ăn uống no nê!

Nói xong, nó ra đi kiếm mồi. Sáng sớm, kẻ ác kia nấu cơm và giết luôn hai tắc kè con ăn thịt, làm một món ngon lành. Ðến trưa, y giết và ăn thịt luôn con gà gô thông thái và con bê; đến chiều tối, y vừa thấy con bò về nhà liền giết nó luôn để ăn thịt. Rồi y nằm ngủ ngáy vang dưới gốc cây. Xế chiều, tắc kè trở về thấy vắng hai con liền đi quanh tìm chúng. Một vị thần cây quan sát tắc kè đang run rẩy toàn thân vì không tìm được các con thơ, liền dùng thần lực đứng trong bọng cây và nói:

– Này tắc kè, đừng run nữa, các con nhỏ ấy cùng gà gô, bê con và bò cái đều bị kẻ độc ác này ăn thịt rồi. Hãy cắn vào cổ cho nó chết đi!

Vị thần vừa nói chuyện như vậy với tắc kè vừa ngâm vần kệ đầu:

105. Nó đã ăn tươi bọn trẻ thơ,

Dù con cho nó thật nhiều quà,

Răng con hãy cắn sâu vào cổ,

Ðừng để ác nhân trốn thoát ra!

Sau đó, tắc kè ngâm hai vần kệ:

106. Thâm tâm của nó tạo bùn nhơ,

Chẳng khác áo người giữ trẻ thơ,

Tôi e toàn thể thân mình nó,

Chống đỡ răng tôi mạnh lắm mà!

107. Lỗi lầm kẻ hạ liệt vong ân,

Ðều thấy khắp nơi thật rõ ràng,

Tâm nó chẳng bao giờ thỏa mãn,

Với bao tặng vật của trần gian.

Tắc kè nói xong, suy nghĩ: “Kẻ này sẽ thức dậy và ăn thịt ta.” Nó liền trốn đi để cứu mạng mình.

Bấy giờ, sư tử và cọp rất thân thiết với gà gô. Thỉnh thoảng, chúng thường đến thăm gà gô và đôi khi gà gô cũng bay đi thuyết pháp cho nó. Hôm ấy, sư tử bảo cọp:

– Chúng ta đi thăm gà gô đã lâu rồi, chắc cũng đã bảy tám ngày. Vậy bạn hãy đi đem tin tức của gà về đây!

Con cọp thỏa thuận và đi đến nơi đúng lúc con tắc kè đã chạy trốn, nó thấy kẻ gian ác ấy đang ngủ. Trên các bện tóc của y thấy có vài cái lông gà, gần đó lại có đống xương bò cái và bê con. Cọp chúa trông thấy cảnh ấy, lại thiếu gà gô trong lồng vàng, liền suy nghĩ: “Các con vật này chắc đã bị kẻ ác nhân này giết hết rồi.” Nó đá mạnh đánh thức y dậy. Khi thấy cọp, y vô cùng sợ hãi. Rồi con cọp hỏi:

– Có phải ngươi giết và ăn thịt các con vật này chăng?

– Tôi chẳng giết cũng chẳng ăn thịt chúng.

– Kẻ khốn nạn ác độc kia, nếu anh không giết chúng thì hãy nói cho ta biết ai khác giết? Nếu anh không nói, anh phải chết đấy.

Sợ nguy đến tính mạng, y đáp:

– Vâng thưa ngài, tôi đã giết và ăn thịt các con tắc kè con, bò cái và bê con; song tôi không giết con gà gô.

Mặc dù y cứ phản đối mãi, cọp vẫn không tin y và bảo:

– Anh từ đâu đến đây?

– Tâu ngài, trước đây tôi bán hàng rong để kiếm sống ở xứ Kāliṅga và sau khi thử bán vài món xong thì tôi đến đây.

Nhưng sau khi người ấy đã kể hết mọi việc y làm, con cọp bảo:

– Này ác nhân kia, nếu anh không giết gà gô thì còn ai khác làm việc đó? Này, ta sẽ mang anh đến trước sư tử, chúa sơn lâm đấy.

Thế là cọp ra đi dẫn theo kẻ ấy trước mặt. Khi sư tử thấy cọp mang y đến, nó liền ngâm vần kệ thứ tư để đặt câu hỏi:

108. Ði đâu vội thế Subāhu,[9]

Sao kéo chàng trai trẻ thế ư,

Có việc gì cần, đây muốn biết,

Nói mau thành thật chớ chần chừ?

Nghe vậy, cọp ngâm vần kệ thứ năm:

109. Bạn quý gà gô của chúng ta,

Hôm nay, tôi đoán, hóa thành ma,

Chuyện xưa kẻ ấy làm tôi sợ,

Nghe được hung tin của bạn gà.

Sau đó, sư tử ngâm vần kệ thứ sáu:

110. Chuyện xưa của kẻ ấy ra sao,

Tội lỗi gì y thú nhận mau,

Ðã khiến cọp nghi ngờ đại họa,

Xảy ra cho bạn quý ta nào?

Ðể trả lời sư tử, cọp chúa ngâm các vần kệ còn lại:

111. Trong nước Kāliṅga nó bán rong,

Ði đường lởm chởm, gậy tay cầm,

Ở cùng bọn đánh đu nhào lộn,

Ðánh bẫy bao súc vật buộc chum.

Nó cũng thường chơi trò xúc xắc,

Lưới giăng bắt sống lũ chim muông,

Ðánh nhau từng đám dùng đao trượng,

Nó kiếm lời nhờ việc đếm đong.

112. Phản bội lời thề, đánh nửa khuya,

Bị thương, nó chảy máu dầm dề,

Bàn tay nó cháy vì gan góc,

Chụp lấy thức ăn nóng vụng về,

Nghe nó sống đời tồi tệ vậy,

Ðó là tội ác chất đầu kia.

113. Vì ta đều biết con bò chết,

Giữa tóc người kia mấy sợi lông,

Xuất hiện nên tôi đây khủng khiếp,

Lo gà gô bạn ắt vong thân.

Sư tử chúa hỏi người kia:

– Thế anh đã giết gà gô thông thái rồi ư?

– Tâu chúa công, vâng, tôi đã giết.

Chúa sư tử nghe y nói thật nên muốn thả cho y ra đi nhưng cọp chúa bảo:

– Tên gian ác này đáng chết.

Và ngay tại chỗ, cọp dùng răng xé y tan xác. Rồi cọp đào hố quăng thây vào đó. Khi các thanh niên Bà-la-môn trở về, không thấy gà gô, họ than khóc và bỏ nơi ấy ra đi.

***

Sau pháp thoại, bậc Ðạo sư bảo:

– Như vậy, này các Tỷ-kheo, ngày xưa Devadatta cũng đã lập mưu giết Ta.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân:

– Thời ấy, vị khổ hạnh là Devadatta, con tắc kè là Kisāgotamī, con cọp là Moggallāna, sư tử là Sāriputta, vị giáo sư lừng danh thế giới là Kassapa và gà gô thông thái chính là Ta.

  1. Xem J. III. 255, Migālopajātaka (Chuyện chim thứu Migālopa), số §381.

  2. Tham chiếu: J. III. 211, Dīghitikosalajātaka (Chuyện Hoàng tử con Vua Dīghiti xứ Kosala), số §371; M. III. 152, Upakkilesasutta (Kinh Tùy phiền não); Dh. v. 3-6, 328-30; Ud. 61, Sadhāyamānasutta (Kinh Lời nhiếc mắng); Sn. 6, Khaggavisāṇasutta (Kinh Con tê ngưu một sừng); Thag. v. 275, 494; Vin. I. 337; Trường Thọ Vương bổn khởi kinh 長壽王本起經 (T.01. 0026.72. 0532c09); Pháp cú kinh “Song yếu phẩm” 法句經雙要品 (T.04. 0210.9. 0562a11); Pháp cú kinh “Tượng dụ phẩm” 法句經象喻品 (T.04. 0210.31. 0570b10); Pháp cú thí dụ kinh “Giáo học phẩm” 法句譬喻教學經 (T.04. 0211.2. 0577a15); Xuất diệu kinh “Phẫn nộ phẩm” 出曜經忿怒品 (T.04. 0212.15. 0693b19); Pháp tập yếu tụng kinh “Oán gia phẩm” 法集要頌經怨家品 (T.04. 0213.14. 0784a14).

  3. Xem Mv. X. 340.

  4. Bản Tích Lan viết Cullasukajātaka. Bản CST viết Cūḷasuvajātaka. Bản Thái Lan viết Cullasuvakarājajātaka.

  5. Xem Vin. III. 1ff.

  6. Xem J. II. 28, Chavakajātaka (Chuyện người tiện dân), số §309; J. II. 32, Sayhajātaka (Chuyện vị Quốc sư Sayha), số §310; Vin. IV. 204.

  7. Tham chiếu: J. III. 148, Araññajātaka (Chuyện chốn rừng hoang), số §348; J. IV. 219, Cullanāradajātaka (Chuyện tiểu đạo sĩ Nārada), số §477; Dh. v. 391; Pháp cú kinh, Phạm chí phẩm 法句經梵志品 (T.04. 0210.35. 0572b20); Xuất diệu kinh, Phạm chí phẩm 出曜經梵志品 (T.04. 0212.34. 0768c14); Pháp tập yếu tụng kinh, Phạm chí phẩm 法集要頌經梵志品 (T.04. 0213.33. 0798a01).

  8. Xem J. IV. 219, Cullanāradajātaka (Chuyện tiểu đạo sĩ Nārada), số §477.

  9. Xem J. III. 192, Vaṇṇārohajātaka (Chuyện sắc đẹp), số §361.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.