Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§434. CHUYỆN CHIM HỒNG NGA (Cakkavākajātaka) (J. III. 520)
Ðôi chim lông óng ả, màu vàng...
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo tham lam.
Người ta bảo vị ấy tham muốn các vật dụng cần thiết trong đời sống xuất gia và bỏ quên mọi phận sự của một Sư trưởng và Giáo thọ sư hướng dẫn đệ tử, thường vào thành Sāvatthi thật sớm. Sau khi ăn cháo gạo tuyệt hảo với nhiều loại thực phẩm loại cứng tại nhà nữ cư sĩ Visākhā, lại suốt ngày ăn thêm nhiều loại cao lương mỹ vị với cơm thịt mà vẫn chưa thỏa mãn, ông đi từ đó đến nhà ông Tiểu Cấp Cô Ðộc, cung vua xứ Kosala và nhiều nơi khác nữa. Vì thế một hôm, có cuộc thảo luận tại pháp đường, liên hệ đến tính tham lam của ông. Khi bậc Ðạo sư biết đề tài Tăng chúng đang thảo luận, Ngài truyền đưa vị Tỷ-kheo đến và hỏi có thật ông tham lam chăng. Và khi ông đáp:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Bậc Ðạo sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo, tại sao ông tham lam? Ngày xưa cũng vì tham ăn, không thỏa mãn với những xác voi chết, ông đã rời Ba-la-nại, lang thang quanh quẩn bên bờ sông Hằng và vào tận vùng Tuyết Sơn.
Và sau đó, Ngài kể một chuyện quá khứ.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, một con quạ tham lam đi quanh quẩn ăn xác voi chết và không thỏa mãn, nó nghĩ: “Ta muốn ăn mỡ cá trên bờ sông Hằng.” Rồi sau vài ngày ở tại đó ăn cá chết, nó vào vùng Tuyết Sơn sống bằng các loại quả rừng.
Khi đến một hồ sen rộng có nhiều rùa cá, nó thấy hai con chim thiên nga với bộ lông vàng óng ả sống bằng cây rong sevāla, nó nghĩ: “Ðôi chim này thật mỹ lệ, đầy hảo tướng. Thức ăn của chúng chắc phải thích thú lắm. Ta muốn hỏi chúng đó là thức ăn gì, rồi cũng ăn như thế và ta sẽ có màu lông óng ả kia.” Vì vậy quạ đến gần, sau lời chào hỏi ân cần theo thông lệ với đôi chim khi chúng đang đậu trên ngọn cây, quạ ngâm vần kệ ca ngợi chúng:
69. Ðôi chim lông óng ả, màu vàng,
Quanh quẩn đó đây, lạc thú tràn,
Chim loại gì, người yêu mến nhất,
Là điều ta muốn biết cho tường.
Nghe vậy, hồng nga ngâm vần kệ thứ hai:
70. Này quạ, vượt lên mọi dã cầm,
Hồng nga được hạnh phúc ban ân,
Mọi miền vang dậy tình thân ái,
Người lẫn chim đều vẫn tán dương,
Hãy biết hồng nga là ngỗng đỏ,
Bạo gan vùng vẫy nước sông Hằng.
Nghe vậy, quạ ngâm vần kệ thứ ba:
71. Trái gì sung mãn ở trên sông,
Tìm thấy “thịt” cho bạn ngỗng hồng?
Hãy nói món trời cho ngỗng hưởng,
Ðể sinh sắc đẹp, lực tăng cường?
Hồng nga liền ngâm vần kệ thứ tư:
72. Chẳng trái gì ăn ở giữa sông,
Và đâu có “thịt” với chim hồng,
Sevāla ấy đem chà vỏ,
Làm thức ăn không có lỗi lầm.
Sau đó, quạ ngâm hai vần kệ:
73. Ta chẳng thích lời ấy, ngỗng hồng,
Trước kia ta thưởng thức cần dùng,
Ðể nuôi ta sống, cần phù hợp,
Với dáng bề ngoài ta ước mong.
74. Nay ta nghi hoặc, bởi ta ăn,
Gạo, muối, dầu, bơ, thịt, quả ngon,
Như các anh hùng say yến tiệc,
Khi vừa trở lại khải hoàn môn.
Vậy ta thưởng thức đầy hương vị,
Song dẫu ta đang sống thật sang,
Hình dáng bề ngoài ta vẫn thế,
Bên hồng nga chẳng thể ngang bằng!
Sau đó, hồng nga bảo cho quạ biết lý do tại sao quạ không đạt được dung sắc mỹ lệ trong khi chính hồng nga đã đạt được qua các vần kệ còn lại:
75. Không thỏa vì hoa quả rớt rơi,
Trong vùng nghĩa địa hỏa thiêu người,
Tham lam, quạ vẫn bay lơ lửng,
Săn đuổi mồi ngon cám dỗ hoài.
76. Song những ai mong phạm ác hành,
Chỉ vì dục lạc giết sinh linh,
Lương tâm giày xéo thân mòn mỏi,
Vẻ đẹp tráng cường hủy hoại nhanh.
77. Vậy các thiện nhân chẳng hại ai,
Hình dung cường tráng, vẻ xinh tươi,
Bởi vì mỹ sắc, ta cần biết,
Chẳng phải thuộc vào thực phẩm thôi.
Như vậy, hồng nga dùng nhiều phương tiện chỉ trích quạ. Sau khi quạ bị khiển trách như vậy, nó bảo:
– Ta chẳng muốn có sắc đẹp của hồng nga nữa.
Và nó bay đi xa với tiếng kêu quác quác.
***
Sau pháp thoại, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các sự thật. Lúc kết thúc các sự thật, vị Tỷ-kheo tham lam đã đắc Nhị quả (Nhất lai).
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, con quạ là Tỷ-kheo tham lam này, hồng nga mái là mẫu thân Rāhula và hồng nga trống chính là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.