Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§433. CHUYỆN CA-DIẾP, VỊ KHỔ HẠNH NHIỀU LÔNG TÓC (Lomasakassapajātaka)[6] (J. III. 514)

Ðại vương sẽ giống hệt Indra...

Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo có tâm thế tục.

Bậc Ðạo sư hỏi vị ấy có thật ông đang mơ tưởng chuyện thế tục chăng và khi ông công nhận là đúng như vậy, bậc Ðạo sư bảo:

– Này Tỷ-kheo, ngay cả người đạt danh vọng tối cao đôi khi cũng phạm vào một việc ô danh. Những tội lỗi như thế làm ô uế những vị thanh tịnh, huống nữa là một kẻ như ông.

Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.

***

Ngày xưa, Vương tử Brahmadattakumāra là con Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại và con trai vị tế sư hoàng gia tên là Kassapa là đôi bạn đồng học mọi nghệ thuật tại nhà một giáo sư. Dần dần, khi vua cha băng hà, thái tử lên trị vì quốc độ. Kassapa nghĩ: “Hiền hữu ta đã lên làm vua và sẽ ban đại quyền lực cho ta. Song ta có cần gì quyền lực! Ta muốn giã từ đức vua cùng song thân và trở thành vị khổ hạnh.”

Vì vậy, ngài vào vùng Tuyết Sơn sống đời tu hành. Vào ngày thứ bảy, ngài thành đạt các thắng trí cùng các thiền chứng và tự kiếm sống bằng những thứ nhặt được giữa đồng hoang. Quần chúng đặt cho ngài biệt danh nhà khổ hạnh Lomasakassapa (Ca-diếp có nhiều lông tóc).

Vì hành hạ thân xác, ngài trở thành vị khổ hạnh khắc nghiệt cao độ. Do công năng khổ hạnh này, cung của Thiên chủ Sakka (Đế-thích) rúng động. Sakka suy xét duyên cớ, quan sát ngài và suy nghĩ: “Vị khổ hạnh này nhờ công năng tỏa nhiệt độ mãnh liệt như thế, có thể khiến ta rớt khỏi ngai Đế-thích. Ta sẽ phá hủy khổ hạnh của vị ấy sau khi bí mật hội kiến với vua xứ Ba-la-nại.”

Nhờ thần lực của một vị Thiên chủ, Đế-thích vào cung của vua xứ Ba-la-nại lúc nửa đêm và chiếu sáng toàn thể cung thất với hào quang trên thân, vừa đứng trên không trước mặt vua, Thiên chủ vừa đánh thức vua dậy và nói:

– Thưa Ðại vương, dậy đi!

Vua hỏi:

– Ngài là ai?

Thiên chủ đáp:

– Ta là Sakka.

– Ngài đến đây vì duyên cớ gì?

– Thưa Ðại vương, Ðại vương có muốn quyền ngự trị duy nhất toàn cõi Diêm-phù-đề này chăng?

– Dĩ nhiên trẫm muốn.

Nghe thế, Thiên chủ bảo:

– Vậy hãy đưa Lomasakassapa về đây và ra lệnh cho vị ấy làm lễ tế đàn bằng cách giết thú vật, rồi Ðại vương sẽ trở thành vĩ đại như Thiên chủ Sakka (tức Indra), thoát khỏi già chết và cầm quyền khắp cõi Diêm-phù-đề.

Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:

60. Ðại vương sẽ giống hệt Indra,

Sẽ chẳng chết đi, cũng chẳng già,

Ví thử Kassapa nhận lệnh,

Tế đàn sinh vật tại cung vua.

Nghe lời ngài, vua sẵn sàng chấp thuận. Sakka bảo:

– Thế thì đừng chậm trễ.

Rồi ngài biến mất. Hôm sau, vua triệu vị quốc sư tên Sayha đến bảo:

– Này Tôn giả, xin đến gặp thân hữu Lomasakassapa của trẫm và nhân danh trẫm nói với người như vầy: “Nếu Ðại vương khuyến dụ được ngài làm lễ hiến tế sinh vật, Đại vương sẽ trở thành vị chúa độc nhất ở toàn cõi Diêm-phù-đề và sau đó sẽ ban ngài nhiều vùng lãnh thổ như ý ngài muốn. Vậy xin ngài cùng đi với tôi về làm lễ tế đàn!”

Vị ấy đáp:

– Tâu Ðại vương, xin vâng.

Sau đó, dùng trống lệnh truyền tìm chỗ vị khổ hạnh cư trú và khi có người kiểm lâm bảo: “Tiểu thần biết”, Sayha liền đi theo sự hướng dẫn của y cùng một đoàn tùy tùng đông đảo đến kính lễ vị Hiền nhân và vừa cung kính ngồi một bên vừa trình thông điệp của vua. Vị Hiền nhân liền bảo:

– Này Sayha, Tôn giả nói gì vậy?

Rồi ngài ngâm bốn vần kệ từ chối vị này:

61. Không hải đảo nào giữa đại dương,

Ðược người canh giữ thật an toàn,

Hòng mong lôi cuốn ta, Tôn giả,

Vào việc bạo tàn đại bất lương.

62. Lòng tham lợi dưỡng với vinh danh,

Tội ác từ đây vẫn phát sinh,

Ðưa đến khổ ưu không gián đoạn,

Ác hành tai hại đáng chê khinh!

63. Thà làm kẻ khốn khó ly gia,

Khất thực kiếm ăn khắp mọi nhà,

Hơn phải tạo nên điều tội lỗi,

Sẽ mang ô nhục trút đầu ta.

64. Thà cầm bình bát ở trong tay,

Ðể tránh thật xa tội lỗi này,

Hơn chiếm được toàn quyền quốc độ,

Nhờ hành động ác độc như vầy.

Sau khi nghe ngài nói, vị quốc sư ra về trình vua. Vua suy nghĩ: “Nếu vị ấy không chịu đến đây thì ta làm gì được!” rồi ngồi im lặng. Nhưng nửa đêm, Thiên chủ Sakka lại đến đứng trên không và bảo:

– Thưa Ðại vương, tại sao Ðại vương không truyền gọi ẩn sĩ Lomasakassapa về và ra lệnh vị ấy làm lễ hiến tế súc vật?

– Khi được lệnh truyền gọi, vị ấy đã từ chối về đây.

– Thưa Ðại vương, hãy trang điểm cho Công chúa Candavatī (Nguyệt Nương), ái nữ của Ðại vương và nhờ chính tay Sayha đưa nàng đi và bảo vị ấy: “Nếu Tôn giả muốn về dâng tế lễ, Chúa thượng sẽ ban thưởng công nương này làm vợ ngài.” Rõ ràng vị ấy sẽ sinh lòng say mê công chúa và về đây.

Vua sẵn sàng chấp thuận và hôm sau nhờ chính tay Sayha đưa công chúa đi. Sayha đem công chúa đến đó và sau lời chào hỏi thông thường cùng ca ngợi vị Hiền giả, vị quốc sư bảo đưa đến trình diện với ngài nàng công chúa diễm lệ khả ái như tiên nữ cung kính đứng xa xa. Vị khổ hạnh mất ngay giới đức khi nhìn thấy nàng và chỉ nhìn thế thôi, ngài đã tiêu tan hết thiền lực. Vị quốc sư thấy ngài đã đắm say luyến ái nàng, liền bảo:

– Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả muốn hiến tế, Chúa thượng sẽ ban công chúa này về làm vợ ngài.

Ngài rung động vì mãnh lực của tham dục liền hỏi:

– Chắc chắn Chúa thượng sẽ ban nàng cho ta chứ?

– Ðúng vậy, nếu ngài làm tế lễ, Chúa thượng sẽ ban nàng cho ngài.

– Tốt lắm. Nếu ta được nàng, ta sẽ làm lễ hiến tế.

Rồi đem nàng đi cùng ngài ngay lúc ấy với các chòm tóc bện của một vị khổ hạnh và mọi thứ khác, ngài leo lên chiếc vương xa lộng lẫy đi về Ba-la-nại. Còn vua ngay khi nghe tin ngài chắc chắn sẽ đến đó, liền chuẩn bị lễ đàn ở hố hiến tế sinh vật.

Khi thấy ngài đã đến, vua bảo:

– Nếu hiền hữu dâng lễ hiến tế, trẫm sẽ sánh ngang với Thiên chủ Indra và khi tế lễ hoàn tất, trẫm sẽ ban công chúa cho hiền hữu.

Vị khổ hạnh Kassapa sẵn sàng chấp thuận. Vì thế hôm sau, vua cùng Công chúa Candavatī đi đến hố hiến tế sinh vật. Tại đó có đủ loại súc vật bốn chân như voi, ngựa, bò đực và các loài khác đặt thành một dãy. Ẩn sĩ Kassapa lãnh việc hiến tế bằng cách giết chết tất cả bọn chúng.

Lúc ấy, thần dân tụ tập quanh đó bảo:

– Hỡi Tôn giả Lomasakassapa, việc này không thích hợp cũng không xứng đáng với ngài, tại sao ngài làm như vậy?

Và vừa than vừa khóc, họ vừa ngâm hai vần kệ:

65. Nhật, nguyệt đều mang đại lực thần,

Thủy triều không nhượng lực phàm trần,

La-môn, đạo sĩ đầy oai lực,

Song vẫn kém xa lực nữ nhân.

66. Nguyệt Nương cũng vậy, đã làm cho

Ca-diếp hiền nhân mắc tội to,

Thúc giục ngài theo lời Chúa thượng,

Tế đàn sinh vật tại cung vua.

Vào lúc này, để bắt đầu tế lễ, Kassapa nhấc bảo kiếm lên để đánh vào cổ vương tượng. Con voi thấy thanh kiếm, kinh hoàng vì sợ chết, liền rống thật lớn. Khi nghe tiếng voi rống, các súc vật kia, cả bầy voi, ngựa, bò đực vì sợ chết, đồng rống lên thật lớn và quần chúng cũng kêu thét lên.

Kassapa nghe các tiếng rống kia, lòng xúc động và nghĩ lại các chòm tóc bện của mình. Lúc ấy, ngài nhờ nhớ đến các chòm tóc, râu và lông phủ khắp ngực và toàn thân, đầy hối hận, ngài kêu lớn:

– Than ôi, ta đã phạm ác nghiệp không xứng đáng với tính cách của ta!

Rồi ngài ngâm vần kệ thứ tám bày tỏ xúc động của mình:

67. Ác nghiệp này ta đã muốn làm,

Chính là kết quả của lòng tham,

Cái mầm dục vọng đang tăng trưởng,

Gốc rễ nó, ta quyết cắt ngang.

Sau đó, vua phán:

– Này hiền hữu, đừng sợ, hãy dâng tế lễ và ngay bây giờ trẫm sẽ ban cho hiền hữu Công chúa Candavatī cùng với vương quốc của trẫm và cả một đống châu báu cao ngất nữa!

Nghe thế, ẩn sĩ Kassapa đáp:

– Tâu Ðại vương, ta không muốn tội ác này tràn ngập tâm ta.

Rồi ngài ngâm vần kệ kết thúc:

68. Ðáng ghét bao tham dục thế thường,

Thà theo khổ hạnh tốt lành hơn,

Ta làm ẩn sĩ, nguyện ly dục,

Ngài giữ nước nhà với Nguyệt Nương.

Cùng với những lời này, ngài tập trung vào một đối tượng thiền quán. Khi phục hồi được định lực đã mất, ngài ngồi bắt tréo chân trên không, thuyết pháp cho vua, khuyên nhủ vua tinh cần làm thiện sự và bảo vua hủy bỏ tế đàn cùng ban lệnh ân xá cho quần chúng. Rồi thể theo lời thỉnh cầu của vua, ngài bay lên không trở về nơi an trú của mình. Trong thời gian ngài còn sống, ngài tu tập các Phạm trú viên mãn (bốn vô lượng tâm) và được sinh lên Phạm thiên giới.

***

Sau pháp thoại, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các sự thật. Lúc kết thúc các sự thật, vị Tỷ-kheo có tâm thế tục đã đắc Thánh quả A-la-hán.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân:

– Thuở ấy, vị đại quốc sư là Sāriputta và vị khổ hạnh Lomasakassapa chính là Ta.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.