Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§428. CHUYỆN Ở KOSAMBĪ (Kosambījātaka)[2] (J. III. 486)
Khi Giáo hội bị phân chia hai nhóm...
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại lâm viên Ghosita (Cù-sư-la) gần Kosambī (Kiều-thưởng-di) về một đám người tranh chấp nhau ở Kosambī. Sự kiện dẫn đến chuyện này có thể tìm được trong phần Luật tạng liên hệ đến Kosambī.[3] Sau đây là nội dung tóm tắt câu chuyện.
Tương truyền, thời ấy có hai Tỷ-kheo sống cùng một tinh xá, một vị thông hiểu giới luật và vị kia thông hiểu kinh điển. Một hôm, vị thứ hai có dịp đến chỗ rửa mặt, đi ra và bỏ sót một ít nước thừa để súc miệng trong cái ghè. Sau đó, vị thông hiểu giới luật đi vào và thấy nước, liền đi ra hỏi bạn xem có phải vị ấy đã để nước lại đó chăng. Ông đáp:
– Thưa Hiền giả, vâng.
– Sao, thế Hiền giả không biết đó là lỗi lầm ư?
– Không, tôi không biết.
– Này Hiền giả, đó là lỗi lầm.
– Thế thì tôi sẽ sám hối việc ấy.
– Song nếu Hiền giả không có ý làm việc ấy thì đó không phải lỗi lầm.
Như vậy, vị ấy là người không thấy lỗi lầm trong một việc có lỗi lầm. Vị thông hiểu giới luật bảo các đệ tử mình:
– Vị thông hiểu kinh điển này dù đã phạm lỗi lầm lại không biết việc ấy.
Khi gặp các đệ tử của vị Tỷ-kheo kia, họ bảo:
– Thầy của các vị dù phạm lỗi lầm lại không nhận ra lỗi lầm.
Chúng đệ tử này đi về thưa lại với thầy. Vị ấy bảo:
– Vị thông hiểu giới luật này trước kia bảo đó không phải lỗi lầm, nay lại bảo đó là lỗi lầm. Vị này là kẻ nói dối.
Chúng đệ tử này đi nói với chúng đệ tử kia:
– Thầy của các vị là kẻ nói dối!
Do đó, hai nhóm gây sự tranh cãi lẫn nhau. Về sau, vị thông hiểu giới luật tìm được cơ hội đưa ra một hình thức tẩn xuất vị Tỷ-kheo đã không chịu nhận thấy sự vi phạm giới luật của mình.
Từ đó về sau, các cư sĩ cung cấp bốn vật dụng cần thiết cho Tăng chúng cũng chia ra hai phe. Các Tỷ-kheo-ni nhận sự giáo huấn của các Tỷ-kheo, các vị thần hộ pháp cùng các thân hữu quyến thuộc của họ, cùng chư thiên lên đến tận cõi Phạm thiên, thậm chí cả nhóm người ngoại đạo cũng họp thành hai phái và tiếng huyên náo vang lên đến toàn cõi Phạm thiên.
Sau đó, một Tỷ-kheo đến gần đức Như Lai và thông báo quan điểm của phe tẩn xuất là: “Người kia bị tẩn xuất theo đúng Chánh pháp”, và quan điểm của những kẻ theo phe người bị tẩn xuất là: “Người ấy bị tẩn xuất một cách phi pháp.” Cùng sự kiện, một số người dù bị phe tẩn xuất cấm đoán vẫn tụ họp lại để ủng hộ vị ấy. Ðức Thế Tôn bảo:
– Có sự chia rẽ, quả thật có sự chia rẽ trong Giáo hội.
Ngài đến gặp hai phe, nêu rõ sự tai hại trong vấn đề tẩn xuất đối với những người tẩn xuất, cùng sự nguy hại theo sau sự che giấu lỗi lầm đối với phe kia, rồi Ngài ra đi.
Lần khác, khi hội chúng thực hành lễ Bố-tát cùng các Tăng sự khác trong cùng một nơi, trong một khu vực và lại tranh cãi ở trai đường cùng nhiều nơi khác, Ngài liền đưa ra điều luật rằng họ phải ngồi lại với nhau thảo luận lần lượt từng người một từ mỗi phe. Khi nghe họ vẫn tranh cãi trong tinh xá, Ngài đến bảo:
– Thôi đủ rồi, này các Tỷ-kheo, chúng ta không được tranh cãi!
Một vị trong phe phi chính thống không muốn phiền nhiễu đức Thế Tôn, liền thưa:
– Xin đức Thế Tôn hãy về tinh xá! Mong đức Thế Tôn được an tịnh độc cư, thọ hưởng diệu lạc đã chứng đắc ngay tại đời này! Chúng con sẽ tự làm cho chính bản thân ô danh vì cuộc khẩu tranh, luận tranh, đấu tranh, giao tranh này.
Nhưng bậc Ðạo sư bảo họ:
– Này các Tỷ-kheo, ngày xưa, Vua Brahmadatta, quốc vương ở Kāsi, trị vì tại Ba-la-nại, đã chiếm đoạt vương quốc của Vua Dīghati ở Kosala và giết vua ấy, trong lúc vua ấy đang sống ẩn tích mai danh. Ðến khi Vương tử Dīghāvu tha mạng Vua Brahmadatta, hai vị trở thành thân hữu trở về sau. Như vậy, chắc hẳn có nhiều khổ đau và thân ái giữa hai vị vua mang kiếm trượng ấy. Quả thật, này các Tỷ-kheo, các ông cần hiểu rõ rằng các ông đang sống đời tu tập theo Pháp và Luật được khéo giảng thì các ông có thể tha thứ và bày tỏ từ tâm đối với nhau.
Giáo huấn Tăng chúng đến lần thứ ba, Ngài bảo:
– Thôi đủ rồi, này các Tỷ-kheo, không được tranh chấp nữa!
Và khi Ngài thấy họ không ngừng lại trước lệnh của Ngài, Ngài ra đi và bảo:
– Quả thật bọn người ngu si này giống như bị quỷ ám, chúng không dễ được thuyết phục.
Hôm sau, khi đi khất thực về, Ngài nghỉ trong hương phòng và sắp đặt phòng cho thứ tự, rồi cầm y bát, Ngài đứng trên không và ngâm các vần kệ này giữa hội chúng:
10. Khi Giáo hội bị phân chia hai nhóm,
Dân chúng thường mở lớn miệng kêu vang,
“Mỗi người đều tự tin tưởng khôn ngoan,
Và nhìn kẻ láng giềng đầy khinh bỉ.”
11. Tâm mê muội chứa đầy niềm tự thị,
Chúng mở mồm phạm thượng thật si cuồng,
Vậy là do khẩu nghiệp, chúng sai đường,
Chúng không biết ai dẫn đầu ra lệnh.
12. “Người này nhục mạ tôi, người kia đánh,
Người thứ ba chiến thắng, cướp bóc tôi!”
Những ai mang tư tưởng ấy trong người,
Không hề muốn giảm dần niềm sân hận.
13. “Xưa nó nhục mạ tôi và đánh đấm,
Nó thắng tôi và đàn áp tôi hoài!”
Ai chẳng mang ý tưởng đó trong người,
Sẽ xoa dịu hận thù, đem hòa hợp.
14-15. Không hận thù, chỉ tình thương đơn độc,
Làm hận thù tiêu diệt, luật ngàn năm,
Một số người khinh bỉ pháp điều thân,
Song kẻ biết giải hòa là chí thiện.
16. Nếu những kẻ bị thương trong tử chiến,
Cùng những người cướp của, đoạt mạng dân,
Và những ai tàn phá nước lân bang,
Nay có thể cùng cựu thù thân thiết.
17. Thế tại sao chúng Tăng không hòa hiệp,
Các ông nên tìm đồng bạn Trí hiền,
Kẻ đồng tâm để chung sống bình yên,
Hiểm họa hết, bên người đồng tâm tính,
Ông suốt ngày hân hoan trong thiền định!
18. Song nếu ông không gặp bạn thân tình,
Thượng sách là ông phải sống một mình,
Như hoàng tử bỏ ngai vàng điện ngọc,
Hay voi già bước lang thang cô độc.
19. Vậy ưu tiên chấp nhận sống độc thân,
Bầu bạn ngu chỉ dẫn đến tranh phân,
Hay đeo đuổi đường đời trong phóng dật,
Như voi nọ trong rừng hoang đi lạc.
Khi bậc Ðạo sư đã nói như vậy xong và Ngài vẫn không giải hòa được hội chúng này, Ngài liền đi đến làng Bālaka, nơi làm muối và thảo luận với Tôn giả Bhagu về sự an lạc của độc cư. Sau đó, Ngài lại đến nơi cư trú của ba thiện gia nam tử và nói chuyện với họ về hạnh phúc hòa hợp. Rồi Ngài du hành đến rừng Pārileyyaka, cư trú tại đó ba tháng và đi về thẳng Sāvatthi chứ không trở lại Kosambī. Quần chúng cư sĩ ở Kosambī thảo luận với nhau và bảo nhau:
– Hiển nhiên các Tôn giả Tỷ-kheo ở Kosambī đã làm hại chúng ta rất nhiều, bậc Ðạo sư bị các vị ấy quấy nhiễu nên ra đi. Chúng ta quyết không trân trọng kính chào các vị ấy, cũng không cúng dường vật thực khi họ đến nhà, để rồi họ sẽ ra đi, hoặc hoàn tục, hoặc cầu hòa với bậc Ðạo sư.
Và họ làm đúng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy bị túng quẫn vì hình thức xử phạt này, liền đến Sāvatthi thỉnh cầu đức Thế Tôn tha thứ.
***
Bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, vua cha là Ðại vương Suddhodana (Tịnh Phạn), mẫu hậu là Mahāmāyā (Ma-da) và Vương tử Dīghāvu chính là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.