Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§427. CHUYỆN CHIM THỨU (Gijjhajātaka)[1] (J. III. 483)
Ðược làm bằng đám gỗ chênh vênh...
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo bất tuân giới luật.
Chuyện kể rằng vị ấy là thiện gia nam tử và được truyền giới vào giáo pháp đưa đến giải thoát; được các vị Pháp sư, Giáo sư đầy thiện chí cùng các đồng Phạm hạnh giáo giới như vầy:
– Hiền giả phải đi tới hay đi lui như vầy, phải nhìn thẳng hay nhìn nghiêng như vầy, cánh tay phải duỗi ra hay co lại như vầy, các y trong và y ngoài phải được mang như vầy, bình bát phải được cầm như vầy. Khi Hiền giả nhận đủ các thức ăn để nuôi thân, sau khi tự quán sát, Hiền giả phải thọ dụng nó như vầy, hộ phòng các căn như vầy. Hiền giả phải tiết độ trong ăn uống và tỉnh giác. Hiền giả phải nhận thấy các bổn phận như vầy đối với chư Tăng đến và đi khỏi tinh xá. Ðây là mười bốn quy tắc về phận sự của Tỷ-kheo và tám mươi trọng giới phải hoàn thành đúng đắn. Đây là mười ba pháp thực hành đầu-đà (dhuta) về nếp sống cẩn trọng. Tất cả các giới điều này phải được hoàn thành một cách nghiêm túc!
Tuy thế, vị ấy bất tuân giới luật và thiếu kham nhẫn, không chịu thọ giáo một cách kính cẩn và không tuân lời thầy, lại bảo:
– Tôi không chỉ trích các vị. Tại sao các vị nói với tôi như vậy? Tôi biết điều gì ích lợi cho tôi và điều gì không ích lợi.
Tăng chúng nghe được sự bất tuân giới luật của ông ta liền kể lại các lỗi lầm của ông trong lúc các vị ngồi tại pháp đường.
Bậc Ðạo sư bước vào, hỏi các vị đang bàn luận đề tài gì và truyền gọi Tỷ-kheo ấy đến hỏi:
– Này Tỷ-kheo, tại sao khi đã được truyền giới vào giáo pháp đưa đến giải thoát, ông lại không nghe lời dạy của các vị Giáo thọ sư có thiện ý kia? Ngày xưa, ông cũng đã không nghe lời dạy của các Trí giả và gặp cuồng phong Verambā thổi tan thành tro bụi.
Sau đó, Ngài kể lại chuyện đời xưa.
***
Một thuở nọ, Bồ-tát được sinh làm chim thứu (kên kên) trên núi Linh Thứu. Bấy giờ, con của ngài là Supatta, thứu vương, cường tráng, đầy dũng lực và có đám tùy tùng nhiều ngàn chim thứu. Thứu vương phụng dưỡng song thân. Do có sức mạnh, thứu vương thường bay rất xa. Chim thứu cha vẫn thường khuyên nhủ:
– Này con thân, con đừng bay xa quá những điểm này.
Thứu vương đáp:
– Ðược lắm, thưa cha.
Nhưng một hôm trời mưa, thứu vương bay cùng các chim thứu khác, rồi rời đàn phía sau, một mình vượt giới hạn đã được khuyên bảo nên thứu vương bay vào cuồng phong Verambā và bị thổi tan thành tro bụi.
***
Với tối thắng trí, đức Phật ngâm các vần kệ này minh họa các sự kiện trên:
Một lối đi xưa cũ dẫn lên,
Những đỉnh núi non cao chót vót,
Thứu con nuôi dưỡng các thân sinh.
2. Ðôi cánh hùng cường đầy dũng lực,
Thứu đem mỡ rắn tặng song thân,
Khi cha nhìn thứu bay cao quá,
Liều lĩnh du hành, vẫy dạy răn.
3. “Khi con quan sát, hỡi con thân,
Quả địa cầu tròn với đại dương,
Bao bọc chung quanh, đừng tiến nữa,
Trở về ngay nhé, khẩn cầu con!”
4-5. Thứu vương thường cất cánh lên cao,
Bay lượn vòng quanh cõi địa cầu,
Với nhãn quan tinh tường thấu suốt,
Thứu con thấy rõ các rừng sâu,
Núi non phía dưới cao vời vợi,
Quả đất giống cha tả biết bao.
6-7. Một quả cầu tròn giữa đại dương,
Nhưng khi vượt quá mức thông thường,
Dẫu là chim thứu đầy oai lực,
Một trận đại phong thật nộ cuồng,
Ðã thổi thứu tan tành bỏ mạng,
Bất tài không địch nổi cuồng phong.
8-9. Như vậy thứu con bởi bất tuân,
Tử vong bỏ mặc cả song thân,
Kẻ nào khinh bỉ người già cả,
Chế nhạo lời khuyên của trí nhân,
Cũng chết như chim khinh bậc trí,
Xem thường giới hạn bởi kiêu căng.
– Vì vậy, này Tỷ-kheo, đừng giống như chim thứu này mà phải tuân theo lời dạy của những người đầy thiện ý.
Khi được bậc Ðạo sư giáo huấn như trên, từ đó về sau vị ấy biết vâng lời thầy.
***
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Chim thứu bất tuân lệnh ngày xưa là vị Tỷ-kheo không vâng lời ngày nay và chim cha chính là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.