Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§425. CHUYỆN NHỮNG SỰ KIỆN KHÔNG THỂ XẢY RA (Aṭṭhānajātaka) (J. III. 474)
Làm sao lặng sóng Hằng hà...
Bậc Ðạo sư kể lại chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo thối thất. Bậc Ðạo sư hỏi vị ấy:
– Này Tỷ-kheo, có thật là ông đang thối thất?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Vì duyên cớ gì?
– Vì uy lực của dục tham.
– Này Tỷ-kheo, nữ nhân thật vô ơn, phản bội, không đáng tin cậy. Ngày xưa, các bậc trí không làm thỏa mãn một nữ nhân, thậm chí đã cho kẻ ấy một ngàn đồng tiền mỗi ngày. Một hôm, không nhận được một ngàn đồng tiền, kẻ ấy đã sai người lôi cổ họ quẳng ra ngoài. Nữ nhân là loài bạc nghĩa thế đấy. Ông đừng rơi mình vào uy lực của dục tham vì duyên cớ ấy nữa.
Rồi Ngài kể một câu chuyện đời xưa.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Vương tử Brahmadattakumāra và Công tử Mahādhana, con của một phú thương ở Ba-la-nại, là bạn thân thiết cùng chơi với nhau và được giáo dục trong nhà một vị thầy. Vương tử lên ngôi khi vua cha băng hà và con vị phú thương vẫn ở gần vua mới.
Tại Ba-la-nại có một kỹ nữ sang trọng kiều diễm đang thời hưng thịnh. Con trai vị phú thương tặng nàng một ngàn đồng tiền mỗi ngày và thường xuyên hưởng lạc với nàng. Khi cha mất, chàng thừa kế tài sản và địa vị của cha nhưng cũng không rời bỏ nàng mà vẫn tiếp tục cho nàng một ngàn đồng tiền mỗi ngày.
Một hôm, chàng đi chầu vua vào buổi chiều. Trong lúc chàng đàm đạo với vua, mặt trời lặn và tối dần. Khi rời cung, chàng nghĩ: “Không còn thời giờ để về nhà rồi trở lại nữa, ta cứ đi thẳng đến nhà kỹ nữ ấy.” Vì thế, chàng bảo những người hầu cận ra về và đi thẳng vào nhà một mình. Khi thấy chàng đến, nàng hỏi xem chàng có đem một ngàn đồng tiền không.
– Này ái nương, hôm nay ta ra trễ quá nên ta chỉ bảo những người hầu cận đi hết, chứ ta không về nhà, ta chỉ đến đây một mình nhưng ngày mai ta sẽ trao tặng nàng hai ngàn đồng tiền.
Nàng suy nghĩ: “Nếu ta tiếp đón chàng hôm nay, chàng sẽ đến tay không các ngày khác nữa và thế là ta mất dần của cải. Vậy ta không muốn tiếp chàng hôm nay nữa.” Vì thế, nàng bảo:
– Thưa công tử, thiếp chỉ là một kỹ nữ, thiếp không ban đặc ân cho ai mà không có một ngàn đồng, vậy công tử hãy đem tiền lại đây!
– Ái nương ơi, ta sẽ tặng nàng gấp đôi số tiền ấy ngày mai đây.
Và chàng cứ van xin nàng như vậy mãi. Nàng kỹ nữ ra lệnh cho các nữ tỳ:
– Ðừng để người ấy đứng đó mà nhìn ta. Hãy lôi cổ y kéo ra ngoài và đóng cửa lại!
Họ làm theo lời nàng. Chàng suy nghĩ: “Ta đã cho nàng tám trăm triệu đồng tiền, tuy thế chỉ một ngày ta đến tay không, nàng đã bảo chúng nắm cổ ta tống ra ngoài. Ôi, nữ nhân thật là độc ác, vô sỉ, vong ân, phản bội!”
Do vậy, chàng quan sát mãi về ác hạnh của nữ nhân cho đến khi chàng thấy chán ngán, ly tham và bất mãn với cuộc đời thế tục. Chàng suy nghĩ: “Tại sao ta phải sống đời thế tục? Ta muốn xuất gia hôm nay và thành người khổ hạnh.”
Do vậy, chàng không trở về nhà nữa cũng không yết kiến vua nữa. Chàng rời kinh thành đi vào rừng. Chàng dựng thảo am bên bờ sông Hằng, cư trú tại đó như một ẩn sĩ khổ hạnh, đắc thiền định viên mãn và sống bằng củ quả rừng.
Vua nhớ bạn vắng mặt lâu ngày và đòi bạn vào chầu. Khắp kinh thành ai cũng biết rõ cách nàng kỹ nữ đối xử với chàng nên họ tâu vua vấn đề ấy và thêm:
– Tâu Ðại vương, người ta bảo thân hữu của Ðại vương vì tủi nhục đã không trở về nhà mà đã trở thành vị khổ hạnh sống trong rừng.
Vua truyền đưa nàng kỹ nữ vào và hỏi nàng xem chuyện nàng đối xử với thân hữu ngài có thật như vậy chăng. Nàng thú nhận.
– Này nữ nhân bạc ác kia, hãy mau đến nơi hiền hữu ta ở và đưa chàng về đây. Nếu không làm được việc ấy, ngươi phải bị mất mạng đấy!
Nghe lệnh vua, nàng sợ hãi, vội lên xe ra khỏi kinh thành cùng đoàn tùy tùng đông đảo. Nàng đi tìm nơi an trú và nghe lời đồn, nàng đến đó kính lễ và cầu xin:
– Bạch Tôn giả, xin hãy tha thứ lỗi lầm thiếp đã phạm trong lúc mù quáng ngu si. Thiếp quyết không tái phạm nữa.
– Ðược lắm, ta tha thứ cho nàng, ta không giận nàng đâu.
– Nếu Tôn giả tha thứ cho thiếp, xin hãy lên xe cùng thiếp. Chúng ta cùng trở về kinh thành và ngay khi vào thành, thiếp xin dâng ngài mọi tiền tài trong nhà thiếp.
Khi nghe vậy, ngài đáp:
– Này cô nương, ta không thể đi với cô nương bây giờ đâu, nhưng khi nào những chuyện chưa từng xảy ra trên đời này sẽ xảy ra thì có lẽ ta sẽ đi.
Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:
77. Làm sao lặng sóng Hằng hà,
Như hồ sen nọ, sơn ca trắng ngần,
Cây đào sinh trái cau vân,
Thì điều như thế họa chăng có là!
Nhưng nàng lại nói:
– Mau lên, thiếp sắp đi rồi.
Ngài đáp:
– Ta sẽ đi.
– Khi nào?
– Vào thời như vầy, như vầy.
Ngài đáp và ngâm các vần kệ còn lại:
78. Bao giờ có đủ lông rùa,
Kết thành ba tấm áo đưa ta dùng,
Vào thời đông giá lạnh lùng,
Thì điều như thế họa chăng có là!
79. Bao giờ răng muỗi nhô ra,
Nàng xây cái tháp thật là khéo thay,
Tháp kia không thể chuyển lay,
Ðiều này chắc có cơ may, họa là!
80. Bao giờ sừng thỏ mọc ra,
Nàng làm thang đứng thật là khéo thay,
Bậc thang trèo đến tận mây,
Thì điều này có cơ may, hỡi nàng!
81. Bao giờ chuột nhắt leo thang,
Cùng nhau ăn hết mặt trăng sáng ngời,
Ðem La-hầu xuống mặt trời,
Thì điều này hẳn có thời xảy ra!
82. Khi đàn ruồi uống từng vò,
Rượu nồng đầy đủ, tự do reo mừng,
Ẩn mình trong đám than bừng,
Thì điều như thế họa hoằn xảy ra!
83. Khi bầy lừa khéo điểm tô,
Môi hồng, mặt trắng làm trò khéo thay,
Trổ tài múa hát thật hay,
Ðiều này hẳn có cơ may, hỡi nàng!
84. Bao giờ quạ, cú từng đàn,
Cùng nhau tụ họp luận bàn riêng tư,
Tỏ tình âu yếm chuyện trò,
Ðiều này có thể xảy ra, hỡi nàng!
85. Bao giờ nhặt lá trên ngàn,
Từng cây rừng xuống kết làm dù che,
Chống mưa ồ ạt tứ bề,
Có cơ xảy đến điều kia, hỡi nàng!
86. Khi đàn chim sẻ cố mang,
Tuyết Sơn đủ vẻ huy hoàng hùng anh,
Ngậm trong chiếc mỏ xinh xinh,
Họa may có thể sự tình xảy ra!
87. Khi chàng trai nhẹ đẩy đưa,
Chiếc thuyền buồm vượt biển xa ngàn trùng,
Với lòng can đảm anh hùng,
Ðiều này chắc hẳn mới mong, hỡi nàng!
Như thế, bậc Ðại sĩ ngâm mười một vần kệ nêu rõ những sự kiện không thể xảy ra. Nàng kỹ nữ nghe xong, xin được ngài tha thứ và trở về Ba-la-nại. Nàng trình bày mọi việc với vua và xin tha mạng, vua liền ân xá cho nàng.
***
Sau pháp thoại, bậc Ðạo sư bảo:
– Này các Tỷ-kheo, nữ nhân thật là vô ơn, phản bội như thế.
Rồi Ngài tuyên thuyết các sự thật. Khi kết thúc các sự thật, vị Tỷ-kheo thối thất đã được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, vua là Ānanda và vị khổ hạnh chính là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.