Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§422. CHUYỆN QUỐC VƯƠNG CETI (Cetiyajātaka) (J. III. 454)
Công lý tổn thương gây hiểm họa...
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) bị quả đất nuốt sống.
Một ngày kia, Tăng chúng bàn luận trong pháp đường về cách Devadatta nói dối như thế nào rồi bị chìm sâu vào lòng đất và đọa vào ngục Avīci (Vô Gián). Bậc Ðạo sư bước vào và khi nghe đề tài thảo luận ấy, Ngài bảo:
– Ðây không phải lần đầu kẻ ấy chìm sâu vào lòng đất.
Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.
***
Ngày xưa, khi trong thời tối sơ khai, có vị vua mệnh danh là Mahāsammata với thọ mạng kéo dài một a-tăng-kỳ (asaṅkheyya) kiếp. Vị vương tử tên là Roja, vị này lại sinh con trai là Vararoja và kế tiếp đó là Kalyāṇa, Varakalyāṇa, Uposatha, Mandhātā, Varamandhātā, Cara, Upacara (còn được gọi là Apacara).
Vua này trị vì quốc độ Ceti, ở kinh đô Sotthivatī, có đầy đủ tứ thần thông: Vua có thể đi trên trời hoặc bay qua không gian, có bốn thiên thần ở bốn phương bảo vệ vua với kiếm tuốt trần, thân hình vua tỏa mùi hương chiên-đàn và miệng vua tỏa mùi hương sen.
Thời ấy, vị tế sư hoàng gia tên là Kapila. Em trai của vị Bà-la-môn này là Korakalamba, được học chung thầy với vua và là bạn cùng chơi với vua. Thời Apacara còn là vương tử, đã hứa sẽ phong Korakalamba làm tế sư hoàng gia khi nào mình lên ngôi.
Khi vua cha băng hà, vương tử lên ngôi song không thể đưa Kapila ra khỏi chức vụ tế sư hoàng gia được và khi tế sư Kapila đến chầu vua, vua vẫn bày tỏ nhiều đặc ân đối với vị ấy. Vị Bà-la-môn ấy quan sát điều này và nhận xét rằng một vị vua thường trị nước hoàn hảo nhất cùng với các quần thần đồng tuổi tác, còn ông có thể xin cáo quan về làm ẩn sĩ, nên đã trình:
– Tâu Ðại vương, nay lão thần đã già cả, lão thần có một con trai ở nhà, xin Ðại vương phong cho nó làm tế sư hoàng gia và lão thần sẽ trở thành ẩn sĩ.
Ông được vua chấp thuận phong con trai mình làm tế sư hoàng gia. Sau đó, ông đến ngự viên sống đời ẩn sĩ, đạt được các thắng trí và ở gần con trai. Còn Korakalamba cảm thấy căm hận anh mình, vì ông đã không trao cho mình chức vị tế sư khi trở thành ẩn sĩ. Một hôm, vua nói chuyện thân mật với Korakalamba:
– Này Korakalamba, hiền hữu không làm tế sư hoàng gia ư?
– Tâu Ðại vương, không, huynh trưởng của thần xếp đặt việc ấy.
– Thế lệnh huynh chẳng trở thành ẩn sĩ rồi sao?
– Tâu vâng, song gia huynh đã để chức vụ ấy cho con mình.
– Thế thì hiền hữu hãy lo sắp xếp việc ấy.
– Tâu Ðại vương, thần không thể đặt gia huynh qua một bên rồi nhận lấy chức vụ do cha truyền con nối ấy.
– Nếu vậy, ta sẽ làm hiền hữu thành vị trưởng tế sư và vị kia làm phụ tá cho hiền hữu.
– Tâu Ðại vương, bằng cách nào?
– Bằng cách nói dối.
– Tâu Ðại vương, thế Ðại vương không biết gia huynh là pháp thuật sư cao cường có đại thần lực ư? Gia huynh sẽ dùng huyễn thuật đánh lừa Ðại vương, làm cho bốn vị thiên thần biến mất, rồi làm cho một mùi hôi thối xông ra từ thân thể và miệng Ðại vương, lại làm cho Ðại vương rơi từ trên trời xuống đất và Ðại vương sẽ bị quả đất nuốt sống; vì thế Ðại vương không thể hành động theo lời nói dối kia được đâu.
– Ðừng lo gì, ta sẽ sắp xếp việc này.
– Tâu Ðại vương, khi nào Ðại vương thực hiện điều này?
– Vào ngày thứ bảy kể từ đây.
Chuyện này lan truyền khắp kinh thành:
– Hoàng thượng sắp nói dối để làm vị trưởng thành phó và sẽ giao chức vụ cho vị phó. Lời nói dối là vật gì nhỉ, nó màu xanh, vàng hay màu khác nữa?
Quần chúng suy nghĩ rất nhiều về việc này. Tương truyền đó là thời mọi người thế gian đều nói thật, người ta không biết từ “nói dối” nghĩa là gì cả.
Con trai vị tế sư nghe chuyện này liền nói với cha:
– Thưa cha, dân chúng bảo đức vua sắp nói dối để làm cha thành con thứ, rồi giao chức vụ của cha cho chú con.
– Này con, đức vua sẽ không thể nói dối để tước đoạt địa vị này của ta đâu. Ðức vua sắp thực hiện điều này vào ngày nào?
– Họ bảo vào ngày thứ bảy kể từ đây.
– Hãy báo cho cha biết khi đến thời điểm ấy!
Vào ngày thứ bảy, một đám đông tụ tập trong sân chầu, ngồi theo hàng hàng lớp lớp, hy vọng thấy lời nói dối. Vị tế sư trẻ đi báo tin cho cha. Vua chuẩn bị lễ phục đầy đủ xong, xuất hiện trên không ở sân chầu giữa đám đông.
Vị ẩn sĩ bay qua không gian, trải tọa cụ bằng da trước mặt vua, ngồi trên đó giữa không gian và hỏi:
– Tâu Ðại vương, có thật là Ðại vương muốn nói dối làm người em thứ thành anh trưởng và giao chức vụ cho người ấy?
– Thưa Tôn sư, trẫm đã làm như vậy.
Sau đó, vị ẩn sĩ khuyến giáo vua:
– Tâu Ðại vương, lời nói dối là một cách phá hoại tàn khốc các đức tính tốt đẹp, nó tạo sự tái sanh vào bốn ác đạo; một vị vua nói dối sẽ tiêu diệt công lý và vì phá hủy công lý, chính vua ấy cũng bị tiêu diệt.
Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:
45. Công lý tổn thương gây hiểm họa,
Sẽ đền bù với giá tai ương,
Vậy đừng làm tổn thương công lý,
Sợ hiểm nguy ào đến Ðại vương.
Ngài lại khuyến giáo vua nhiều hơn nữa:
– Tâu Ðại vương, nếu Ðại vương nói dối, bốn pháp thần thông sẽ biến mất.
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ hai:
46. Thần lực xa lìa kẻ vọng ngôn,
Miệng mồm hôi thối đáng kinh hồn,
Bước chân không vững trong trời đất,
Bất cứ kẻ nào đáp dối gian.
Nghe vậy, vua lo sợ nhìn Korakalamba. Vị ấy bảo:
– Tâu Ðại vương đừng sợ, thần đã chẳng tâu Ðại vương như vậy từ đầu sao?
Và tiếp theo những lời lẽ tương tự như vậy. Mặc dù đã nghe Kapila nói như vậy, vua vẫn tuyên bố câu xác định:
– Thưa Tôn sư, ngài là em thứ còn Korakalamba là anh trưởng.
Ngay lúc vua vừa thốt ra lời nói dối này, bốn thiên thần bảo rằng các vị không muốn hộ trì một người dối trá như vậy nữa, liền ném kiếm dưới chân vua và biến mất. Miệng vua bốc mùi thối như trứng hư vỡ tung tóe và thân thể vua như ống cống mở nắp. Rồi từ trên không rớt xuống, vua đứng trên đất, như thế cả bốn thần lực đều biến mất. Vị tế sư bảo:
– Tâu Ðại vương, đừng sợ, nếu Ðại vương nói thật, thần sẽ phục hồi mọi sự cho Ðại vương!
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ ba:
47. Lời thật cùng bao pháp thuật thần,
Ðại vương hồi phục được toàn phần,
Còn lời nói dối giam ngài mãi,
Tại đất Ceti đến tận cùng.
Ngài lại nói:
– Tâu Ðại vương, hãy xem, bốn thần lực của Ðại vương biến mất vì nói dối lần đầu, xin Ðại vương suy xét lại, vì bây giờ vẫn còn có thể phục hồi chúng!
Nhưng vua đáp:
– Ðại sư muốn đánh lừa trẫm về việc này.
Vừa nói dối lần thứ hai như vậy, vua liền bị lún ngay xuống đất đến mắt cá chân. Vị Bà-la-môn một lần nữa lại nói:
– Xin Ðại vương hãy suy nghĩ kỹ!
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ tư:
48. Hạn hán vào thời phải đổ mưa,
Và mưa trút xuống lúc mùa khô,
Khi người nào cố tình gian dối,
Ðối đáp vọng ngôn để hại ta.
Rồi ngài lại nói thêm một lần nữa:
– Do Ðại vương nói dối, Ðại vương bị lún vào mặt đất đến tận mắt cá chân, vậy xin Đại vương suy xét kỹ!
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ năm:
49. Lời thật cùng bao pháp thuật thần,
Ðại vương hồi phục được toàn phần,
Còn lời nói dối chôn ngài xuống,
Tại đất Ceti mãi tới cùng.
Nhưng lần thứ ba vua nói:
– Tôn giả là em thứ và Korakalamba là anh trưởng.
Vừa nói lời dối trá này, vua lại bị lún dần vào mặt đất đến tận đầu gối. Một lần nữa, vị Bà-la-môn nói:
– Xin Ðại vương suy xét lại!
Rồi ngài ngâm hai vần kệ:
50. Người lưỡng thiệt này, hỡi Ðại vương,
Cũng như con rắn lắm mưu gian,
Người nào vẫn cố tình lừa dối,
Ðối đáp những lời chẳng thật chân.
51. Lời thật cùng bao pháp thuật thần,
Ðại vương hồi phục được toàn phần,
Còn lời nói dối chôn ngài xuống,
Tại đất Ceti mãi chẳng ngừng.
Rồi ngài còn nói thêm:
– Ngay bây giờ mọi sự vẫn có thể được phục hồi.
Vua chẳng quan tâm đến lời ngài, vẫn lặp lại lời nói dối lần thứ tư:
– Thưa Tôn giả, ngài là em thứ và Korakalamba là anh trưởng.
Vừa thốt lời này, vua bị chìm ngập đến tận hông. Vị Bà-la-môn lại bảo:
– Xin Ðại vương hãy suy nghĩ kỹ!
Rồi ngài ngâm hai vần kệ:
52. Kẻ ấy như con cá, Ðại vương,
Sẽ không có lưỡi ở trong mồm,
Người nào vẫn cố tình gian dối,
Ðối đáp những lời lẽ vọng ngôn.
53. Lời thật cùng bao pháp thuật thần,
Ðại vương hồi phục được toàn phần,
Còn lời nói dối chôn ngài xuống,
Tại đất Ceti mãi chẳng ngừng.
Lần thứ năm vua lặp lại lời nói dối và ngay đó bị chìm sâu xuống tận rốn. Vị Bà-la-môn một lần nữa kêu gọi vua xét kỹ và ngâm hai vần kệ:
54. Kẻ ấy chỉ sinh được gái thôi,
Sẽ không sinh được một con trai,
Kẻ nào vẫn cố tình gian dối,
Ðối đáp vọng ngôn ở giữa đời.
55. Lời thật cùng bao pháp thuật thần,
Ðại vương hồi phục được toàn phần,
Còn lời nói dối chôn ngài xuống,
Tại đất Ceti mãi chẳng ngừng.
Vua cũng không quan tâm, cứ lặp lại lời nói dối lần thứ sáu và chìm xuống tận ngực. Vị Bà-la-môn kêu gọi khẩn thiết một lần nữa và ngâm hai vần kệ:
56. Bầy con không ở với người kia,
Ở khắp mọi nơi, chúng chạy xa,
Người vẫn cố tình ưa nói dối,
Ðáp lời hỏi với dạ gian tà.
57. Lời thật cùng bao pháp thuật thần,
Ðại vương hồi phục được toàn phần,
Còn lời nói dối chôn ngài xuống,
Tại đất Ceti mãi chẳng ngừng.
Do thân cận ác bằng hữu, vua xem thường các lời trên và nói dối lần thứ bảy. Sau đó, mặt đất há miệng ra và lửa địa ngục Avīci bùng lên kéo vua xuống.
58. Chuyện kể bị truyền bởi trí nhân,
Vị vua từng bước giữa không trung,
Chìm thân, bị nuốt vào lòng đất,
Ngay đúng ngày quy định số phần.
59. Vậy trí nhân không thể tán đồng,
Dục tham xuất hiện ở trong lòng,
Người nào ly dục, tâm thanh tịnh,
Lời nói sẽ luôn giữ vững vàng.
Ðây là hai vần kệ phát xuất từ trí tuệ tối thắng của đức Phật.
Quần chúng kinh hãi bảo nhau:
– Quốc vương Ceti phỉ báng bậc Hiền nhân và nói dối nên đã bị đọa vào ngục Avīci.
Năm vị vương tử của vua đến gặp vị Bà-la-môn và nói:
– Xin Tôn sư giúp chúng đệ tử!
Vị Bà-la-môn đáp:
– Phụ vương của các vị đã hủy diệt chân lý, nói dối và phỉ báng hiền nhân. Do vậy, ngài đã vào hỏa ngục Avīci. Nếu công lý bị hủy diệt, nó sẽ hủy diệt lại ta. Các vị không được cư trú tại đây nữa.
Ngài lại bảo vị thái tử:
– Này Ðiện hạ thân yêu, hãy rời kinh thành bằng cổng Đông và tiếp tục đi thẳng chàng sẽ thấy một vương tượng toàn trắng nằm phủ phục, thân chạm vào mặt đất ở bảy chỗ: Hai ngà, vòi và bốn chân. Ðó là dấu hiệu để chàng dựng kinh đô và cư trú tại nơi ấy. Tên kinh đô ấy sẽ là Hatthipura (Tượng thành).
Ngài bảo vương tử thứ hai:
– Ðiện hạ rời đây bằng cổng Nam và đi thẳng đến khi thấy một vương mã thuần bạch. Đó là dấu hiệu để chàng dựng kinh đô và cư trú tại nơi ấy. Kinh đô ấy sẽ được gọi là Assapura (Mã thành).
Ngài bảo vương tử thứ ba:
– Ðiện hạ rời đây bằng cổng Tây và đi thẳng tới khi thấy một sư tử có bờm. Đó là dấu hiệu để chàng dựng kinh đô và cư trú tại nơi ấy. Kinh đô ấy sẽ được gọi là Sīhapura (Sư Tử thành).
Ngài bảo vị vương tử thứ tư:
– Ðiện hạ rời đây bằng cổng Bắc và đi thẳng cho đến khi thấy một bánh xe làm toàn bằng ngọc. Đó là dấu hiệu để chàng dựng kinh đô và cư trú tại nơi ấy. Kinh đô ấy sẽ được gọi là Uttarapañcāla (Thượng Luân thành).
Ngài bảo vị vương tử thứ năm:
– Ðiện hạ không thể ở đây. Vậy hãy xây một đền thờ lớn trong kinh thành này, rồi đi về phía Tây Bắc và đi thẳng cho đến khi thấy hai ngọn núi đập vào nhau gây tiếng động “daddara”. Đó sẽ là dấu hiệu để chàng dựng kinh đô và cư trú nơi ấy. Thành ấy sẽ được gọi là Daddarapura (thành Daddara).
Cả năm vương tử đều ra đi, theo các dấu hiệu kia dựng kinh đô và an trú ở đó.
***
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư bảo:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải là lần đầu Devadatta nói dối và bị chìm vào lòng đất.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, Vua Ceti là Devadatta và Bà-la-môn Kapila là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.