Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§421. CHUYỆN NGƯỜI HỚT TÓC GAṄGAMĀLA (Gaṅgamālajātaka)[5] (J. III. 444)
Ðịa cầu nóng rực như than...
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc thực hành các ngày trai giới.
Một hôm, bậc Ðạo sư dạy các cư sĩ đang giữ ngày trai giới và bảo:
– Này các cư sĩ, giới hạnh của các ông thật tốt lành, khi giữ ngày trai giới, các ông phải bố thí, trì giới, không sân hận, khởi tâm từ và thực hành mọi phận sự trong ngày ấy. Các bậc trí nhân ngày xưa đạt đại vinh hiển dầu chỉ nhờ giữ được một phần các ngày trai giới.
Và theo lời thỉnh cầu của họ, Ngài kể câu chuyện đời xưa.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, có một phú thương trong kinh thành tên là Suciparivāra, gia sản lên tới tám trăm triệu đồng, chuyên tâm bố thí và làm các thiện sự khác. Vợ con và toàn thể gia nhân của ông cho đến người chăn trâu bò đều giữ sáu ngày trai giới mỗi tháng.
Thời ấy, Bồ-tát được sinh vào một nhà nghèo, kiếm kế sinh nhai chật vật bằng cách làm thuê. Vì mong có việc làm, ngài đến nhà phú thương Suciparivāra, khi chào chủ xong, ngồi xuống một bên và khi được hỏi đến đây có việc gì, ngài đáp:
– Tôi đến để xin việc làm công trong nhà ông.
Thời ấy, khi những người làm công đến, vị phú thương thường bảo họ:
– Trong nhà này mọi công nhân đều giữ ngày trai giới, nếu chú có thể giữ giới thì chú mới có thể làm việc cho ta!
Song đối với Bồ-tát, vị ấy không tỏ vẻ muốn nói đến chuyện giữ giới mà chỉ bảo:
– Tốt lắm, này thiện nam, chú có thể làm việc cho ta và trù liệu tiền lương của chú!
Từ đó, Bồ-tát làm mọi công việc của phú thương một cách nhẫn nại nhiệt tình, không hề nghĩ đến nỗi mệt nhọc riêng mình, ngài đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới trở về.
Một hôm, dân chúng làm lễ hội ở kinh thành, vị phú thương bảo người tỳ nữ:
– Hôm nay là ngày hội, cô phải nấu cơm cho công nhân thật sớm. Họ sẽ ăn sớm và giữ giới kiêng ăn từ đó đến hết ngày.
Bồ-tát dậy sớm và đi làm việc. Trước đó, không ai bảo ngài phải giữ giới kiêng ăn hôm ấy. Các công nhân kia ăn từ sớm và kiêng ăn. Vị phú thương cùng vợ con, gia nhân đều giữ giới kiêng ăn, mọi người đều trở về nhà riêng ngồi suy tư về các giới điều. Bồ-tát làm việc suốt ngày xong trở về nhà lúc trời tối. Người nữ tỳ đầu bếp đưa cho ngài nước rửa tay và một đĩa cơm lấy từ trong nồi. Bồ-tát bảo:
– Vào giờ này, ngày thường rất ồn ào, thế mọi người đi đâu cả hôm nay?
– Họ đang giữ giới kiêng ăn và mỗi người đều về nhà riêng rồi.
Ngài suy nghĩ: “Ta không muốn làm người duy nhất phạm giới giữa nhiều người giữ giới như vậy.” Vì thế, ngài đi hỏi vị phú thương xem có thể giữ giới kiêng ăn bằng cách thi hành mọi phận sự vào giờ đó không. Ông bảo ngài không thể thực hành mọi phận sự, bởi vì việc đó đã không được làm từ sáng sớm nhưng một nửa phận sự thì có thể làm được. Ngài đáp:
– Mong được như vậy.
Và thực hành phận sự ngay trước mặt chủ nhân, ngài bắt đầu giữ giới kiêng ăn, rồi về nhà nằm suy nghĩ về các giới điều. Vì ngài không ăn gì suốt ngày nên vào canh cuối ngài cảm thấy đau nhói như dao đâm. Vị phú thương mang cho ngài một số thuốc giảm đói và bảo ngài dùng chúng nhưng ngài bảo:
– Tôi sẽ quyết không phá giới kiêng ăn. Tôi đã nguyện trì giới dù phải thiệt mạng!
Cơn đau đớn trở nên mãnh liệt và đến tảng sáng ngài bất tỉnh. Họ bảo ngài sắp chết nên đem ngài ra ngoài, đặt vào một nơi an nghỉ. Ngay lúc lấy, vua xứ Ba-la-nại trên chiếc vương xa cùng đoàn hộ tống đông đảo đến nơi ấy trong lúc diễu quanh kinh thành. Bồ-tát thấy vẻ huy hoàng của vua, sinh lòng ao ước làm vua và cầu nguyện điều ấy. Khi mạng chung, do kết quả việc giữ nửa ngày trai giới trên, ngài được nhập vào mẫu thai vị chánh hậu.
Bà trải qua đủ mọi nghi lễ của thời kỳ thụ thai rồi sinh một hoàng nam sau mười tháng. Hài nhi được đặt tên là Udaya. Khi lớn lên, vương tử trở nên hoàn hảo trong mọi ngành học thuật; nhờ trí hồi tưởng các đời trước, ngài nhớ lại các công hạnh thuở xưa và nghĩ rằng chính nhờ một thiện nghiệp nhỏ tạo nên một phước báu lớn, ngài thường hát khúc ca hoan lạc nhiều lần. Khi vua cha băng hà, ngài được trao cả vương quốc và nhận thấy cảnh đại vinh quang của mình, ngài lại hát khúc ca hoan lạc cũ.
Một hôm, dân chúng chuẩn bị lễ hội trong kinh thành. Một đám đông tụ tập nhau, định bày trò vui chơi giải trí. Một người gánh nước sống gần cổng Bắc thành Ba-la-nại đã giấu nửa đồng xu trong viên gạch ở bức tường bao quanh thành, rồi đến cổng Nam kiếm sống. Tại đây, y sống chung với một người đàn bà nghèo khổ cũng làm nghề gánh nước. Vợ y bảo:
– Chàng ơi, hôm nay có lễ hội trong thành phố, nếu chàng có tiền, ta hãy đi vui chơi nhé!
– Nàng ơi, ta có tiền đấy.
– Bao nhiêu?
– Nửa xu.
– Ở đâu?
– Trong viên gạch bên cổng Bắc cách đây mười hai do-tuần, ta chôn tiền tại đó. Song nàng có gì trong tay chăng?
– Thiếp có đấy.
– Bao nhiêu?
– Nửa xu.
– Vậy nửa xu của nàng và của ta hợp thành một xu. Ta sẽ đi mua một tràng hoa với một phần ba số tiền ấy, hương liệu với một phần ba và rượu nồng với một phần ba. Nàng hãy đi tìm nửa xu ở nơi cất tiền đem đến đây.
Y thích thú với ý tưởng do lời vợ gợi lên, liền bảo:
– Nàng ơi, đừng lo gì, ta sẽ đi tìm nửa xu về đây.
Rồi y ra đi. Y mạnh như voi, vừa đi khoảng hơn sáu do-tuần và mặc dù trời giữa trưa, y vẫn rảo bước trên cát nóng như thể được rải than vừa tắt lửa vì y rất thích thú với nỗi ham muốn được bạc. Trong bộ y phục cũ màu vàng điểm thêm lá thốt nốt giắt bên tai, y vừa đi ngang sân chầu để theo đuổi mục đích của mình vừa ca hát. Vua Udaya đứng bên cửa sổ mở, thấy y đi đến, không biết y là ai mà lại coi thường nắng gió như vậy và còn vừa đi vừa hát, liền bảo nô tỳ đi gọi y vào. Y được lệnh:
– Hoàng thượng truyền gọi ngươi vào!
Nhưng y đáp:
– Hoàng thượng có nghĩa gì với ta chứ? Ta không biết hoàng thượng!
Y liền bị lôi vào và đứng chầu một bên. Sau đó, vua ngâm hai vần kệ hỏi y:
36. Ðịa cầu nóng rực như than,
Ðất đai như đống tro than nóng bừng.
Song ngươi ca hát vang lừng,
Khí trời gay gắt chẳng nung ngươi nào.
37. Mặt trời kia ở trên cao,
Dưới này cát nóng khác nào lò than.
Song ngươi ca hát lừng vang,
Khí trời nắng gắt chẳng làm cháy ngươi.
Nghe lời vua, y liền ngâm vần kệ thứ ba:
38. Chính vì tham dục đốt tôi,
Chứ không phải ánh mặt trời nấu nung.
Chính vì phận sự trong lòng,
Thúc tôi vội vã làm xong mọi phần.
Vua hỏi y có việc gì. Y đáp:
– Tâu Ðại vương, hạ thần sống gần cổng Nam với một người vợ nghèo. Vợ thần tỏ ý muốn chúng thần cùng vui chơi lễ hội nên hỏi thử thần có gì trong tay không. Thần bảo thần có tiền của chôn giấu trong bức tường cạnh cổng Bắc. Vợ thần bảo thần đi lấy tiền về để vui chơi. Những lời nói của vợ thần không rời tâm hồn thần và trong khi thần suy nghĩ mãi về chúng, tham dục cứ đốt cháy lòng thần. Công việc của thần là thế đấy.
– Vậy điều gì khiến ngươi thích thú nhiều đến độ ngươi xem thường nắng gió và vừa đi vừa hát?
– Tâu Ðại vương, thần hát vì nghĩ rằng khi tìm được của chôn giấu, thần sẽ vui chơi thích thú với vợ.
– Này thiện nam, thế tiền của ngươi chôn giấu bên cổng Bắc được một trăm ngàn đồng tiền chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
Sau đó, vua hỏi liên tiếp có phải năm mươi ngàn, bốn mươi, ba mươi, hai mươi, mười, năm, bốn, ba, hai, một đồng tiền, nửa đồng tiền, bốn xu, ba xu, hai xu, một xu. Chàng trai đều đáp “không”, trước các câu hỏi trên và nói:
– Chỉ nửa xu. Quả thực, tâu Ðại vương, đó là tất cả gia sản của thần nhưng thần đang hy vọng tìm ra nó rồi đi vui chơi với vợ và trong niềm ước vọng thích thú kia, nắng gió không làm thần khó chịu.
Vua bảo:
– Này thiện nam, thôi đừng đi đến đó dưới nắng gắt này nữa. Ta sẽ cho ngươi nửa xu.
– Tâu Ðại vương, thần sẽ nhận lời hứa của Ðại vương và lấy tiền nhưng thần sẽ không bỏ nửa xu kia đâu. Thần không bỏ việc đi đến đó đem nó về đâu.
– Này thiện nam, hãy ở lại đây. Trẫm sẽ cho ngươi một xu, hai xu...
Rồi cứ đề nghị thêm nữa, vua tiếp tục nói mười triệu, một ngàn triệu, vô số vàng bạc, nếu chàng trai chịu ở lại nhưng chàng vẫn đáp:
– Tâu Ðại vương, thần sẽ nhận tiền của nhưng thần vẫn đi kiếm nửa xu kia!
Sau đó, y được chiêu dụ bằng những lời vua hứa ban chức thủ kho và nhiều chức vụ khác nữa, kể cả chức vị phó vương. Cuối cùng, y được đề nghị chia nửa vương quốc nếu y chịu ở lại. Khi ấy, y mới chấp thuận. Vua bảo các đại thần:
– Này các khanh, hãy đưa hiền hữu của trẫm đi cạo râu, tắm rửa và trang điểm rồi đem người trở lại đây!
Họ tuân lệnh. Vua chia đôi giang sơn và tặng chàng trai một nửa. Song chuyện kể rằng y chọn phần nửa ở phía Bắc do lòng yêu thích nửa đồng xu cũ. Y được gọi là “Vua Nửa Xu”. Hai vị vua đồng cai trị đất nước trong tình thân hữu hòa hợp.
Một hôm, hai vị cùng đi đến ngự viên. Sau khi vui chơi, Vua Udaya nằm xuống kê đầu vào lòng Vua Nửa Xu. Ngài ngủ thiếp, trong lúc những người hầu cận đi quanh quẩn vui chơi. Vua Nửa Xu suy nghĩ: “Tại sao ta chỉ được nửa vương quốc mãi thôi? Ta muốn giết vua này và làm vị vua độc nhất.”
Vì thế, Vua Nửa Xu rút kiếm ra nhưng khi nghĩ đến việc đâm vua này, Vua Nửa Xu nhớ lại ngài đã đưa bạn mình từ chỗ nghèo hèn thành người đồng trị nước với ngài và ban cho bạn đại quyền lực. Nhận thức tư tưởng vừa khởi lên trong trí dự định giết một ân nhân như thế là vô cùng độc ác, Vua Nửa Xu liền tra kiếm vào bao. Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, ý tưởng lại khởi lên. Cảm thấy tư tưởng này khởi lên mãi sẽ đưa mình đến ác nghiệp, Vua Nửa Xu vứt kiếm xuống đất và đánh thức vua kia dậy, vừa nói vừa quỳ xuống chân ngài:
– Tâu Ðại vương, xin hãy tha tội cho tôi!
– Này hiền hữu, bạn có làm gì sai trái với ta đâu.
– Tâu Ðại vương, tôi đã làm một việc như vậy.
– Này hiền hữu, thế thì ta tha thứ cho bạn. Nếu như bạn muốn thì cứ làm vua một mình và ta sẽ làm phó vương phụng sự bạn.
Vua Nửa Xu đáp:
– Tâu Ðại vương, tôi không cần vương quốc, tham vọng ấy sẽ khiến tôi tái sanh vào cõi dữ. Quốc độ này của Ðại vương, xin nhận lấy nó, tôi muốn trở thành người khổ hạnh. Tôi đã thấy gốc rễ của dục tham, nó phát xuất từ ước vọng của con người. Vậy từ nay tôi không còn ước vọng như thế nữa.
Rồi ông ngâm vần kệ thứ tư trong niềm hoan lạc:
39. Nhận ra tham dục nguồn căn,
Ở trong ước vọng tiềm tàng khắp nơi.
Ta không muốn nữa vì ngươi,
Vậy ngươi, tham dục phải rời xa đi!
Nói vậy xong, ông ngâm vần kệ thứ năm thuyết pháp cho quần chúng đang đắm say tham dục:
40. Dục tham ít ỏi chẳng vừa,
Dục tham nhiều chỉ mang ta khổ buồn.
Này, luôn thiểu dục, ngu nhân,
Nếu ngươi muốn đắc trí thông, bạn hiền!
Thuyết pháp như vậy với quần chúng xong, ông giao quốc độ cho Vua Udaya. Rời bỏ quần chúng đang khóc than với nước mắt đầm đìa, ông đến vùng Tuyết Sơn, trở thành ẩn sĩ khổ hạnh và đạt thắng trí. Trong thời gian vị ấy làm nhà khổ hạnh, Vua Udaya ngâm vần kệ thứ sáu bày tỏ nỗi hoan lạc trọn vẹn:
41. Thiểu dục đem ta mọi quả thành,
Udaya đạt đại quang vinh,
Người tinh cần được nhiều an lạc,
Làm ẩn sĩ, buông bỏ dục tình.
Không ai biết ý nghĩa vần kệ này. Một hôm, chánh hậu hỏi ngài ý nghĩa trên. Vua không muốn nói. Thời ấy, có người thợ hớt tóc trong triều tên là Gaṅgamāla, mỗi khi tỉa râu cho vua thường dùng dao cạo trước, rồi sau đó nhổ râu bằng cái nhíp.[6] Vua thích việc trước nhưng việc thứ hai làm vua đau. Về việc đầu, vua muốn thưởng cho y một đặc ân; còn việc thứ hai, vua chỉ muốn chém đầu y thôi.
Một hôm, vua nói chuyện với hoàng hậu, ngài bảo rằng người thợ hớt tóc trong triều là một tên ngu xuẩn. Khi hoàng hậu hỏi y phải làm gì trước, ngài bảo:
– Hãy dùng nhíp trước, rồi dùng dao cạo sau.
Hoàng hậu truyền gọi thợ hớt tóc vào và bảo:
– Này thiện nam, khi ngươi tỉa râu cho đức vua, ngươi nên dùng cái nhíp nhổ râu ngài trước, rồi dùng dao cạo sau. Nếu đức vua ban cho ngươi một điều ước, ngươi phải tâu rằng ngươi không cần gì cả, mà ngươi chỉ muốn biết ý nghĩa khúc ca của ngài thôi. Nếu ngươi làm vậy, ta sẽ cho ngươi nhiều tiền. Y đồng ý ngay. Hôm sau, khi y tỉa râu vua, y cầm cái nhíp trước. Vua hỏi:
– Gaṅgamāla, đây là kiểu mới của ngươi ư?
Y đáp:
– Tâu Ðại vương, phải, thợ hớt tóc thường có kiểu mới.
Rồi y nhổ râu vua với cái nhíp trước và dùng dao cạo sau. Vua liền ban cho y một điều ước.
– Tâu Ðại vương, thần không muốn gì cả. Xin Ðại vương cho thần biết ý nghĩa khúc ca ấy.
Vua hổ thẹn khi phải nói đến nghề nghiệp của mình trong thuở hàn vi đời trước, liền bảo:
– Này thiện nam, điều ước kia có ích lợi gì cho ngươi đâu? Hãy chọn điều khác!
Nhưng người thợ hớt tóc cứ van xin điều ấy. Vua sợ thất hứa nên đồng ý. Như đã tả trong Chuyện phần cháo sữa chua,[7] vua truyền chuẩn bị mọi sự rất trọng thể rồi ngồi trên bảo tòa bằng ngọc, kể tất cả chuyện công đức trong đời vừa qua tại kinh thành này. Rồi ngài bảo:
– Ðiều ấy giải thích nửa vần kệ, còn nửa vần kia kể chuyện hiền hữu của ta trở thành nhà khổ hạnh trong lúc ta làm vị vua độc nhất trong niềm tự hào, điều ấy giải thích phần thứ hai của ca khúc hoan lạc ấy.
Nghe vậy, người thợ hớt tóc suy nghĩ: “Như vậy, đức vua được hưởng cả vinh quang này vì đã giữ nửa ngày trai giới. Ðức hạnh quả thật là chánh đạo. Giả sử ta cũng trở thành nhà khổ hạnh và tìm đường giải thoát cho ta được chăng?”
Người thợ hớt tóc liền từ giã thân thuộc và tài vật thế gian, rồi xin phép vua trở thành nhà tu hành, đi về vùng Tuyết Sơn làm vị khổ hạnh. Khi nhận thức được ba đặc tính của các pháp hữu hình (vô thường, khổ, vô ngã), vị ấy đạt thắng trí và trở thành vị Ðộc Giác Phật. Vị ấy có đủ các y bát nhờ thần lực.
Sau độ năm sáu năm ở trên Gandhamādana (Hương sơn), vị ấy muốn về thăm vua xứ Ba-la-nại, liền bay qua không trung đến ngự viên, rồi ngồi trên vương tòa. Người giữ vườn trình nhà vua rằng, Gaṅgamāla nay là vị Ðộc Giác Phật đã phi hành trên không và đang ngồi trong ngự viên. Vua lập tức đến kính chào vị Ðộc Giác Phật và hoàng thái hậu cũng ra đi với con. Vua vào ngự viên, kính chào vị ấy và ngồi xuống một bên cùng đoàn tùy tùng. Vị Ðộc Giác Phật thân mật đàm đạo với vua và gọi ngài bằng tộc tánh:
– Này Brahmadatta, hiền hữu có chuyên tâm tinh cần, cai trị nước nhà đúng pháp, thực hành bố thí cùng các thiện sự khác chăng?
Thái hậu liền nổi giận:
– Ðứa con người thợ hớt tóc hạ tiện này không biết phận mình. Nó dám gọi hoàng nhi quý tộc của ta là “Brahmadatta.”
Rồi bà ngâm vần kệ thứ bảy:
42. Khổ hạnh xả ly hết lỗi lầm,
Thợ ghè, hớt tóc, mọi phàm nhân,
Gaṅgamāla nhờ đó thành vinh hiển,
Liền gọi “Brahmadatta”, đấng quốc vương!
Vua vội ngăn cản thái hậu và tuyên bố mọi đặc tính của vị Ðộc Giác Phật, ngài ngâm vần kệ thứ tám:
43. Nhìn xem, vào lúc phải vong thân,
Khổ hạnh cho ta hưởng phước phần,
Người lễ bái ta trong kiếp trước,
Giờ đây vua chúa phải chào mừng.
Mặc dù vua đã ngăn cản thái hậu nhưng tất cả quần thần đều đứng lên bảo:
– Một người hạ tiện thế này dám xưng hô với Hoàng thượng bằng tên tộc như vậy là không đúng phép tắc.
Vua lại quở trách quần thần và ngâm vần kệ cuối tuyên bố các đức tính của vị Ðộc Giác Phật:
44. Chớ trách Gaṅgamāla nói thế này,
Bước đường đạo hạnh thiện toàn thay!
Ngài đà vượt đại dương phiền não,
Giải thoát khổ sầu chính tại đây.
Nói vậy xong, vua vái chào vị Ðộc Giác Phật và xin Ngài tha lỗi cho thái hậu. Vị Ðộc Giác Phật đồng ý và chúng quần thần của vua cũng được tha thứ luôn. Vua ước mong Ngài hứa về sau sẽ ở lại trong vùng lân cận nhưng Ngài từ chối; rồi đứng trên không trước mắt chúng triều thần, Ngài khuyến giáo vua xong trở về Hương sơn.
***
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư bảo:
– Này các cư sĩ, các vị ấy giữ trai giới là việc cần phải làm.
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, vị Ðộc Giác Phật đắc Niết-bàn Vô dư y, Vua Nửa Xu là Ānanda, thái hậu là mẫu thân Rāhula và Vua Udaya chính là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.