Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§420. CHUYỆN NGƯỜI GIỮ NGỰ VIÊN SUMAṄGALA (Sumaṅgalajātaka)[4] (J. III. 439)

Ý thức giận hờn, nét mặt cau...

Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc khuyến giáo một vị vua. Trong dịp này, theo lời yêu cầu của vua, bậc Ðạo sư kể câu chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm hoàng tử của chánh hậu. Khi lớn lên, vua cha băng hà, ngài lên làm vua và thực hành đại bố thí. Ngài có một người giữ ngự viên tên là Sumaṅgala.

Thuở ấy, một vị Ðộc Giác Phật rời động Nandamūla để du hành khất thực và khi đến Ba-la-nại, Ngài ở lại trong ngự viên. Hôm sau, Ngài vào thành khất thực. Vua đón Ngài với vẻ ân cần đặc biệt, mời Ngài vào cung ngồi trên bảo tòa, thiết đãi đủ món ăn thượng vị loại cứng, loại mềm và nhận lời tùy hỷ công đức của Ngài xong, liền khẩn cầu Ngài hứa một lời rồi truyền đưa ngài trở lại ngự viên.

Sau bữa điểm tâm, vua thân hành đến sắp đặt nơi cư trú để Ngài ở suốt ngày đêm và cho người giữ ngự viên Sumaṅgala đến hầu cận Ngài xong mới trở về thành. Sau đó, vị Ðộc Giác Phật thường ăn uống tại cung vua và ở lại ngự viên một thời gian dài, còn Sumaṅgala vẫn cung kính hầu hạ Ngài.

Một hôm, Ngài ra đi, bảo Sumaṅgala:

– Ta sắp đi đến làng kia vài ngày, song Ta sẽ trở lại đây. Hãy trình với đức vua!

Sumaṅgala liền trình lên vua việc này. Sau vài ngày ở tại làng kia, vị Ðộc Giác Phật trở lại ngự viên vào buổi chiều tối. Sumaṅgala không biết Ngài trở lại nên cũng đã đi về nhà. Vị Ðộc Giác Phật cất y bát, và sau khi dạo chơi giây lát, Ngài ngồi xuống một phiến đá.

Hôm ấy, có vài người khách lạ đến nhà người giữ ngự viên. Muốn nấu món súp và cà-ri đãi khách, y cầm cung đi giết một con nai nuôi trong ngự viên. Y đang tìm nai thì chợt thấy vị Ðộc Giác Phật, tưởng đó là một con nai lớn, y nhắm một mũi tên và bắn Ngài. Vị Ðộc Giác Phật mở khăn trùm đầu ra và gọi:

– Sumaṅgala!

Vô cùng xúc động, Sumaṅgala đáp:

– Thưa Tôn giả, con không biết Tôn giả đã về nên bắn Tôn giả vì tưởng là nai. Xin Tôn giả tha thứ cho con!

– Ðược lắm, nhưng ông sẽ làm gì bây giờ? Này, hãy rút mũi tên ra mau!

Y đảnh lễ rồi rút mũi tên ra. Vị Ðộc Giác Phật cảm thấy vô cùng đau đớn và đắc Niết-bàn Vô dư y ngay tại đó. Người giữ vườn nghĩ rằng vua sẽ không tha thứ nếu biết chuyện này, y liền đem vợ con trốn đi.

Nhờ thần lực, cả kinh thành đều biết tin vị Ðộc Giác Phật đã đắc Niết-bàn và mọi người vô cùng xúc động. Hôm sau, một số người vào ngự viên, thấy di hài của Ngài, liền tâu trình vua rằng người giữ ngự viên đã chạy trốn sau khi giết vị Ðộc Giác Phật.

Vua cùng đông đảo tùy tùng đến lễ bái di hài ấy suốt bảy ngày, rồi hỏa táng trọng thể xong, lấy Xá-lợi và xây tháp thờ. Sau đó, vua vẫn thường cúng dường tháp Xá-lợi và cai trị đúng pháp.

Năm sau, Sumaṅgala quyết đi tìm hiểu xem vua nghĩ về việc này ra sao, y đến yết kiến và hỏi một vị triều thần để xem vua nghĩ gì về y. Vị triều thần ca ngợi Sumaṅgala trước mặt vua nhưng vua làm như thể không nghe gì cả. Ông không nói thêm nữa nhưng sau đó báo cho Sumaṅgala biết vua không hài lòng về y.

Một năm sau nữa, y lại đến và năm thứ ba, y đem vợ con đến. Vị triều thần biết vua đã nguôi giận nên bảo Sumaṅgala ở cung môn và tâu vua rằng Sumaṅgala đã đến chầu. Vua truyền y vào, sau nghi thức chào mừng, vua hỏi:

– Này Sumaṅgala, tại sao ngươi giết vị Ðộc Giác Phật là người mà ta đang cúng dường để tạo công đức?

– Tâu Ðại vương, tiểu thần không cố ý giết Ngài nhưng chỉ vì duyên cớ này mà tiểu thần phạm tội.

Rồi y kể lại chuyện cũ. Vua bảo y đừng sợ và vừa trấn an y vừa cho y giữ chức ngự viên như cũ.

Sau đó, triều thần hỏi:

– Tâu Ðại vương, tại sao Ðại vương không trả lời khi nghe những lời ca ngợi Sumaṅgala hai lần trước và lần thứ ba nghe chuyện, Ðại vương lại truyền y vào chầu và tha thứ cho y?

Vua phán:

– Này hiền khanh, một vị vua hành động vội vã lúc nóng giận là điều sai lầm. Vì vậy, trẫm im lặng hai lần trước và lần thứ ba khi trẫm hiểu mình đã nguôi giận, mới truyền gọi Sumaṅgala.

Về việc này, ngài ngâm các vần kệ nêu rõ phận sự quân vương:

27. Ý thức giận hờn, nét mặt cau,

Quân vương đừng giáng trận đòn đau,

Những điều bất xứng ngôi Thiên tử,

Sẽ tiếp theo sau cái gật đầu.

28. Ý thức tính tình bớt khắt khe,

Quân vương ban pháp lệnh ra uy,

Khi nào vụ án đà thông hiểu,

Hãy định các hình phạt thích nghi.

29. Không giận mình và chẳng giận ai,

Biết phân biệt rõ đúng và sai,

Dù vua ngự trị trên quần chúng,

Ðức hạnh khiến vua vĩ đại hoài.

30. Vua chúa buông lung các việc công,

Thực hành roi trượng chẳng bao dung,

Ô danh dưới thế phần vua hưởng,

Ðịa ngục đợi chờ lúc mạng chung.

31. Người nào yêu đạo đức hiền nhân,

Trong sạch vẹn toàn khẩu, ý, thân,

Ðầy đủ từ tâm, an tịnh, quý,

Vượt qua hai thế giới phàm trần.

32. Trẫm là vua chúa của thần dân,

Sân hận không ngăn cản ý tâm,

Khi trẫm cầm gươm đi trị tội,

Từ tâm thúc đẩy phạt công bằng.

Như vậy, vua đã nêu rõ mọi đức tính của mình qua sáu vần kệ, tất cả triều thần đều hoan hỷ và tán thán các công hạnh của vua qua lời tung hô:

– Các pháp thực hành đức hạnh ưu thắng như vậy thật xứng với Ðại vương!

Sau khi cả triều đình tán thán xong, Sumaṅgala cung kính đảnh lễ vua và sau đó ngâm ba vần kệ ca ngợi ngài:

33. Uy lực vinh quang của Ðại vương,

Ðừng bao giờ bỏ đạo luân thường,

Thoát ly sân hận và kinh hãi,

Trị nước trăm năm mãi lạc an.

34. Vương tử có đầy đức tính trên,

Nhân từ song đạo hạnh trung kiên,

Trị toàn dân với lòng công chánh,

Khi bỏ cõi đời, đến cõi thiên.

35. Lời nói thật chân với thiện hành,

Dùng phương tiện tốt đạt công thành,

Trấn an quần chúng còn dao động,

Như đám mây mưa thật mát lành.

***

Sau bài pháp thoại liên hệ việc giáo hóa vua xứ Kosala, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:

– Thời ấy, vị Ðộc Giác Phật đắc Niết-bàn Vô dư y, Sumaṅgala là Ānanda và vua chính là Ta.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.