Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§414. CHUYỆN NGƯỜI TỈNH THỨC (Jāgarajātaka) (J. III. 403)

Ai thức tỉnh khi nhiều người đang ngủ...

Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một cư sĩ. Ðó là một đệ tử đã đắc Nhập lưu đạo.

Một hôm, ông khởi hành từ Xá-vệ cùng với một đoàn xe đi theo đường rừng đến một nơi có cảnh đẹp và nước chảy, người trưởng đoàn buộc xe ngựa lại, sửa soạn thức ăn đủ loại cứng mềm và tạm ở lại đó. Mọi người nằm xuống ngủ rải rác khắp nơi. Còn vị cư sĩ cứ đi vòng quanh gốc cây cạnh người trưởng đoàn. Lúc ấy, năm trăm tên cướp dự định cướp đoàn xe. Cầm đủ mọi khí giới trong tay, chúng bao vây đoàn xe và chờ đợi. Khi thấy người cư sĩ đang đi dạo, chúng đứng đợi để bắt đầu đánh phá lúc ông đi ngủ. Nhưng ông cứ đi lại suốt đêm. Ðến tảng sáng, bọn cướp ném vũ khí cùng gậy đá chúng đã lượm, rồi bỏ đi và bảo:

– Này ông trưởng đoàn lữ khách, ông làm chủ tài sản này vì ông đã được cứu mạng nhờ người kia tỉnh thức thật tinh chuyên. Ông cần phải suy tôn ông ấy.

Những người lữ khách thức dậy đúng giờ, thấy khí giới, gậy đá do bọn cướp ném bỏ, liền bày tỏ lòng cung kính, biết ơn vị cư sĩ vì hiểu rằng họ sống được là nhờ ông.

Vị cư sĩ ấy đến nơi đã định, làm công việc xong, trở về Xá-vệ và đến Kỳ Viên. Tại đó, ông đến yết kiến và đảnh lễ đức Như Lai, cung kính và ngồi dưới chân Ngài; rồi do lời Ngài yêu cầu, ông kể lại mọi chuyện cũ. Bậc Ðạo sư bảo:

– Này cư sĩ, không phải chỉ riêng ông tạo được công đức đặc biệt lớn nhờ tỉnh thức và phòng hộ mà các bậc trí ngày xưa cũng đã làm như vậy.

Và theo lời thỉnh cầu của vị cư sĩ, Ngài kể một chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài học tập đủ mọi nghệ thuật ở Takkasilā và trở về nhà sống đời gia chủ.

Sau một thời gian, ngài rời bỏ gia đình và trở thành ẩn sĩ. Chẳng bao lâu ngài đắc các thiền chứng và sống tại vùng Tuyết Sơn, ngài chuyên tâm đi và đứng, chỉ kinh hành suốt đêm mà không ngủ.

Một vị thần cây ở cuối lối đi của ngài, hoan hỷ nhìn thấy ngài như vậy và ngâm vần kệ đầu:

135. Ai thức tỉnh khi nhiều người đang ngủ?

Ai ngủ khi bao người khác dậy rồi?

Ai là người hiểu câu đố của tôi?

Ai có thể giải đáp tôi điều đó?

Bồ-tát nghe lời của vị thần cây, liền ngâm vần kệ này:

136. Ta thức tỉnh khi nhiều người đang ngủ,

Ta ngủ khi bao người khác dậy rồi,

Ta là người hiểu câu đố của ngài,

Ta có thể giải đáp ngài điều đó.

Vị thần cây ngâm vần kệ hỏi lại câu này:

137. Sao ngài thức khi nhiều người đang ngủ,

Và ngủ khi bao kẻ khác dậy rồi?

Làm sao ngài hiểu câu đố của tôi,

Và giải đáp điều này ngay lập tức?

Bồ-tát giải thích vấn đề này:

138. Có nhiều kẻ vẫn quên rằng giới đức,

Nằm ở trong sự tiết dục điều thân,

Vậy bao người đang ngủ giấc mơ màng,

Còn ta thức, hỡi thần cây cổ thụ!

139. Tham, sân, si của số người nào đó,

Ðã không còn hiện hữu ở trong lòng,

Vậy các người kia đã tỉnh giấc nồng,

Ta còn ngủ, hỡi thần cây cổ thụ!

140. Vậy ta thức khi nhiều người đang ngủ,

Và ngủ khi bao kẻ khác tỉnh rồi,

Vậy là ta hiểu câu đố của ngài,

Và giải đáp lại lời ngài rồi đó.

Khi bậc Ðại sĩ đã giải đáp lời này, vị thần cây rất hoan hỷ và ngâm vần kệ tán thán:

141. Lành thay, ngài tỉnh thức khi người ngủ,

Và ngủ khi bao người khác tỉnh rồi!

Lành thay, ngài hiểu câu đố của tôi,

Lời giải đáp của ngài bao tốt đẹp!

Như vậy, sau khi tán thán Bồ-tát, vị thần cây trở vào nơi an trú của mình trên cây.

***

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:

– Thời ấy, vị thần cây là Uppalavaṇṇā (Liên Hoa Sắc) và nhà khổ hạnh chính là Ta.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.