Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§413. CHUYỆN NGƯỜI CHĂN DÊ DHŪMAKĀRI (Dhūmakārijātaka) (J. III. 400)
Một hôm, Minh đế Yudhiṭṭhila...
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về đặc ân của Ðại vương xứ Kosala đối với một người khách lạ.
Chuyện kể rằng, có thời vua không dành đặc ân cho các võ tướng cũ vẫn đến chầu vua như thường lệ, mà lại ban vinh dự và tỏ lòng hiếu khách đối với những người mới yết kiến lần đầu. Thời ấy, vua đi chinh chiến ở một tỉnh biên địa bị quấy phá. Nhưng các võ tướng cũ của vua không muốn giao chiến vì nghĩ rằng những võ tướng mới được hưởng đặc ân sẽ chiến đấu; và những người mới này cũng không muốn chiến đấu vì nghĩ rằng những vị tướng cũ sẽ làm việc ấy. Do vậy, quân phiến loạn thắng trận.
Vua biết thất bại của mình là do sai lầm mình đã mắc phải khi ban ân huệ cho bọn người mới, liền trở về thành Xá-vệ. Vua quyết định hỏi đức Thế Tôn Ðại Trí xem mình có phải là ông vua duy nhất chịu thất bại vì lý do kia chăng. Bậc Ðạo sư đáp:
– Thưa Ðại vương, Ðại vương không phải là trường hợp duy nhất, vua chúa ngày xưa cũng bị bại trận vì đã ban đặc ân cho những người mới.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
***
Ngày xưa, tại thành Indapattana, ở quốc độ Kuru, có vị vua cai trị mệnh danh là Dhanañjaya, thuộc dòng họ Yudhiṭṭhila. Bồ-tát được sinh vào gia đình vị tế sư của vua. Khi lớn lên, ngài học tập mọi nghệ thuật ở Takkasilā. Sau ngài trở về Indapattana và khi thân phụ từ trần, ngài trở thành vị tế sư hoàng gia kiêm cố vấn của vua về thế sự cũng như thánh sự. Danh hiệu của ngài là Trí nhân Vidhūra.
Vua Dhanañjaya coi thường các võ tướng cũ của mình và ban đặc ân cho các người mới. Sau đó, vua đi chinh chiến ở một tỉnh biên thùy có loạn nhưng các võ tướng cũ lẫn võ tướng mới đều không muốn giao chiến, mỗi phe đều nghĩ rằng phe kia sẽ chăm lo việc ấy. Do đó, vua bại trận.
Khi trở về Indapattana, vua nhận xét rằng sự thất bại ấy là do đặc ân mà mình đã dành cho những người mới. Một hôm, vua suy nghĩ: “Có phải ta là vị vua duy nhất từng bại trận vì ban ân huệ cho những người mới, hay cũng có nhiều kẻ khác cùng chung số phận này trước kia? Ta muốn hỏi Trí nhân Vidhūra.” Vì thế, vua đưa lời chất vấn Trí nhân Vidhūra khi ngài đến yết kiến vua tại triều đình.
Bậc Ðạo sư ngâm kệ nêu rõ lý do lời chất vấn của vua:
128. Một hôm, Minh đế Yudiṭṭhila,
Hỏi bậc Trí nhân Vidhūra,
“Hiền hữu Bà-la-môn có biết,
Tim ai sầu thống thiết hơn ta?”
Nghe vậy, Bồ-tát đáp:
– Tâu Ðại vương, nỗi sầu của ngài chỉ là điều nhỏ nhặt. Ngày xưa, một Bà-la-môn chăn dê tên gọi Dhūmakāri nuôi một đàn dê lớn và làm chuồng cho chúng ở trong rừng. Vị ấy đốt lửa xông khói và sống bằng sữa dê tại đó để chăm sóc đàn dê. Khi thấy một bầy nai da vàng óng ả chợt đến, ông lại sinh lòng thương mến chúng và xao lãng bầy dê, ông tỏ hết lòng quý trọng bầy nai. Vào mùa thu, bầy nai lại di chuyển về vùng Tuyết Sơn. Trong lúc bầy dê chết dần như thế, bầy nai cũng khuất dạng sau rặng núi. Do quá khổ não, ông mắc bệnh xanh xao vàng võ và từ trần. Ông đã bày tỏ đặc ân với đàn nai mới và phải chết vì chịu buồn khổ thống thiết hơn Ðại vương cả trăm ngàn lần.
Ngài liền ngâm vần kệ nêu rõ trường hợp này:
129. Bà-la-môn có một bầy dê,
Dòng họ Vāseṭṭha sang trọng kia,
Ðốt lửa ngày đêm luôn bốc khói,
Sống đời an lạc chốn sơn khê.
130. Ngửi mùi khói bốc, một bầy nai,
Do bị nhặng đeo quấy rối hoài,
Tìm chỗ trú khi mưa gió đến,
Gần nhà mục tử Dhūmakāri.
131. Bầy nai giờ được mọi yêu thương,
Dê chẳng được ai thiết ngó ngàng,
Ði lại tự do không bảo hộ,
Cho nên chúng phải bị suy tàn.
132. Song nay nhặng đã bỏ khu rừng,
Thu đến, mùa mưa chấm dứt luôn,
Nai phải đi tìm bao đỉnh núi,
Cùng khe suối chảy ở trên nguồn.
133. Mục tử thấy nai đã bỏ đi,
Cả bầy dê cũng chết nằm kia,
Bệnh sầu não đến làm mòn mỏi,
Da dẻ ngày thêm một tái tê.
134. Vậy người nào bỏ mặc thân bằng,
Lại gọi người xa lạ thiết thân,
Như lão Dhūmakāri mục tử,
Một mình, dòng lệ đắng cay tuôn.
Ðấy là câu chuyện do bậc Ðại sĩ kể lại để an ủi vua. Vua được an ủi, lòng rất hoan hỷ liền ban tặng ngài nhiều châu báu. Từ đó trở đi, vua bày tỏ ân sủng đối với toàn dân, làm nhiều thiện sự công đức nên được sinh lên cõi trời.
***
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, vua xứ Kuru là Ānanda, Bà-la-môn Dhūmakāri là Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala và bậc Trí nhân Vidhūra là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.