Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§412. CHUYỆN THẦN CÂY BÔNG VẢI (Koṭisimbalijātaka)[11] (J. III. 397)

Ta mang thân xác của xà vương...

Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc khiển trách lỗi lầm. Câu chuyện này sẽ được nói rõ trong Chuyện ngụm nước uống.[12]

Vào dịp này, bậc Ðạo sư nhận thấy năm trăm Tỷ-kheo sống trong tinh xá trên con đường lát vàng (Kỳ Viên) đang bị dục tưởng chi phối, liền tập hợp Tăng chúng lại và bảo:

– Này các Tỷ-kheo, cần phải hoài nghi nơi nào đáng hoài nghi, lỗi lầm vây phủ con người như rễ cây đa hay những cây tương tự mọc quanh các cây khác. Cũng vậy, ngày xưa một vị thần trú trên ngọn cây bông vải thấy một con chim thả phân có các hột đa nằm giữa các cành cây bông vải, sinh lòng lo sợ rằng nơi trú ẩn của mình sẽ bị tàn phá vì chúng.

Và do vậy, Ngài kể một chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là thần cây trú trên ngọn cây bông vải. Một chúa chim thần Cánh Vàng, Kim Sí điểu vương, biến hình dài một trăm năm mươi do-tuần, rồi rẽ nước đại dương bằng trận cuồng phong do đôi cánh đập mạnh; nó chụp lấy đuôi một vua rắn thần (nāga) dài một ngàn trượng, khiến cho xà vương phải nhả hết mọi vật đã ngậm trong miệng, xong nó liền bay lên theo các ngọn cây về phía cây bông vải.

Xà vương suy nghĩ: “Ta sẽ làm cho nó thả ta ra để ta đi.” Vì vậy, rắn thần dán sát đầu vào cây đa và quấn quanh cây thật chặt. Do sức mạnh của chúa chim thần và thân xác khổng lồ của xà vương, cây đa bị bật gốc. Song xà vương vẫn không rời cây đa. Chúa chim thần mang cả xà vương lẫn cây đa đến cây bông vải kia, đặt rắn thần lên thân cây, mổ bụng ra ăn thịt mỡ. Sau đó, nó ném xác rắn xuống biển.

Bấy giờ, trên cây đa có con chim nhỏ bay lên khi cây đa bị ném bỏ, rồi đậu trên một cành cây cao gần cây bông vải. Thấy con chim, thần cây liền run rẩy toàn thân vì sợ hãi và suy nghĩ: “Con chim này sẽ thả phân nó rơi trên thân ta, rồi một cây đa hay cây sung sẽ mọc lên và lan tràn khắp thân cây, thế là nơi trú ẩn của ta sẽ bị phá hoại.” Lúc ấy, cây bông vải rung chuyển tận gốc vì cơn kinh hãi của thần cây. Kim Sí điểu vương thấy cây rung chuyển như vậy, liền ngâm đôi vần kệ hỏi lý do:

121. Ta mang thân xác của xà vương,

Cùng với thân ta lớn dị thường,

Thân rắn kia dài ngàn trượng chẵn,

Song cây không chuyển động kinh hoàng.

122. Nay mang chim nhỏ bé tí ti,

So với ta đây chẳng sá chi,

Cây lại run hoài vì sợ hãi,

Hỡi cây bông vải, lý do gì?

Sau đó, thần cây ngâm bốn vần kệ giải thích lý do:

123. Thịt mỡ ngài xơi, hỡi điểu vương,

Trái cây là thức của chim muông,

Hạt đa, sung với Bồ-đề nữa,

Nếu mọc, toàn thân ta chết luôn!

124. Hạt ấy về sau sẽ mọc cây,

Rồi che phủ cả hết thân này,

Ta không còn có cây nào nữa,

Vì bị chúng che kín phủ đầy.

125. Một khi cây đã lớn lên nhanh,

Rễ mạnh quanh thân, rậm rạp cành,

Chứng tỏ hạt do chim tích trữ,

Mang mầm hủy hoại đến cho mình.

126. Loại cây mọc bám sẽ chôn thây,

Ngay cả cây rừng vĩ đại này,

Vì vậy, điểu vương, ta rúng động,

Khi ta lo sợ thấy như vầy.

Nghe lời thần cây, điểu vương ngâm vần kệ cuối cùng:

127. Phải kinh hãi việc đáng kinh hoàng,

Hiểm họa đến thân phải hộ phòng,

Bậc trí lặng nhìn hai thế giới,

Nếu gây kinh hãi phải rời chân.

Nói vậy xong, điểu vương dùng sức mạnh đẩy con chim nhỏ ra khỏi cây ấy.

***

Sau pháp thoại, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các sự thật bắt đầu bằng những lời: “Cần phải hoài nghi nơi nào đáng hoài nghi.” Khi các sự thật kết thúc, năm trăm vị Tỷ-kheo được an trú vào Thánh quả A-la-hán.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân:

– Thời ấy, Sāriputta là điểu vương và Ta chính là thần cây.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.