Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§411. CHUYỆN VUA SUSĪMA (Susīmajātaka) (J. III. 391)
Tóc ta đen nhánh từ ngày xưa...
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về đại sự xuất thế.
Tăng chúng lúc ấy đang ngồi trong pháp đường tán thán đại sự xuất thế của đức Phật. Khi thấy đây là chủ đề của các vị, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, không lạ gì ngày nay Ta lại làm đại sự xuất thế và giã từ thế tục khi Ta đã thực hành các công hạnh viên mãn (Ba-la-mật) trong hàng trăm ngàn kiếp, mà ngày xưa Ta cũng từ bỏ ngai vàng tại quốc độ Kāsi rộng ba trăm do-tuần và làm đại sự xuất thế.
Và vì vậy, Ngài kể câu chuyện đời xưa.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát nhập mẫu thai của bà vợ vị tế sư hoàng gia. Trong ngày sanh ra ngài, hoàng hậu cũng sinh một con trai. Vào ngày lễ đặt tên, bậc Ðại sĩ được gọi là nam tử Susīma và hoàng nam được đặt tên Vương tử Brahmadattakumāra.
Vua thấy đôi trẻ cùng sanh ra một ngày nên truyền đưa Bồ-tát giao cho nhũ mẫu cùng nuôi chung với vương tử. Cả hai trẻ lớn lên tươi đẹp như các thiên tử trên trời.
Cả hai đều học đủ mọi ngành nghệ thuật ở Takkasilā và trở về nhà. Vương tử trở thành phó vương, cùng ăn uống, sống chung với Bồ-tát. Lúc vua cha băng hà, vương tử lên làm vua, ban cho Bồ-tát mọi vinh hiển và phong chức tế sư hoàng gia.
Một hôm, tân vương truyền trang hoàng cả kinh thành, rồi được tô điểm rực rỡ như Thiên chủ Sakka, vua tham dự đám rước quanh kinh thành, ngự trên vai vương tượng chẳng khác nào bảo tượng Erāvaṇa của Thiên chủ trong niềm tự hào cùng với Bồ-tát ngồi phía sau trên lưng voi. Mẫu hậu nhìn ra từ cửa sổ trông thấy hoàng nam và chợt thấy vị tế sư sau lưng vua khi ngài từ đám rước trở về. Bà đâm ra si tình ngài, liền đi vào hậu cung nghĩ thầm: “Nếu ta không chiếm được chàng, ta sẽ chết tại đây.” Vì thế, bà bỏ ăn uống và cứ nằm tại đó.
Vua không thấy mẹ liền hỏi thăm, khi nghe bà bị bệnh, vua đến hỏi thăm và cung kính hỏi bà bị bệnh gì. Bà không nói vì hổ thẹn. Vua liền ngự lên ngai, truyền chánh cung hoàng hậu đi tìm hiểu xem thái hậu bị bệnh gì.
Hoàng hậu đến, vừa hỏi thăm vừa vuốt ve lưng mẫu hậu. Nữ nhân thường không giấu nhau các chuyện bí mật, vì thế chuyện bí mật kia được tiết lộ. Hoàng hậu liền đi trình vua. Vua bảo:
– Ðược rồi, Ái khanh đi an ủi mẫu hậu, ta sẽ tôn vị tế sư lên làm vua và mẫu hậu lên làm chánh hậu của ngài.
Hoàng hậu liền đến an ủi thái hậu. Vua truyền mời vị tế sư đến kể lại vấn đề:
– Này Hiền hữu, hãy cứu mạng mẹ ta; khanh sẽ làm vua và mẹ ta sẽ lên làm chánh hậu, còn ta sẽ làm phó vương.
Vị tế sư đáp:
– Không thể được.
Song cứ bị khẩn cầu mãi, ngài bằng lòng và vua tôn ngài lên làm vua, mẫu hậu làm chánh hậu và chính mình làm phó vương. Tất cả mọi người đều sống hòa hợp, song Bồ-tát khô héo dần giữa cuộc sống tại gia. Ngài từ bỏ mọi dục lạc và hướng về đời tu hành.
Chẳng còn màng các lạc thú trần gian, ngài đi đứng nằm ngồi như tù nhân bị giam lỏng hay như con gà trống trong lồng son. Chánh hậu suy nghĩ: “Hoàng thượng tránh mặt ta, ngài đi đứng nằm ngồi một mình; giờ đây ngài vẫn tươi trẻ, còn ta đã già và có tóc bạc. Giả sử ta kể cho ngài nghe chuyện ngài đã có tóc bạc, khiến cho ngài tin chuyện ấy và đến bầu bạn với ta chăng?”
Một hôm, làm như thể lau đầu vua, bà nói:
– Hoàng thượng sắp già rồi đấy, có sợi tóc bạc trên đầu Hoàng thượng!
– Hãy nhổ nó ra và đặt vào tay trẫm!
Hoàng hậu nhổ một sợi tóc, nhưng lại ném nó đi và đặt vào tay ngài một sợi tóc bạc của bà. Khi thấy nó, nỗi sợ chết khiến mồ hôi đổ ra chảy xuống trán ngài, dù vầng trán bóng láng như một phiến vàng, ngài tự nhủ mình: “Này Susīma, ngươi đã già cỗi ngay tuổi thanh xuân, suốt bấy lâu nay ngươi chìm sâu vào vũng bùn dục lạc như thể con heo vùng quê lặn lội trong đầm lầy dơ bẩn, ngươi không thể xa rời bùn nhơ được. Hãy rời bỏ tham dục và sống đời khổ hạnh ở vùng Tuyết Sơn. Nay đã đến thời xuất gia rồi!” Cùng với ý tưởng này, ngài ngâm vần kệ đầu:
114. Tóc ta đen nhánh tự ngày xưa,
Vẫn mọc quanh vầng trán của ta,
Bạc trắng giờ đây, lưu ý nhé,
Ðến thời tu tập giã từ nhà.
Như thế, Bồ-tát ca tụng đời tu hành, nhưng hoàng hậu thấy bà đã làm cho ngài rời bỏ bà chứ không phải yêu thương bà nên lòng sợ hãi; bà muốn cản trở ngài sống đời xuất gia bằng cách ngâm hai vần kệ ca tụng dung sắc ngài:
115. Tóc bạc thiếp đây, chẳng phải chàng,
Từ trên đầu thiếp mới đưa sang,
Vì chàng, thiếp nói điều hư vọng,
Xin lượng thứ cho lỗi thiếp làm!
116. Trông chàng tươi đẹp, dáng thanh tân,
Như một cây non trẻ giữa xuân,
Hãy trị nước nhà, cười với thiếp,
Ðừng tìm việc của tuổi thu đông!
Nhưng Bồ-tát đáp:
– Này Hoàng hậu, bà đang nói đến những việc phải xảy đến, khi tuổi tác chín muồi, tóc đen này phải ngả màu bạc như vôi. Ta thấy sự biến hoại của xác thân theo năm tháng lúc đến tuổi lão thành; từ công nương cho đến mọi người khác, dù có dịu mềm như tràng hoa sen xanh, sáng đẹp như vàng ròng, và say sưa với niềm kiêu hãnh về tuổi xuân rực rỡ của mình. Này Hoàng hậu, đó là kết thúc đáng sợ của mọi loài hữu tình.
Hơn nữa, muốn trình bày chân lý với oai lực của một vị Giác ngộ, ngài ngâm hai vần kệ:
117. Ta thường trông thiếu nữ xuân thì,
Uyển chuyển như cành lả lướt kia,
Kiêu mạn vì hình dung diễm lệ,
Mọi người say ngắm bước chân đi.
118. Cũng chính nàng kia, ta ngắm trông,
Trải qua đã tám, chín mươi năm,
Run run chân bước, tay cầm gậy,
Thân thể còng như ngọn liễu rung.
Trong vần kệ này, bậc Ðại sĩ nêu rõ nỗi khổ đau của dung sắc; và giờ đây, ngài tuyên bố nỗi bất mãn của ngài với đời sống tại gia:
119. Những ý tưởng này, ta xét luôn,
Tư duy vẫn đến giữa đêm đơn,
Ðời người thế tục, ta không chuộng,
Ðúng lúc tu hành, phải bước chân.
120. Dục lạc trong đời sống thế nhân,
Là nơi hèn yếu để nương thân,
Trí nhân cắt đứt theo đường khác,
Bỏ dục lạc, đầy đủ lực hùng.
Như vậy, trong khi tuyên bố các lạc thú lẫn khổ đau của tham dục, ngài giảng bày chân lý với vẻ kỳ diệu của bậc Giác ngộ, rồi ngài truyền đi mời thân hữu của ngài đến nhận lại vương quốc. Ngài từ giã vinh quang và quyền lực giữa tiếng than khóc vang rền của thân bằng quyến thuộc, rồi trở thành bậc Hiền nhân khổ hạnh ở vùng Tuyết Sơn và về sau chứng đắc thiền định; khi mạng chung ngài được tái sanh lên cõi Phạm thiên.
***
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các sự thật và đem lại nguồn nước bất tử cho nhiều người, rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, chánh hậu là mẫu thân Rāhula, vua là Ānanda và Vua Susīma chính là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.