Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§410. CHUYỆN VOI CON SOMADATTA (Somadattajātaka)[9] (J. III. 388)

Bước sâu vào tận trong rừng...

Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Trưởng lão già cả.

Chuyện kể rằng, vị Trưởng lão này truyền giới cho một Sa-di làm đệ tử, phụng sự vị ấy, nhưng chẳng bao lâu lâm bệnh nặng qua đời. Trưởng lão đi quanh quẩn khóc than kêu gào vì cái chết của đệ tử.

Thấy vậy, Tăng chúng bắt đầu bàn tán trong pháp đường:

– Này các Hiền giả, vị Trưởng lão già cả này cứ lang thang kêu khóc vì một Sa-di chết, chắc hẳn vị ấy đã quên pháp môn quán tưởng về sự chết.

Bậc Ðạo sư bước vào và khi nghe đề tài câu chuyện, Ngài bảo:

– Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu người này khóc người kia chết.

Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là Thiên chủ Sakka. Một Bà-la-môn giàu tiền của, trước sống ở Ba-la-nại, sau giã từ thế tục và trở thành ẩn sĩ khổ hạnh ở vùng Tuyết Sơn, nhặt củ quả rừng để ăn.

Một hôm, đi tìm quả rừng, ông thấy một chú voi con, liền đem về thảo am. Ông xem nó như thể con mình, gọi tên nó là Somadatta, nuôi nấng chăm sóc nó và cho nó ăn cỏ lá. Con voi lớn dần trở thành to lớn, song một hôm nó ăn quá nhiều nên phát bệnh vì bội thực. Vị khổ hạnh đem nó vào thảo am và đi tìm quả rừng. Song trước khi ông trở về, con voi đã chết. Khi đem về mớ quả, vị khổ hạnh suy nghĩ: “Các ngày khác con ta vẫn đón ta, sao hôm nay không thấy? Con ta bị việc gì chăng?” Thế là ông than khóc và ngâm vần kệ đầu:

105. Bước sâu vào tận trong rừng,

Nó thường vẫn đến đón mừng ta ngay.

Nhưng sao chẳng thấy hôm nay,

Voi con đi lạc chẳng hay lối về?

Cùng với lời than khóc này, ông thấy con voi nằm cuối lối đi có mái che, liền ôm ngang cổ nó và ngâm vần kệ thứ hai tiếc thương nó:

106. Chính voi vừa chết nằm kia,

Như búp măng bị cắt lìa nát thân,

Voi nằm dưới đất ngã lăn,

Con voi ta đã lìa trần, than ôi!

Ngay lúc ấy, Thiên chủ Sakka quan sát cõi trần, suy nghĩ: “Vị khổ hạnh này từ giã vợ con để tu hành, nay lại than khóc con voi mà ông gọi là con. Ta muốn đến thức tỉnh ông và làm cho ông suy nghĩ lại.” Vì thế, ngài xuất hiện trước thảo am, đứng trên không và ngâm vần kệ thứ ba:

107. Sầu thương vật đã chết rồi,

Hỡi người khổ hạnh sống đời độc cư,

Thoát dây tục lụy, xuất gia,

Giờ đây phát bệnh tâm tư buồn phiền!

Nghe lời này, vị khổ hạnh ngâm vần kệ thứ tư:

108. Nếu người bầu bạn thú hiền,

Thưa ngài Đế-thích ở trên cõi trời,

Buồn phiền vì mất bạn chơi,

Tuôn dòng nước mắt sẽ vơi nỗi sầu!

Thiên chủ Sakka liền ngâm vần kệ khuyến giáo ông:

109. Người đời lắm kẻ ước ao,

Mỗi khi vật mất kêu gào tiếc thương.

Thôi đừng khóc nữa, trí nhân,

Thánh hiền vẫn bảo hoài công thôi mà.

110. Nếu nhờ nước mắt tuôn ra,

Chúng ta có thể vượt qua tử thần,

Thì ta quyết phải hợp quần,

Ðể mà cứu mọi vật thân nhất đời!

Nghe lời Thiên chủ nói, vị khổ hạnh nghĩ lại và được an ủi, bèn lau nước mắt và ngâm các vần kệ cuối cùng tán thán Thiên chủ:

111. Ví như ngọn lửa sáng ngời,

Ðổ thêm bơ sữa cháy hoài thật cao,

Ðược vòi nước lạnh tưới vào,

Ngài vừa dập tắt nỗi sầu của ta.

112. Lòng ta nhức nhối xót xa,

Vì tên sầu não xuyên qua kinh hoàng,

Ngài đà chữa trị vết thương,

Và ngài hồi phục đời thường cho ta.

113. Mũi tên vừa được nhổ ra,

Lòng ta tràn ngập an hòa vui tươi,

Lắng nghe Thiên chủ nhủ lời,

Ta không còn phải chơi vơi khổ sầu.

Các vần kệ này đã được ngâm ở Chuyện chú nai con.[10]

Sau khi khuyến giáo vị khổ hạnh, Sakka trở lại cõi của ngài.

***

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:

– Thời ấy, voi con là Sa-di, vị khổ hạnh là Trưởng lão già cả này và Thiên chủ Sakka chính là Ta.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.