Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§399. CHUYỆN CHIM THỨU (Gijjhajātaka) (J. III. 330)
Làm sao thân lão biết tìm mồi...
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo phụng dưỡng mẹ mình.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm chim thứu (chim kên kên). Khi lớn lên, ngài đưa cha mẹ đã già, mù mắt vào ở trong hang thứu, và đem thịt quạ cùng nhiều loại khác về nuôi hai vị. Thời ấy, có một thợ săn đặt bẫy bắt chim thứu quanh nghĩa địa ở Ba-la-nại.
Một hôm, Bồ-tát đi kiếm thịt đến gần nghĩa địa và sa chân vào bẫy. Ngài không nghĩ đến mình mà chỉ nhớ đến cha mẹ già: “Giờ đây làm sao cha mẹ sống được? Ta chắc hai vị sẽ chết vì không biết ta mắc bẫy, sẽ bơ vơ khốn khổ và héo mòn dần trong hang núi ấy.” Do vậy, ngài ngâm vần kệ đầu than khóc:
22. Làm sao thân lão biết tìm mồi,
Trong chốn hang sâu của núi đồi?
Ta bị buộc chân vào chiếc bẫy,
Làm nô lệ của Nilīya thôi.
Con trai người thợ săn nghe ngài than khóc, liền ngâm vần kệ thứ hai, (chim thứu ngâm vần kệ thứ ba và cứ liên tiếp xen kẽ như vậy).
[Con của thợ săn:]
23. Chim thứu, sao chim khóc ỷ ôi?
Tiếng chim đưa đến tận tai tôi,
Ta chưa từng thấy hay nghe được,
Chim biết thốt ra tiếng giống người.
[Chim thứu:]
24. Ta nuôi phụ mẫu đã già rồi,
Ở trong hang nọ dưới chân đồi,
Làm sao thân lão tìm mồi được,
Khi thứu trở thành nô lệ người.
[Con của thợ săn:]
25. Kên kên nhìn xác chết đằng xa,
Hơn cả một trăm dặm vượt qua,
Vì cớ sao chim không thấy rõ,
Lưới kia bẫy nọ thật gần mà?
[Chim thứu:]
26. Khi đời sắp đến vận suy tàn,
Thần chết đang đòi hỏi số phần,
Dù có đứng gần bên chiếc bẫy,
Cũng không thấy bẫy đặt dây giăng!
[Con của thợ săn:]
27. Thôi hãy về đi với lão thân,
Ở trong hang núi, hãy chăm nom,
Về thăm cha mẹ trong an lạc,
Chim được ta cho thỏa ước mong.
[Chim thứu:]
28. Hỡi thợ săn cùng cả họ hàng,
Cầu mong hạnh phúc đến nhà chàng!
Ta về với mẹ cha già yếu,
Chăm sóc hai thân ở dưới hang.
Sau đó, Bồ-tát được giải thoát khỏi nỗi sợ chết, vui mừng tạ ơn, vừa ngâm vần kệ cuối cùng vừa ngậm đầy thịt trong mỏ và bay về đưa mồi cho cha mẹ.
***
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các sự thật. Lúc kết thúc các sự thật, vị Tỷ-kheo được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, người thợ săn là Channa (Xa-nặc), cha mẹ ta là thân quyến trong hoàng gia và chim thứu là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.