Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§398. CHUYỆN HIẾU TỬ SUTANU (Sutanojātaka) (J. III. 324)
Vua đã gửi ngươi một bát cơm...
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo phụng dưỡng cha mẹ mình. Câu chuyện sẽ được nói rõ trong Chuyện hiếu tử Sāma.[4]
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình nghèo, cha mẹ đặt tên ngài là Sutanu. Khi lớn khôn, ngài làm việc kiếm tiền nuôi cha mẹ; đến lúc cha ngài qua đời, ngài phụng dưỡng mẹ mình.
Thời ấy, vua xứ Ba-la-nại thích săn bắn. Một hôm, vua cùng đông đảo quần thần đi vào một khu rừng rộng khoảng một hai do-tuần và truyền lệnh cho tất cả mọi người:
– Nếu có con nai nào chạy thoát ở điểm đứng canh của người nào thì người ấy bị thua.
Quần thần che một nơi ẩn nấp bên vệ đường và dâng cho vua dùng. Bầy nai bị chấn động vì tiếng la hét của nhiều người bao vây nơi trú ẩn của chúng, rồi một con nai chạy về địa điểm vua đứng canh. Vua nghĩ thầm: “Ta muốn bắn nó”, rồi giương cung lên. Con vật biết dùng mưu kế đánh lừa, thấy mũi tên sắp bay đến gần sườn liền ngã lăn tròn như thể trúng tên. Vua nghĩ: “Ta đã bắn trúng nó” và chạy lại bắt nai. Nhưng con nai vùng lên lao vụt nhanh như gió. Quần thần và những người kia đều cười nhạo vua. Ông liền đuổi theo con nai cho đến khi nó mệt nhoài liền rút kiếm chặt nó làm đôi, rồi kéo con nai lên một khúc gỗ, ông khiêng nó lên như cái đòn gánh, vừa đi vừa nói: “Ta muốn nghỉ ngơi một lát.” Ông đến gần một cây đa bên vệ đường và nằm xuống ngủ say.
Một con quỷ dạ-xoa tên là Makhādeva tái sanh ở cây đa này, được Thiên vương Vessavaṇa (Tỳ-sa-môn) cho phép bắt mọi sinh vật nào đến gần nó để ăn thịt. Khi vua này thức dậy, dạ-xoa bảo:
– Cứ ở lại đây, ngươi là món mồi của ta!
Rồi nó cầm lấy tay vua. Vua hỏi:
– Ngài là ai?
– Ta là quỷ dạ-xoa, sanh ra tại đây. Ta bắt mọi người đến nơi đây để ăn thịt.
Vua lấy hết can đảm hỏi:
– Thế ngài chỉ ăn thịt hôm nay hay ăn mãi?
– Ta sẽ còn ăn mãi mọi vật ta bắt được.
– Thế thì hãy ăn con nai này hôm nay và để ta đi về. Từ ngày mai ta sẽ gửi cho ngài một người cùng với một đĩa cơm mỗi ngày.
– Vậy hãy cẩn thận đấy. Hễ ngày nào không gởi người đến thì ta sẽ ăn thịt ngươi.
– Ta là quốc vương xứ Ba-la-nại, chẳng có việc gì ta không làm được cả.
Quỷ dạ-xoa nhận lời hứa rồi để vua ra về. Khi vua đến kinh thành, ông đem chuyện ấy kể cho vị cận thần nghe và hỏi những gì cần phải làm.
– Tâu Ðại vương, có hạn kỳ nhất định nào không?
– Không.
– Thế thì Ðại vương đã tính việc sai rồi đấy. Nhưng không sao cả, có rất nhiều tù nhân trong ngục.
– Vậy khanh cố sắp đặt việc này để cứu mạng ta.
Vị cận thần đồng ý, mỗi ngày bắt một tù nhân từ trong ngục gửi ra cho quỷ dạ-xoa cùng với một đĩa cơm mà không nói gì với kẻ ấy cả. Quỷ dạ-xoa ăn hết cả cơm lẫn người. Sau một thời gian, các ngục thất đều trống vắng. Vua tìm không ra người đi đưa cơm, lòng run rẩy sợ chết. Vị cận thần an ủi ông và bảo:
– Tâu Ðại vương, lòng tham tài sản còn mạnh hơn lòng tham sống. Ta hãy gói một ngàn đồng tiền đặt trên lưng voi, rồi lấy trống truyền lệnh: “Ai muốn đem cơm cho quỷ dạ-xoa và lãnh số tiền bạc này?”
Vua nghe lời làm theo như vậy. Bồ-tát suy nghĩ: “Ta chỉ làm công được một xu rưỡi mỗi ngày, khó lòng phụng dưỡng mẹ. Nay ta muốn lấy số tiền kia trao cho mẹ rồi đi gặp quỷ dạ-xoa. Nếu ta thắng nó thì tốt, còn nếu không thì mẹ ta cũng sống an nhàn sung túc.” Vì thế, ngài nói chuyện với mẹ, song bà bảo:
– Mẹ vừa đủ rồi, mẹ không cần tiền bạc.
Rồi bà ngăn cản ngài hai lần. Nhưng lần thứ ba, ngài không xin phép mẹ nữa mà đến gặp quan quân nói:
– Thưa các quan, hãy đưa một ngàn đồng tiền, tôi nhận mang cơm đi!
Rồi đưa cho mẹ một ngàn đồng tiền, ngài bảo:
– Mẹ thân yêu, đừng lo buồn, con sẽ thắng quỷ dạ-xoa và đem hạnh phúc cho mọi người. Con sẽ trở về nhà khiến cho mẹ đang khóc than phải cười to lên đấy.
Sau khi chào mẹ xong, ngài cùng quan quân đi yết kiến vua, rồi kính lễ vua và đứng tại đó. Vua hỏi:
– Này thiện nam tử, cậu muốn đem cơm à?
– Tâu Ðại vương, phải.
– Thế cậu cần mang theo vật gì bên mình?
– Tâu Ðại vương, đôi hài bằng vàng của ngài.
– Tại sao thế?
– Tâu Ðại vương, quỷ dạ-xoa kia chỉ ăn thịt kẻ nào đứng trên mặt đất dưới gốc cây của nó, còn tiểu tử sẽ đứng trên đôi hài, chứ không phải trên mặt đất.
– Thế còn vật gì nữa?
– Tâu Ðại vương, chiếc lọng của ngài.
– Tại sao thế?
– Tâu Ðại vương, quỷ dạ-xoa kia chỉ ăn thịt kẻ nào đứng dưới bóng cây của nó, còn tiểu tử đứng dưới bóng chiếc lọng chứ không phải bóng cây.
– Thế còn vật gì nữa?
– Tâu Ðại vương, thanh kiếm của ngài.
– Ðể làm gì?
– Tâu Ðại vương, ngay loài quỷ cũng sợ những người mang khí giới trong tay.
– Thế còn gì nữa chăng?
– Tâu Ðại vương, cái bát vàng của ngài, đựng đầy ngự thiện dâng lên ngài.
– Này thiện nam tử, tại sao vậy?
– Một người có trí khôn như tiểu tử mà phải ăn cơm gạo thô trong đĩa đất thì không thích hợp chút nào.
Vua chấp thuận và sai các quan đem đủ mọi thứ ngài đã yêu cầu. Bồ-tát thưa:
– Tâu Ðại vương, đừng sợ gì cả, tiểu tử nguyện sẽ trở về hôm nay sau khi chiến thắng quỷ dạ-xoa và đem lại an lạc cho ngài.
Thế rồi, ngài cầm mọi thứ cần dùng và đi đến nơi ấy. Ngài sắp đặt mọi người đứng không xa nơi ấy rồi mang đôi hài vàng vào chân, đeo thanh kiếm vào đai, che chiếc lọng trên đầu và cầm bát cơm bằng vàng đến gặp dạ-xoa.
Quỷ dạ-xoa nhìn ra đường thấy ngài, liền suy nghĩ: “Người này đến đây không giống bọn người đã đến trước kia, vì duyên cớ gì vậy?”
Bồ-tát đứng gần cây, lấy mũi kiếm đẩy đĩa cơm vào dưới bóng cây rồi đứng gần bóng cây, ngâm vần kệ đầu:
15. Vua đã gửi ngài một bát cơm,
Lại thêm thịt nấu thật ngon thơm,
Makhā có ở nhà không đấy,
Xin hãy bước ra nhận để ăn!
Nghe vậy, quỷ dạ-xoa suy nghĩ: “Ta muốn đánh lừa nó, rồi sẽ ăn thịt nó khi nó bước vào bóng cây.” Con quỷ liền ngâm vần kệ thứ hai:
16. Hãy bước vào trong, hỡi cậu trai,
Với cao lương mỹ vị trên tay,
Cả cơm cùng với thân người nữa,
Này cậu, ta xơi tuyệt lắm thay!
Tiếp theo, Bồ-tát đáp hai vần kệ:
17. Dạ-xoa sẽ mất vật to hơn,
Ðổi lấy vật này bé cỏn con.
Tất cả mọi người đều sợ chết,
Chẳng còn ai đến biếu cao lương!
18. Vậy ngài sẽ được cấp cao lương,
Tinh sạch nêm gia vị ngọt ngon.
Song nếu ăn ta thì khó kiếm,
Một người nào khác đến đem cơm.
Quỷ dạ-xoa suy nghĩ: “Cậu trai này nói có lý”, rồi đầy thiện ý, nó ngâm hai vần kệ:
19. Sutanu, quả thật đúng thay,
Mối lợi ta như cậu tỏ bày,
Hãy trở lại thăm hiền mẫu nhé,
Ta cho phép cậu bước đi ngay.
20. Lấy gươm, lọng, bát, cậu thanh niên,
Hãy nhắm đường đi, cất bước liền,
Thăm mẹ hiền trong niềm phấn khởi,
Cho bà sống hạnh phúc bình yên.
Nghe lời dạ-xoa, Bồ-tát hoan hỷ, ngài nghĩ thầm: “Bổn phận ta đã hoàn thành, quỷ dạ-xoa đã được chinh phục, ta được hưởng tài sản và lời hứa của vua đã được thực hiện.” Ngài liền ngâm vần kệ cuối cùng:
21. Dạ-xoa cùng với mọi thân nhân,
Mong ước toàn gia được phước ân,
Lệnh vua đã thực hành viên mãn,
Tài sản ta nay được hưởng phần.
Ngài khuyến giáo quỷ dạ-xoa và bảo:
– Này bạn, xưa kia bạn đã tạo ác nghiệp, bạn tham tàn độc ác, ăn thịt nhiều người nên tái sanh làm quỷ dạ-xoa. Từ rày về sau đừng giết hại sinh mạng như vậy nữa.
Thế là ngài nêu rõ mọi công đức nhờ giữ giới hạnh và các nỗi khổ đau vì tạo ác nghiệp. Rồi an trú quỷ dạ-xoa vào ngũ giới, ngài bảo:
– Này, tại sao bạn ở trong rừng? Mau lên, ta sẽ để bạn cư ngụ cạnh cổng thành và bảo đem cao lương mỹ vị đến cho bạn.
Sau đó, ngài ra đi cùng quỷ dạ-xoa, bảo nó cầm kiếm cùng nhiều vật khác và đến thành Ba-la-nại. Quân sĩ báo tin Sutanu đã trở về cùng quỷ dạ-xoa. Vua cùng triều thần đi ra đón Bồ-tát và làm chỗ cư trú cho quỷ dạ-xoa tại cổng thành, rồi sai người đem cao lương mỹ vị cho nó. Xong, vua vào thành, lấy trống truyền lệnh hội họp toàn dân trong thành để tuyên dương công trạng của Bồ-tát và phong cho ngài chức vụ thống lãnh quân đội. Còn vua được an trú vào lời dạy của Bồ-tát, thực hành nhiều thiện sự, bố thí và các công đức khác nên về sau tái sanh lên cõi trời.
***
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các sự thật. Lúc kết thúc các sự thật, vị Tỷ-kheo phụng dưỡng mẹ đã đạt Sơ quả (Dự lưu).
Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, quỷ dạ-xoa là Aṅgulimāla (người đeo vòng ngón tay), vua là Ānanda và hiếu tử kia chính là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.