Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§396. CHUYỆN KUKKU (Kukkujātaka) (J. III. 317)

Cái nóc nhà này cao thước rưỡi...

Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc giáo hóa một quốc vương. Câu chuyện này sẽ được nói rõ trong Chuyện ba con chim.[1]

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là quốc sư về thế sự cũng như thánh sự. Vua ấy đi theo tà đạo, cai trị bất chánh và thâu góp tài sản bằng cách đàn áp dân chúng. Bồ-tát muốn khuyến giáo vua, liền quanh quẩn tìm một ví dụ.

Bấy giờ, nội thất trong cung làm chưa xong, nên mái nhà trên ấy chưa hoàn chỉnh. Các cây rui chống đỡ nóc nhọn chỉ vừa mới được đặt vào đúng vị trí. Vua du ngoạn trong ngự viên, khi trở về cung, vua nhìn lên và thấy nóc nhà hình tròn, sợ nó sẽ rớt xuống, vua bước ra đứng bên ngoài, rồi lại nhìn lên và suy nghĩ: “Làm thế nào nóc nhà này đứng yên như vậy. Các rui này ra sao?” Và vua liền ngâm vần kệ đầu hỏi Bồ-tát:

  1. Cái nóc nhà này cao thước rưỡi,

Tám cây kèo lớn đỡ quây quần,

Gỗ siṁsapā với sāra thẳng,

Bởi vậy nóc nhà đứng vững chăng?

Nghe vậy, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta đã có được một ví dụ để khuyến giáo nhà vua.” Ngài liền ngâm các vần kệ sau:

2. Ba mươi rui nhỏ gỗ sāra,

Ðược xếp đều quanh dưới mái nhà,

Áp sát vào nhau nâng thật vững,

Cho nên nóc đứng thẳng ngay mà.

3. Vậy người có trí được quây quần,

Với quốc sư hiền, bạn tận trung,

Sẽ chẳng sa cơ lúc mạt vận,

Như rui đỡ nóc mái thăng bằng.

Trong lúc Bồ-tát đang nói, vua xem xét kỹ hành vi xử thế của mình: “Nếu không có nóc nhà thì các cây rui không đứng vững, nóc nhà cũng không đứng vững nếu không được các cây rui nâng đỡ. Nếu các cây rui gãy thì nóc nhà sụp đổ. Cũng vậy, một vị vua ác hạnh không tập hợp các thân bằng, đại thần, quân đội, Bà-la-môn và gia chủ lại với nhau; và nếu quần thần tan rã, vua không được nâng đỡ sẽ mất hết quyền lực, vì thế vua phải sống công chính.”

Ngay lúc ấy, các thị nữ đem dâng vua một quả bưởi. Vua bảo Bồ-tát:

– Này Hiền hữu, hãy ăn bưởi này.

Bồ-tát cầm bưởi và thưa:

– Tâu Ðại vương, người nào không biết cách ăn bưởi sẽ làm cho nó đắng hoặc cay. Song người có trí biết cách lấy chất đắng ra và không bỏ chất chua, hoặc làm hỏng hương vị của bưởi khi ăn.

Rồi dùng thí dụ này, ngài trình bày cho vua biết cách tạo tài sản chân chánh qua hai vần kệ:

4. Ăn bưởi luôn phần vỏ đắng cay,

Nếu không gọt vỏ với dao này,

Chỉ ăn phần ruột là thơm ngọt,

Nếu thêm vỏ thì hết ngọt ngay.

5. Vậy người có trí chẳng hung tàn,

Thâu góp thuế trong các xóm làng,

Tăng sản nghiệp nhưng không phạm tội,

Bước đường chân chánh tạo danh vang.

Vua vừa tham vấn Bồ-tát vừa đi đến hồ sen, khi nhìn một hoa sen đang nở có màu sáng đẹp như mặt trời mới mọc, không bị nước làm ô nhiễm, nhà vua bảo:

– Này Hiền hữu, hoa sen kia mọc thẳng lên không bị nước làm ô nhiễm sắc hương.

Bồ-tát liền đáp lại:

– Tâu Ðại vương, một vị vua cũng phải như vậy.

Rồi ngài ngâm các vần kệ này để khuyến giáo:

6. Như hoa sen nở ở trong hồ,

Rễ trắng, nước trong bảo dưỡng cho,

Dưới ánh mặt trời hoa nở đẹp,

Không hề bụi bặm, chẳng bùn nhơ.

7. Vậy người có đức hạnh đưa đường,

Khéo luyện ôn nhu, đủ thiện lương,

Như đóa sen trong hồ nước ấy,

Bùn nhơ chẳng cấu uế tâm can.

Vua nghe lời Bồ-tát khuyến giáo, từ đó về sau trị nước chân chánh và thực hành các thiện sự, bố thí cùng nhiều phước nghiệp khác nên được sinh lên thiên giới.

***

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các sự thật và nhận diện tiền thân:

– Thời ấy, vua là Ānanda và vị quốc sư có trí chính là Ta.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.