Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§394. CHUYỆN CHIM CÚT (Vaṭṭakajātaka) (J. III. 312)
Bơ, dầu đủ món cao lương...
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo tham lam.
Khi thấy vị ấy tham lam, bậc Ðạo sư bảo:
– Ðây không phải lần đầu ông tham lam, ngày xưa có lần do tham lam, ông không thỏa mãn với các xác voi, bò ngựa và hy vọng kiếm được nhiều thức ăn ngon hơn, ông đã vào rừng sâu.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm con chim cút sống ở rừng sâu bằng cỏ khô và hạt cây. Thời ấy, tại Ba-la-nại có một con quạ tham ăn, không hài lòng với các xác chết của voi, ngựa và nhiều súc vật khác, liền vào rừng kia với hy vọng tìm nhiều của ngon vật lạ hơn. Trong lúc ăn trái rừng, nó chợt thấy Bồ-tát liền nghĩ thầm: “Con chim cút này rất mập, ta đoán nó ăn nhiều thức ăn ngon ngọt, ta muốn hỏi nó về món kia và ăn để ta cũng mập hơn.”
Quạ đậu trên bụi cây cao hơn Bồ-tát, dù nó không hỏi, Bồ-tát vẫn chào nó và ngâm vần kệ đầu:
128. Bơ, dầu đủ món cao lương,
Chú ơi, thực phẩm chú toàn thơm ngon,
Cho tôi biết rõ nguồn cơn,
Tại sao chú phải gầy mòn thế ư?
Nghe lời này, quạ ngâm ba vần kệ đáp lại:
129. Ta đang sống giữa kẻ thù,
Lòng ta cứ phải ưu tư rã rời,
Hãi kinh đi kiếm miếng mồi,
Muốn thành béo mập, cút ơi, cách nào?
130. Suốt đời quạ sống lo âu,
Trí luôn cảnh giác, đương đầu nguy nan,
Miếng mồi kiếm chẳng đủ ăn,
Cút ơi, vì thế gầy mòn thân ta!
131. Cỏ khô, hạt thóc quả là,
Thức ăn của cút chẳng no béo gì,
Vì sao cút mập thế kia,
Lại ăn ít ỏi, nói đi, bạn vàng!
Bồ-tát nghe vậy, ngâm các vần kệ giải thích lý do béo mập của mình:
132. Ta mong vừa đủ an nhàn,
Thong dong bay lượn quãng đường ngắn kia,
Kiếm ăn bất cứ vật gì,
Nên ta béo mập khó bì, quạ ơi!
133. Tràn đầy hạnh phúc, an vui,
Trong lòng biết đủ, thảnh thơi tháng ngày,
Mục tiêu dễ đạt lắm thay,
Ðây phần ưu thắng đời này ta theo.
***
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các sự thật. Lúc kết thúc các sự thật, vị Tỷ-kheo đã được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, con quạ là Tỷ-kheo tham lam này và chim cút chính là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.