Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§393. CHUYỆN VẬT THỰC CÒN THỪA (Vighāsajātaka)[9] (J. III. 310)

Hạnh phúc là ai sống giữa đời...

Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Ðông Viên, liên hệ đến một số Tỷ-kheo thích lạc thú.

Trưởng lão Mahāmoggallāna (Ðại Mục-kiền-liên) đã làm rung chuyển cả trú xứ của họ và cảnh báo họ. Tăng chúng bắt đầu bàn luận về lỗi lầm này tại pháp đường. Bậc Ðạo sư được kể sự việc trên, liền bảo:

– Ðây không phải là lần đầu tiên họ thích lạc thú.

Và Ngài kể một chuyện quá khứ.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là Thiên chủ Sakka. Có bảy anh em trong một làng ở Kāsi nhận thấy tai hại của lòng tham dục, liền rời bỏ thế tục và trở thành ẩn sĩ. Họ sống ở giữa rừng, nhưng vẫn ham thích các lạc thú, không chuyên tâm tu tập và chỉ làm theo thói quen của vật chất.

Thiên chủ Sakka bảo:

– Ta muốn đi cảnh báo bọn này.

Do đó, ngài biến mình thành chim anh vũ (chim két) đến trú xứ của họ, vừa đậu trên cây vừa ngâm vần kệ đầu cảnh báo họ:

122. Hạnh phúc là ai sống giữa đời,

Bằng tàn dư bố thí mà thôi,

Ðược người tán thán trên trần thế,

Số phận đời sau, lạc cõi trời.

Khi ấy, một người trong bọn họ nghe tiếng chim anh vũ, liền gọi đám kia lại và ngâm vần kệ thứ hai:

123. Bậc trí phải chăng nên lắng tai,

Khi anh vũ nói giọng như người,

Hãy nghe, các bạn, chim ca tụng,

Bọn chúng ta đây, rõ tuyệt vời!

Anh vũ liền ngâm vần kệ thứ ba phủ nhận điều này:

124. Chẳng phải ta ca tụng các thầy,

Bọn ăn xác chết, hãy nghe đây,

Các thầy ăn món đồ thừa thãi,

Chẳng phải tàn dư bố thí này.

Khi nghe chim nói, họ đồng thanh ngâm vần kệ thứ tư:

125. Xuất thế bảy năm, cạo tóc đen,

Nơi đây ta sống tháng ngày liền,

Ăn đồ tàn thực, sao chim trách,

Vậy thế ai người thật đáng khen?

Bậc Ðại sĩ ngâm vần kệ thứ năm khiển trách để họ phải ăn năn hối cải:

126. Món thừa sư, hổ, thú săn mồi,

Là thứ cần dùng của các người,

Quả thật chúng là đồ phế thải,

Dù người gọi “chỉ tàn dư thôi”.

Nghe vậy, các vị ẩn sĩ lại hỏi:

– Nếu chúng ta không phải là người sống bằng tàn thực thì xin cho biết họ là những ai?

Ngài liền ngâm vần kệ thứ bảy nêu rõ ý nghĩa đích thực của việc này:

127. Người nào bố thí các Sa-môn,

Ðể đáp ứng ngay mọi thứ cần,

Rồi thọ những gì còn để lại,

Sống nhờ của bố thí dư tàn.

Như vậy, Bồ-tát làm cho họ ăn năn hối lỗi rồi trở về cõi của ngài.

***

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các sự thật và nhận diện tiền thân:

– Thời ấy, bảy ẩn sĩ kia là các Tỷ-kheo thích lạc thú này và Thiên chủ Sakka chính là Ta.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.