Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§389. CHUYỆN CON CUA VÀNG (Suvaṇṇakakkaṭakajātaka) (J. III. 293)
Một chú càng vàng với mắt lồi...
Bậc Ðạo sư kể chuyện này lúc trú tại Trúc Lâm về việc Trưởng lão Ānanda hy sinh tính mạng vì Ngài.
Câu chuyện này sẽ được kể trong Chuyện Tế sư Khaṇḍahāla[3] về việc thuê toán xạ thủ và trong Chuyện tiểu thiên nga[4] về tiếng rống của con voi Dhanapāla (Tài Hộ). Khi Tăng chúng bắt đầu thảo luận trong pháp đường:
– Này các Tôn giả, có phải Trưởng lão Ānanda, vị Thủ kho Chánh pháp, đã đắc trí tuệ của một vị Hữu học, hy sinh tính mạng vì đức Phật tối thắng khi con voi Dhanapāla xông đến?
Bậc Ðạo sư bước vào và được kể lại đề tài thảo luận, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, ngày xưa Ānanda cũng đã từng hy sinh tính mạng vì Ta.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
***
Ngày xưa, có một làng Bà-la-môn tên là Sālindiya ở phía Đông thành Rājagaha (Vương Xá). Bồ-tát được sinh ở ngôi làng ấy trong một gia đình Bà-la-môn làm ruộng. Khi lớn lên ngài lập nghiệp và canh tác trang trại khoảng một ngàn karīsa (khoảng tám ngàn mẫu) trong một huyện ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà) về phía Đông Bắc làng ấy.
Ngày kia, ngài cùng gia nhân ra đồng, bảo họ cày cấy xong, ngài đi đến một ao lớn cuối cánh đồng để rửa mặt. Trong ao ấy có một con cua màu vàng óng ả, xinh đẹp, khả ái. Bồ-tát bước xuống ao sau khi xỉa răng. Khi ngài rửa miệng, con cua đến gần, ngài liền nhấc con cua lên và đặt nó nằm trong áo khoác ngoài. Sau khi làm việc đồng áng xong, ngài đặt con cua xuống ao như cũ và đi về nhà. Từ đó, hễ mỗi lần ra đồng, ngài thường đến ao ấy trước tiên, đặt cua lên áo ngoài rồi ra đi làm việc. Vì thế, một tình cảm tin cậy thắm thiết nảy sinh giữa người và vật. Ngày ngày Bồ-tát vẫn đi làm ruộng đều đặn.
Bấy giờ, mắt ngài có năm vẻ đẹp và ba vòng tròn trong vắt. Một con quạ cái trên cây thốt nốt ở góc cánh đồng trông thấy mắt ngài, muốn ăn chúng, bèn bảo quạ đực:
– Này chàng, em có một điều ước.
– Nàng ước chuyện gì?
– Em ước được ăn đôi mắt của một vị Bà-la-môn.
– Ðiều ước của nàng thật chẳng hay ho tí nào. Ai có thể lấy đôi mắt ấy cho nàng chứ?
– Em biết chàng không thể lấy được; song ở gò mối gần cây này có một con rắn hổ đen, chàng hãy đến hầu hạ nó, rồi nó sẽ cắn vị Bà-la-môn để giết ông ấy; sau đó chàng mổ mắt ông ấy ra và mang về cho em.
Quạ đực đồng ý, sau đó nó đến hầu hạ con rắn hổ. Con cua cũng to lớn dần vào thời hạt giống do Bồ-tát gieo đã nẩy mầm.
Một hôm, con rắn bảo quạ:
– Này bạn, bạn luôn phục vụ tôi, vậy tôi có thể làm gì cho bạn?
– Thưa tôn ông, nữ tỳ của ngài đã mang niềm ao ước có được đôi mắt của vị chủ đám ruộng này. Tôi đến hầu hạ ngài chỉ cốt hy vọng nhờ ngài ban ân lấy cho được đôi mắt ấy.
Rắn bảo:
– Ðược lắm, việc ấy không khó, bạn sẽ được đôi mắt kia.
Con rắn còn khích lệ con quạ như thế. Hôm sau, con rắn nằm đợi vị Bà-la-môn đến, nó ẩn mình dưới đám cỏ, cạnh bờ ruộng ngài sắp bước tới. Bồ-tát xuống ao rửa miệng, cảm thấy mối thân ái với con cua, nên ôm lấy nó đặt vào áo ngoài ra đồng.
Con rắn thấy ngài đến liền lao tới cắn vào bắp vế của ngài khiến ngài ngã xuống ngay tại chỗ, rồi nó trốn trong gò mối. Sự kiện Bồ-tát ngã xuống đó, con cua vàng nhảy ra khỏi áo và con quạ sà xuống đậu trên ngực Bồ-tát diễn ra liên tiếp nhau.
Con quạ vừa đậu xong, liền lấy mỏ chụp đôi mắt Bồ-tát. Con cua suy nghĩ: “Chính vì con quạ này mà hiểm họa đã xảy đến với vị thân hữu của ta. Nếu ta kẹp lấy nó thì con rắn sẽ bò tới.” Vì vậy, con cua kẹp ngay cổ quạ với chiếc càng xiết chặt như thể gọng kềm, khiến nó mệt phải nới lỏng ra đôi chút. Con quạ cầu cứu con rắn:
– Này bạn, tại sao bỏ rơi tôi mà chạy trốn? Con cua này phá hại tôi. Hãy đến ngay trước khi tôi chết mất!
Rồi quạ ngâm vần kệ đầu:
94. Một chú càng vàng với mắt lồi,
Ở hồ, trần trụi, bọc xương mai,
Chụp tôi, nghe tiếng tôi kêu thét,
Sao bỏ bạn thân quý mến ngài?
Con rắn nghe tiếng, giương mào rộng bò đến an ủi con quạ.
***
Bậc Ðạo sư ngâm vần kệ thứ hai phát xuất từ trí tuệ tối thắng của Ngài, giải thích sự việc này:
95. Con rắn bỗng nhào lên chú cua,
Nó không muốn bỏ bạn bây giờ,
Rắn giương mào rộng vừa lao đến,
Cua tấn công ngay chú rắn bò.
***
Con cua mệt mỏi nới lỏng quạ ra đôi chút, con rắn suy nghĩ: “Loài cua chẳng hề ăn thịt quạ hay rắn, vậy vì lý do gì con cua này chụp chúng ta?” Rồi nó ngâm vần kệ hỏi cua:
96. Chẳng phải vì lo kiếm miếng mồi,
Mà cua bắt rắn, quạ trên trời,
Mắt lồi hãy nói cho tôi biết,
Sao chú lại kềm kẹp chúng tôi?
Nghe vậy, cua ngâm hai vần kệ giải thích lý do:
97. Ngài đem ta tự dưới ao kia,
Bày tỏ ân cần, quý mến ta,
Nếu chết, thời ta đây khổ não,
Ngài và ta, chỉ một thôi mà.
98. Thấy ta nay đã lớn lên dần,
Ai nấy đều mong giết hưởng phần,
Cua mập ngọt ngon đầy mỹ vị,
Nhìn ta, quạ muốn xé tan thân.
Nghe vậy rắn suy nghĩ: “Ta phải dùng mưu kế lừa nó, rồi ta và quạ thoát thân.” Vì thế, nó ngâm vần kệ thứ sáu để lừa cua:
99. Nếu cua kẹp rắn, quạ vì ngài,
Ta sẽ rút chất độc ấy thôi,
Ngài tỉnh dậy, mau tha rắn, quạ,
Thấm sâu chất độc, ắt tàn đời.
Nghe vậy, cua suy nghĩ: “Con rắn này muốn làm cho ta thả cả hai ra bằng mưu kế lừa bịp rồi bỏ chạy, nó không biết tài năng khôn khéo của ta. Nay ta muốn nới càng đôi chút để con rắn có thể nhúc nhích nhưng ta không thả con quạ đây.” Rồi nó ngâm vần kệ thứ bảy:
100. Ta thả rắn, không thả quạ đây,
Con tin là quạ buộc nơi này,
Ta không thả nó đi nơi khác,
Cho đến khi an ổn với ngài.
Nói xong, cua nới lỏng càng để cho rắn bò đi tự do. Con rắn thu hồi nọc độc và thân thể Bồ-tát thoát khỏi nọc rắn. Ngài đứng dậy vững vàng trong sắc thái tự nhiên.
Con cua suy nghĩ: “Nếu hai con vật này bình an, chắc chắn bạn thân của ta không được thịnh vượng. Ta muốn giết cả bọn chúng”, rồi lấy càng chà nát đầu chúng cho chết đi. Con quạ mái liền bay đi trốn mất khỏi chỗ ấy. Bồ-tát lấy gậy đâm qua mình rắn ném vào bụi, để cua vàng bò xuống ao nước rồi tắm rửa và trở về Sālindiya. Từ đấy, tình thân hữu càng thắm thiết hơn giữa ngài và con cua ấy.
***
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các sự thật và nhận diện tiền thân qua những vần kệ cuối cùng:
101. Con rắn hổ là chính Ác ma,
Đề-bà-đạt ấy quạ đen kia,
A-nan thiện hạnh là cua nọ,
Ðiền chủ La-môn ấy chính Ta.
Khi các sự thật kết thúc, nhiều vị đắc Sơ quả (Dự lưu) và các đạo quả khác. Con quạ cái chính là Ciñcamānavikā, mặc dù điều này không được nhắc đến trong vần kệ cuối cùng.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.