Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§388. CHUYỆN CON HEO TUṆḌILA (Tuṇḍilajātaka) (J. III. 286)
Em lo chuyện lạ hôm nay...
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo sợ chết.
Vị ấy là một thiện gia nam tử ở thành Sāvatthi (Xá-vệ) và được thọ giới trong giáo pháp, song ông sợ chết và thậm chí nghe một bụi cây hơi lay động, tiếng cành khô rơi hay tiếng chim, tiếng thú, ông cũng hoảng kinh vì sợ chết rồi bỏ chạy, run rẩy toàn thân như con thỏ bị thương ở bụng. Tăng chúng trong pháp đường bắt đầu bàn luận, bảo nhau:
– Này các Hiền giả, vị Tỷ-kheo kia sợ chết, cứ run rẩy bỏ chạy khi nghe dù chỉ là một tiếng động nhỏ. Giờ đây, đối với mọi loài trên thế giới, chết là việc tất nhiên, đời sống không có gì vững bền cả, điều này lại chẳng nên sáng suốt ghi nhớ trong tâm trí hay sao?
Bậc Ðạo sư bước vào thấy đây là đề tài của chư vị, và vị Tỷ-kheo kia công nhận mình hay sợ chết, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, đây không phải lần đầu vị ấy sợ chết đâu.
Và Ngài kể một chuyện quá khứ.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát nhập thai vào một con heo rừng. Khi đến kỳ, heo mẹ sinh hai con heo đực. Một hôm, heo mẹ đem hai con vào nằm trong cái hố. Một bà già ở trong làng tại cổng thành Ba-la-nại đi về nhà với một thúng đầy bông vải hái ngoài đồng và gõ cây gậy xuống đất kêu lốc cốc. Heo cái nghe tiếng động, sợ chết liền bỏ hai con chạy trốn. Bà già thấy hai heo con cảm thấy thương yêu như thể con đẻ của mình, liền bỏ chúng vào thúng và mang về nhà. Sau đó, bà đặt tên heo lớn là Mahātuṇḍila (Heo Lớn Mõm Dài) và heo nhỏ là Cullatuṇḍila (Heo Bé Mõm Dài), rồi nuôi nấng chúng như con đẻ.
Theo thời gian, chúng lớn dần và mập mạp. Khi bà già được ai hỏi bán heo để lấy tiền, bà đáp:
– Chúng là con tôi đấy.
Và bà không muốn bán.
Vào một ngày hội, có những người đàn ông thô tục đang uống rượu nồng; và khi thịt đã hết, họ tìm xem nơi nào có thể mua thịt. Khi thấy có heo trong nhà bà già, họ đem tiền tới nói:
– Mẹ ơi, lấy tiền này rồi cho chúng con một con heo đi.
– Thôi vừa rồi các chú, có ai lại muốn bán con mình cho người ăn thịt chăng?
Bà đáp rồi từ chối bọn họ.
– Mẹ ơi, heo làm sao thành con của người được? Xin mẹ cho chúng con đi nào.
Họ nói thế nhưng cũng không mua heo được, dù cứ hỏi đi hỏi lại mãi.
Sau đó, họ cho bà già uống rượu mạnh, đến khi bà đã say, họ nói:
– Này mẹ, mẹ định làm gì với đám heo này? Lấy tiền đi mà tiêu xài chứ.
Họ dúi số tiền vào tay bà già. Bà nhận tiền và bảo:
– Ta không thể cho các cậu con heo lớn, hãy bắt heo nhỏ đi!
– Nó đâu rồi?
– Nó nằm trong bụi cây kia.
– Gọi nó đi.
– Ta không có thức ăn để gọi nó.
Họ liền bảo đi mua một chảo cơm đem tới ngay. Bà già cầm chảo cơm, đổ đầy vào máng cạnh cửa lớn và đứng đợi gần đó. Ba mươi người đứng gần đó với thòng lọng trong tay. Bà già gọi:
– Này đến đây, Cullatuṇḍila, đến đây!
Heo lớn nghe thế, thầm nghĩ: “Lâu nay mẹ chưa hề gọi heo bé như thế, bao giờ mẹ cũng gọi ta trước. Chắc chắn có gì nguy hiểm xảy ra cho chúng ta hôm nay.” Heo lớn bảo em:
– Này em, mẹ đang gọi em, hãy ra tìm xem!
Heo bé đi ra, thấy những người đang đứng cạnh máng ăn, liền nghĩ: “Hôm nay chắc ta chết mất.” Thế rồi vì sợ chết, nó run rẩy quay lại với anh, và khi đã trở về chỗ cũ, nó cũng không kiềm chế được mình nên cứ quay cuồng run rẩy mãi. Heo lớn thấy vậy bảo:
– Này em, hôm nay em run rẩy quay cuồng nhìn chằm chằm về phía cổng. Tại sao em làm vậy?
Heo bé ngâm vần kệ đầu giải thích sự việc nó đã thấy:
88. Em lo chuyện lạ hôm nay,
Mẹ mình đứng cạnh máng đầy thức ăn,
Người cầm thòng lọng đứng gần,
Ðến ăn chắc hẳn hại thân mình rồi.
Bồ-tát nghe thế bảo:
– Này em heo bé, mục đích mẹ ta nuôi heo bấy lâu nay đến giờ đã thành tựu, thôi đừng buồn khổ nữa.
Rồi với giọng ngọt ngào và vẻ bình thản của một vị Phật, ngài thuyết pháp qua đôi vần kệ:
89. Hãi kinh, cầu cứu, run hoài,
Không ai cứu giúp em đòi trốn đâu?
Ăn đi, heo bé chớ sầu,
Mẹ nuôi ta béo vì cầu thịt heo!
90. Nhào vô ao nước trong veo,
Mồ hôi cấu uế thật nhiều, rửa đi!
Rồi em sẽ thấy diệu kỳ,
Dầu thơm mát dịu không hề biến suy.
Trong khi ngài xem xét thập hạnh viên mãn (Ba-la-mật), ngài đặt từ hạnh viên mãn ra trước mặt làm kim chỉ nam và ngâm hai vần kệ đầu, giọng ngài lan xa tận Ba-la-nại khắp cả mười hai dặm. Ngay lúc nghe giọng ấy, toàn dân Ba-la-nại từ quốc vương, phó vương trở xuống đều đi đến đây, cùng những ai không đến đều đứng nghe trong nhà họ.
Quân sĩ nhà vua chặt hết bụi cây, san bằng mặt đất và rải cát lên. Ðám người thô tục đã tỉnh cơn say rượu, liền quăng bỏ thòng lọng và đứng nghe pháp; bà già nọ cũng tỉnh rượu luôn. Bồ-tát bắt đầu thuyết pháp cho heo bé giữa quần chúng. Heo bé nghe ngài, nghĩ thầm: “Anh ta bảo như vậy với ta, nhưng chúng ta chưa bao giờ có thói quen nhảy vào ao nước, rồi nhờ cách tắm rửa mồ hôi cho sạch thân thể và sau khi tẩy cấu uế cũ, liền tẩm dầu thơm mới vào. Tại sao anh ta lại bảo vậy với ta?” Do đó, heo bé ngâm vần kệ thứ tư:
91. Gì là ao nước pha lê,
Mồ hôi cấu uế nói về điều chi?
Dầu thoa kỳ diệu là gì,
Mùi hương ngào ngạt chẳng khi nào tàn?
Bồ-tát nghe vậy liền bảo:
– Hãy lắng tai nghe đây!
Và ngài ngâm các vần kệ thuyết pháp với dáng an tịnh của một bậc giác ngộ:
92. Pháp là ao nước trong ngần,
Mồ hôi cấu uế lỗi lầm mê si,
Dầu thơm đức hạnh tẩm đi,
Mùi hương mãi mãi chẳng hề tàn phai.
93. Người không sinh mạng là vui,
Người còn sinh mạng bời bời lo toan.
Con người phải chết, chớ buồn,
Hãy vui như hội trăng tròn quanh năm.
Như vậy, Bồ-tát thuyết pháp bằng giọng ngọt ngào với vẻ kỳ diệu của một vị Phật. Ðám đông hàng ngàn người búng ngón tay, vẫy khăn tung hô và bầu không khí vang dậy tiếng reo:
– Tốt lành thay, tốt lành thay!
Vua xứ Ba-la-nại tôn kính mời Bồ-tát lên vương tòa, và làm cho bà già vinh hiển bằng cách truyền tắm hai chú heo với nước tẩm hương, mặc lễ phục, trang điểm vàng ngọc trên cổ và ban cho địa vị các vương tử trong kinh thành. Vì thế, vua bảo vệ hai chú heo với một đoàn quân hộ tống đông đảo.
Bồ-tát dạy ngũ giới cho vua và tất cả dân chúng ở Ba-la-nại cùng dân chúng Kāsi đều giữ ngũ giới. Bồ-tát thuyết pháp cho dân chúng vào các ngày trai giới (mùng tám và rằm) và ngồi xử án. Trong thời gian còn tại thế, không có người nào chịu bản án bất công cả. Sau đó vua băng hà, Bồ-tát cử hành tang lễ cho vua, rồi ngài truyền viết một sách ghi đủ các phán quyết và bảo:
– Các vị phải theo sách này để xử án!
Sau khi thuyết pháp cho quần chúng với nhiệt tâm, ngài cùng chú heo bé đi vào rừng trong lúc quần chúng than khóc kêu gào. Lời thuyết giảng của Bồ-tát lưu truyền suốt sáu mươi ngàn năm sau.
***
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các sự thật. Lúc kết thúc các sự thật, vị Tỷ-kheo sợ chết đã được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Thời ấy, vua là Ānanda, Cullatuṇḍila là Tỷ-kheo sợ chết, quần chúng là Giáo hội của Như Lai và Ta chính là Mahātuṇḍila.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.