Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§383. CHUYỆN KÊ VƯƠNG (Kukkuṭajātaka)[6] (J. III. 265)

Chim có cánh hồng sáng rực sao...

Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo mơ tưởng đời thế tục.

Bậc Ðạo sư hỏi:

– Tại sao ông mơ tưởng đời thế tục?

– Bạch Thế Tôn, chính vì tham dục con đã trông thấy một nữ nhân trang sức diễm lệ.

– Này Tỷ-kheo, nữ nhân cũng như mèo cái, thường dối lừa và tán tỉnh để làm hại kẻ nào đã rơi vào uy lực của họ.

Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm gà trống sống trong rừng với đoàn tùy tùng hàng trăm gà trống khác. Không xa đó có một con mèo cái. Nó đã dùng nhiều mưu kế dụ dỗ nhiều gà trống để ăn thịt, ngoại trừ Bồ-tát, song Bồ-tát vẫn không rơi vào mãnh lực của nó. Mèo cái nghĩ thầm: “Con gà trống này thật tinh khôn, song nó biết đâu là ta cũng tinh khôn và đầy phương tiện tinh xảo. Nếu ta dụ dỗ nịnh hót nó và bảo: ‘Thiếp muốn làm vợ chàng’, rồi sẽ ăn thịt nó khi nó rơi vào tay ta thì tốt biết bao.”

Mèo cái liền đến dưới gốc cây nơi gà trống đậu vừa khẩn cầu gà bằng giọng lưỡi tán tụng vẻ đẹp của gà trống vừa ngâm vần kệ đầu:

57. Chim có cánh hồng sáng rực sao,

Mồng cao rũ xuống đẹp dường bao,

Thiếp nay ước muốn nên chồng vợ,

Bỏ cây xuống với thiếp đây nào!

Bồ-tát nghe vậy suy nghĩ: “Nó đã ăn thịt tất cả họ hàng nhà ta, nay nó lại muốn phỉnh nịnh ta để ăn ta luôn. Ta quyết tìm cách tống nó đi.” Vì thế, ngài ngâm vần kệ thứ hai:

58. Cô nàng quyến rũ, đẹp xinh ôi!

Nàng có bốn chân, tôi chỉ hai,

Chim, thú không bao giờ kết hợp,

Hãy tìm chàng khác thật cân đôi.

Mèo cái liền nghĩ: “Gà trống này tinh khôn khác thường, ta phải quyết dùng mưu này kế nọ dụ nó và ăn thịt nó mới được.” Vì thế, nó ngâm vần kệ thứ ba:

59. Thiếp dâng chàng sắc đẹp thanh xuân,

Lời nói dịu êm nhã nhặn luôn,

Làm vợ quý yêu hay thị nữ,

Tùy nghi đối xử hợp phu quân.

Sau đó, Bồ-tát lại nghĩ: “Tốt nhất là phải mạ lỵ nó và tống cổ nó đi nơi khác”, ngài liền ngâm vần kệ thứ tư:

60. Con mèo hút máu họ nhà gà,

Cướp giết bạo tàn thật xấu xa,

Vợ quý ư? Không hề quý trọng,

Trong lòng mèo lúc tán dương ta.

Mèo cái bị tống đi, từ đó không còn dám nhìn mặt gà được nữa.

***

61. Vậy khi chúng thấy một anh hùng,

Cả bầy nhi nữ thật tinh khôn,

Cố tìm cách để hòng lôi cuốn,

Cứ xem mèo cái với kê vương.

62. Ai không đối phó trước nguy nan,

Đành phải ngã dài ở dưới chân,

Cúi mặt phục tùng ngay địch thủ,

Trong niềm uất hận lẫn đau buồn.

63. Người kịp thời xem xét sự tình,

Gian nguy xảy đến số phần mình,

Như gà trống lánh xa mèo cái,

Cừu địch kia cần tránh thật nhanh.

Ðây là các vần kệ phát xuất từ trí tuệ tối thắng của đức Phật.

***

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các sự thật và nhận diện tiền thân. Vào lúc kết thúc các sự thật, vị Tỷ-kheo thối thất đã được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện tiền thân:

– Thuở ấy, Ta chính là vua gà ấy.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.