Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§382. CHUYỆN THIÊN NỮ SIRI VÀ KĀḶAKAṆṆĪ (Sirikāḷakaṇṇijātaka) (J. III. 257)
Ai đây xanh thẩm hóa đen huyền...
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc). Từ thời ông được an trú vào quả Dự lưu, ông hành trì ngũ giới trọn vẹn. Tất cả vợ con, gia nhân của ông đều làm như vậy.
Một hôm, tại pháp đường, Tăng chúng bắt đầu thảo luận xem ông Cấp Cô Ðộc và gia quyến ông có giữ Thánh đạo thanh tịnh chăng. Bậc Ðạo sư bước vào và được hội chúng trình bày đề tài ấy, Ngài bảo:
– Này các Tỷ-kheo, các bậc trí thời xưa cũng đã giữ cho toàn gia quyến được thanh tịnh.
Và Ngài kể một chuyện đời xưa.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là một thương nhân, bố thí, trì giới và toàn thể con cháu, gia nhân trong nhà cũng làm như vậy. Cho nên ngài được gọi là thương nhân Suciparivāra (toàn gia thanh tịnh). Ngài suy nghĩ: “Nếu có vị nào giữ giới đức thanh tịnh hơn ta đến đây, và ta mời vị ấy ngồi trên ghế của ta hay nằm trên giường của ta thì không thích hợp, mà ta phải mời ngồi trên bảo tòa thanh tịnh chưa ai dùng.” Như thế, ngài dặn gia nhân chuẩn bị một bảo tòa và một bảo sàng mới nguyên đặt vào một bên khách sảnh đặc biệt của ngài.
Vào thời ấy, trên cõi trời Tứ Thiên Vương có hai nàng tiên là: Kāḷakaṇṇī (Bất Hạnh), ái nữ của Virūpakkha (Quảng Mục Thiên vương); và Sirī (Hạnh Phúc), ái nữ của Dhataraṭṭha (Trì Quốc Thiên vương) cùng đem nhiều vòng hoa và hương liệu đi đến hồ Anotatta để vui chơi tại đó.
Bấy giờ, tại hồ đó có nhiều chỗ tắm. Chư Phật có chỗ tắm riêng, các vị Ðộc Giác Phật có chỗ riêng, các Tỷ-kheo có chỗ riêng, các thiên tử sáu tầng trời dục giới (trong đó có Tứ Thiên Vương an trú ở tầng thứ nhất) có chỗ riêng và các thiên nữ có chỗ riêng. Hai thiên nữ này đến đấy và bắt đầu tranh cãi xem ai được tắm trước. Kāḷakaṇṇī nói:
– Ta ngự trì cõi trần, ta tắm trước mới hợp lý.
– Ta cai quản con đường giới hạnh đem lại địa vị tối cao của nhân loại. Ta tắm trước mới hợp lý.
Sirī đáp. Sau đó cả hai đều nói:
– Tứ Thiên vương sẽ biết giữa hai ta ai sẽ phải tắm trước.
Thế là hai nàng đi hỏi các Thiên vương rằng ai giữa hai nàng xứng đáng tắm trước tại hồ Anotatta. Hai Thiên vương Dhataraṭṭha và Virūpakkha đáp:
– Chúng ta không thể quyết định được.
Và hai vị giao phận sự ấy cho Virūḷha (Tăng Trưởng Thiên vương) và Vessavaṇa (Tỳ-sa-môn Thiên vương). Hai vị này cũng bảo:
– Chúng ta không quyết định được, chúng ta muốn đưa chuyện đến bệ kiến Thiên chủ.
Rồi hai vị đưa chuyện đến Thiên chủ Sakka (Đế-thích). Thiên chủ nghe chuyện, thầm nghĩ: “Hai nàng này là ái nữ của Thiên vương chư hầu của ta, ta không thể quyết định được chuyện ấy”, và bảo hai nàng:
– Tại thành Ba-la-nại có một thương nhân tên gọi Suciparivāra, trong nhà vị ấy có đặt sẵn một bảo tòa và một bảo sàng mới nguyên, nàng nào có thể nằm ngồi ở chỗ ấy trước thì xứng đáng là người được tắm trước.
Kāḷakaṇṇī nghe vậy lập tức khoác y phục màu xanh, tẩm dầu thơm màu xanh và tô điểm nữ trang màu xanh (màu xanh tượng trưng cho điềm xấu). Rồi từ thiên giới, nàng giáng trần trên một thạch bàn do chiếc cung thần bắn ra. Sau canh giữa đêm, nàng trụ trên không, tỏa ra một làn ánh sáng xanh không xa vị thương nhân đang nằm trên một bảo tòa trong khách sảnh đặc biệt của lâu đài. Vị thương nhân nhìn lên thấy nàng, song đối với ngài, nàng không có vẻ nhân từ, khả ái. Ngài liền ngâm vần kệ đầu nói chuyện với nàng:
40. Ai đây xanh thẫm hóa đen huyền,
Không khả ái đâu trước mắt nhìn,
Con gái nhà ai, nàng ấy nhỉ,
Làm sao ta biết, hỡi cô tiên?
Nghe lời này, Kāḷakaṇṇī ngâm vần kệ thứ hai:
41. Quảng Mục Thiên vương chính phụ thân,
Kāli là bất hạnh, tai ương,
Xin ngài cho một phòng lưu trú,
Kề cận ngài như dạ ước mong.
Sau đó, Bồ-tát đáp vần kệ thứ ba:
42. Nàng vẫn sống theo giới hạnh gì?
Ðường nào nhân thế bước chân đi?
Ðây là câu hỏi xin nàng đáp,
Ta muốn chú tâm để lắng nghe.
Nàng lại ngâm vần kệ thứ tư, giải thích các đặc tính của nàng:
43. Giả dối, buông lung, cáu kỉnh luôn,
Vong ân, tật đố, dạ xan tham,
Ác nhân, ta giúp thành công để,
Thắng lợi làm cho chúng diệt vong.
Nàng còn ngâm thêm vần kệ thứ năm, thứ sáu và thứ bảy:
44-46. Sân hận lại còn thân thiết hơn,
Giao tranh, phỉ báng, lẫn hung tàn,
Kẻ ngu không biết người lương thiện,
Oán ghét lời khuyên, lẫn thiện nhân.
Người nào hành động trí ngu si,
Bằng hữu thảy đều phải chán chê,
Kẻ ấy với ta là bạn đó,
Ta tìm lạc thú ở người kia.
Lúc ấy, bậc Ðại sĩ ngâm vần kệ thứ tám khiển trách nàng:
47. Kāli, nàng hãy bước đi ngay,
Chẳng có gì vui thú ở đây,
Hãy đến các kinh thành xứ khác,
Biến cho nhanh ra khỏi chốn này!
Kāḷakaṇṇī nghe vậy, buồn rầu ngâm vần kệ đáp lời:
48. Ta vẫn biết ngài rõ lắm thay,
Không gì vui thú ở nơi đây,
Những người ác tạo nhiều mưu kế,
Huynh đệ ta làm biến mất ngay.
Khi nàng đã đi rồi, thiên nữ Sirī xuất hiện với y phục, dầu thơm, nữ trang toàn màu rực rỡ ngay trước cửa phòng khách, vừa tỏa ra một làn ánh sáng toàn màu vàng, nàng đứng trên đất bằng hai chân vững chắc và dáng điệu kính cẩn. Bồ-tát thấy nàng liền ngâm hai vần kệ đầu:
49. Ai đây màu sáng chói thiên thần,
Trên đất bình yên, dáng thật chân,
Con gái nhà ai, nàng ấy nhỉ,
Làm sao ta biết, hỡi tiên nương?
Sirī nghe vậy liền đáp vần kệ thứ hai:
50. Trì Quốc Thiên vương chính phụ thân,
Ta là Hạnh Phúc, trí am tường,
Thế nhân tán tụng, xin an trú,
Để sánh cùng ngài dạ ước mong.
Sau đó ngài hỏi:
51. Nàng vẫn sống theo giới hạnh gì?
Ðường nào nhân thế bước chân đi?
Ðây là câu hỏi xin nàng đáp,
Ta muốn chú tâm để lắng nghe.
Sirī đáp lại:
52. Người nào dù nóng, lạnh, phong ba,
Ðói khát, ruồi gây bệnh, độc xà,
Phận sự ngày đêm làm trọn vẹn,
Ta luôn quý mến, hợp cho ta!
53. Nhã nhặn, thiết thân, hạnh chánh chơn,
Khoan dung, thẳng thắn, tánh không gian,
Đàng hoàng, thiện cảm, lời hiền dịu,
Đạt địa vị cao vẫn nhún nhường,
Có người nam ấy, ta thành trưởng,
Như sóng vỗ cao giữa đại dương.
54. Người nào đối bạn hay cừu nhân,
Đối với người hơn, kém, hoặc bằng,
Có lợi ích hay là chẳng lợi,
Mập mờ đối đãi hoặc công minh,
Người không hề nói lời thô lỗ,
Ta thuộc người này, dẫu tử sinh.
55. Song nếu kẻ ngu được mến thương,
Lại sinh ngạo mạn với kiêu căng,
Con đường bất thiện đầy ngoan cố,
Ta tránh xa như một vũng bùn.
56. Ai có một trong đức tánh trên,
Mà kiêu mạn, thiểu trí cho rằng,
“Sirī yêu dấu mê ta lắm!”
Ta sẽ tránh người như tránh phân.
Ðó là lời giải đáp của Sirī khi được vị thương nhân hỏi. Bồ-tát hoan hỷ trước lời nàng, liền bảo:
– Ðây là sàng tọa thanh tịnh, xứng đáng dành cho nàng. Hãy nằm ngồi lên đó!
Nàng ở lại đến sáng hôm sau giã từ về cõi trời Tứ Thiên Vương và tắm trước tiên tại hồ Anotatta. Sàng tọa được Sirī dùng tên là Sirisaya. Ðó là nguồn gốc của từ sirisayana (bảo tòa, vương sàng) và vì lý do đó, nó được gọi như vậy cho đến ngày nay.
***
Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Vào thời ấy, thiên nữ Sirī là Uppalavaṇṇā (Liên Hoa Sắc) và thương nhân Suciparivāra chính là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.