Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§379. CHUYỆN NÚI NERU (Nerujātaka) (J. III. 246)
Hai chúng ta là loài chim ưu tú...
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một vị Tỷ-kheo.
Chuyện kể rằng, vị ấy học được các phương thức hành thiền của bậc Ðạo sư xong, liền ra một làng ở biên địa. Tại đó, dân chúng hài lòng với phong cách của ông, nên cúng dường thực phẩm, dựng một thảo am ở trong rừng và yêu cầu ông ở lại đó, rồi bày tỏ lòng tôn kính, trọng vọng ông. Nhưng sau đó, họ lại rời bỏ ông để đi theo các đạo sư thuộc phái Thường kiến; rồi lại bỏ các vị này để theo phái Ðoạn kiến; xong lại bỏ phái này để theo phái Khổ hạnh lõa thể, vì đạo sư các phái này cứ lần lượt xuất hiện. Do thế, vị Tỷ-kheo này rất phiền lòng khi sống chung với những người không phân biệt thiện ác kia.
Sau thời an cư mùa mưa và lễ Tự tứ (Pavāraṇā), vị ấy trở về hầu bậc Ðạo sư và khi Ngài hỏi, ông kể lại những nơi ông đã cư trú trong mùa mưa vừa qua và ông đã phải phiền lòng ra sao vì những người không biết thiện ác. Bậc Ðạo sư bảo:
– Các bậc trí ngày xưa, ngay khi còn là loài vật, cũng không sống chung một ngày với những kẻ không biết thiện ác, tại sao ông lại làm như vậy?
Và Ngài kể một chuyện quá khứ.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh làm một chim thiên nga màu vàng óng. Ngài sống cùng em trai trên đỉnh núi Cittakūṭa và ăn lúa dại trên vùng Tuyết Sơn. Một hôm, bay về Cittakūṭa, đôi chim thấy ngọn núi Neru màu vàng rực rỡ liền đến ở trên đỉnh. Chung quanh núi có nhiều loài chim và dã thú cùng sống để kiếm ăn trên bãi. Từ lúc bọn chúng đến đây, tất cả đều nhuộm màu vàng do ánh sáng từ núi chiếu ra. Chim em của Bồ-tát thấy vậy, song không hiểu lý do liền hỏi:
– Vì cớ sao ở đây lại như vậy?
Và chim cất tiếng ngâm hai vần kệ đầu nói chuyện cùng anh:
20-21. Hai chúng ta là loài chim ưu tú,
Trên núi này bên đám quạ, diều hâu,
Cả mọi loài cùng chỉ có một màu,
Chó hạ liệt đua tranh cùng loài hổ,
Và với chúa sơn lâm, đàn sư tử,
Vậy núi này có tên gọi là sao?
Bồ-tát ngâm vần kệ thứ ba đáp lại:
22. Neru là tên gọi núi tối cao,
Ở nơi đây muôn loài đều vàng óng.
Chim em nghe lời này liền ngâm ba vần kệ tiếp còn lại:
23-25. Hễ nơi nào thiện nhân không được trọng,
Hoặc ít hơn người khác, hãy đi liền,
Dẫu hiền, ngu, can đảm hoặc ươn hèn,
Ðều nhất loạt được tôn sùng bình đẳng,
Thiện nhân chẳng thể cùng ngươi chung sống.
Hỡi núi cao không phán đoán phân minh!
Dầu tối ưu, hạ liệt hoặc trung bình,
Neru cũng chẳng thể nào suy xét,
Vậy hỡi ôi! Chúng ta đành từ biệt,
Núi Neru không biết lẽ biệt phân.
Cùng với lời này, cả đôi chim bay về núi Cittakūṭa.
***
Khi chấm dứt pháp thoại, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các sự thật. Lúc kết thúc các sự thật, vị Tỷ-kheo kia đã được an trú vào Sơ quả (Dự lưu). Rồi Ngài nhận diện tiền thân:
– Vào thời ấy, thiên nga em là Ānanda và thiên nga anh chính là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.