Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§378. CHUYỆN BÀ-LA-MÔN DARĪMUKHA (Darīmukhajātaka) (J. III. 238)

Dục lạc chỉ là vũng bùn dơ bẩn...

Chuyện này bậc Ðạo sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về đại sự xuất thế.

Sự tình dẫn đến chuyện này đã được kể trước kia.

***

Một thuở nọ, vua xứ Magadha trị vì tại thành Rājagaha (Vương Xá). Bồ-tát được sinh làm con của chánh hậu, được đặt tên Vương tử Brahmadatta. Vào ngày ngài ra đời, vị tế sư của hoàng gia cũng sinh một nam tử, diện mạo tuấn tú, vì thế được đặt tên là Darīmukha (Miệng Hang Lớn). Cả hai cùng lớn lên trong cung đình và trở thành bạn thân. Năm mười sáu tuổi, hai vị đến Takkasilā học đủ mọi môn nghệ thuật. Sau đó, muốn tạo được các kiến thức có công dụng thực tiễn và tìm hiểu phong tục trong nước, hai vị du hành qua nhiều thành phố, thôn làng khắp mọi miền.

Vì vậy, hai vị đến Ba-la-nại trú ở trong một ngôi đền và hôm sau vào kinh thành khất thực. Có một nhà trong kinh thành đã nấu xong cháo gạo và chuẩn bị chỗ ngồi để cúng dường phần thức ăn cho các Bà-la-môn. Khi họ thấy hai nam tử này khất thực, họ nghĩ: “Các Bà-la-môn đã đến”, liền mời vào và trải một tấm vải trắng tinh nơi chỗ ngồi của Bồ-tát và một thảm đỏ nơi chỗ ngồi của Darīmukha. Chàng quan sát điềm này và hiểu ngay thân hữu chàng sẽ làm vua ở Ba-la-nại và chính chàng sẽ làm đại tướng. Hai vị thọ thực xong phần mình rồi nói lời tùy hỷ công đức và ra đi về ngự viên. Bồ-tát nằm trên sàng tọa bằng đá của vua, còn Darīmukha ngồi xoa chân ngài.

Thời ấy, vua xứ Ba-la-nại băng hà đã bảy ngày. Vị tế sư hoàng gia làm lễ hỏa táng xong liền đưa vương xa ra khỏi thành suốt bảy ngày vì chưa có ai kế vị ngai vàng. Lễ rước vương xa này sẽ được giải thích trong Chuyện Đại vương Mahājanaka.[2] Vương xa rời kinh thành và đến cổng ngự viên, được bốn đạo quân xa, pháo, mã, tượng hộ tống và âm nhạc của hàng trăm nhạc khí trỗi dậy vang lừng.

Darīmukha nghe tiếng nhạc, nghĩ thầm: “Vương xa đến rước thân hữu ta đó, ngài sẽ lên ngôi vua hôm nay và phong ta chức đại tướng, song ta có nên làm người thế tục chăng? Ta muốn đi ngay làm ẩn sĩ khổ hạnh.” Vì thế, không nói gì với Bồ-tát, chàng chạy sang một bên đứng ẩn mình.

Vị tế sư ngừng xe trước cổng ngự viên, vừa bước vào thấy Bồ-tát đang nằm trên bảo tòa của hoàng gia. Vừa quan sát các tướng tốt trên chân ngài, ông nghĩ: “Ngài có đủ đức độ và xứng đáng làm vua cả bốn đại châu cùng với hai ngàn hải đảo vây quanh. Song lòng can đảm của ngài ra sao đây?” Vì thế, ông ra lệnh mọi nhạc khí đồng trỗi dậy hết sức inh ỏi. Bồ-tát thức dậy, giở tấm khăn ra khỏi mặt và thấy đám đông. Rồi che mặt lại, ngài nằm xuống thêm chút nữa, xong trở dậy ngồi xếp bằng trên sàng tọa trong lúc xe vừa dừng lại. Vị tế sư quỳ xuống thưa:

– Tâu Chúa thượng, quốc độ được nhường cho Chúa thượng.

– Sao? Không ai kế vị à?

– Tâu Chúa thượng, không.

– Thế thì tốt lắm.

Vậy là ngài nhận lời thỉnh cầu và hội chúng làm lễ Quán đảnh rảy nước thánh lên đầu ngài tại ngự viên. Trong giờ phút đại vinh quang ấy, ngài quên bẵng Darīmukha, ngài ngự lên vương xa đi giữa quần thần, uy nghi diễu vòng quanh kinh thành. Sau đó, dừng lại trước cung môn, ngài chỉ định vị trí của các triều thần xong bước lên lầu thượng.

Cùng lúc ấy, Darīmukha thấy ngự viên đã vắng người liền bước ra ngồi trên bảo tòa trong vườn. Một ngọn lá khô rơi xuống trước mặt Ngài. Thấy rõ các quy luật lão tử, Ngài bừng ngộ tam pháp ấn (vô thường, khổ, vô ngã) và chứng đắc quả vị Ðộc Giác Phật (Pacceka Buddha), liền reo mừng hoan hỷ làm vang dậy cả cõi trần. Ngay lập tức, các đặc tính của một phàm nhân biến mất khỏi thân Ngài, một bình bát và một tấm y kỳ diệu từ cõi thiên rơi xuống khoác vào người và Ngài có đủ tám món cần thiết cùng tứ oai nghi hoàn thiện của một Sa-môn cả trăm tuổi. Rồi nhờ thần lực, Ngài bay qua không gian đến tận động Nandamūla, nơi an trú của các vị Ðộc Giác Phật tại miền Tuyết Sơn.

Phần Bồ-tát trị nước rất chân chánh. Song cảnh đại vinh quang đã làm ngài say đắm suốt bốn mươi năm ròng. Ngài quên hẳn Darīmukha. Ðến năm thứ bốn mươi ấy ngài nhớ lại bạn và tự bảo: “Trẫm có thân hữu tên là Darīmukha, nay vị ấy ở đâu?” Ngài mong ước gặp lại bạn. Từ đó về sau, ngay trong hậu cung hay giữa quần thần, ngài thường bảo:

– Thân hữu Darīmukha nay ở đâu? Trẫm sẽ ban vinh hoa phú quý cho ai báo tin với trẫm về nơi bạn hiền cư trú.

Lại mười năm nữa trôi qua từ khi ngài thỉnh thoảng nhớ đến bạn. Còn Tôn giả Darīmukha đã trở thành Ðộc Giác Phật, sau năm mươi năm, suy xét lại và biết bạn cũng đang nhớ đến mình, Ngài liền nghĩ: “Nay bạn Ta đã già và tăng thêm đàn con cháu, Ta muốn đi thuyết pháp và truyền giáo cho bạn.”

Nhờ thần lực, Ngài bay qua không gian và hạ mình xuống vườn ngự uyển, ngồi xuống bảo tòa như một bức tượng vàng ròng. Người giữ vườn thấy Ngài, đi đến hỏi:

– Thưa Ngài, Ngài từ đâu đến?

– Từ động Nandamūla.

– Thế Ngài là ai?

– Hiền giả, Ta là Phật Ðộc Giác Darīmukha.

– Thưa Ngài, thế Ngài biết đức vua của chúng tôi chăng?

– Ta biết. Ngài là thân hữu từ thời Ta còn ở thế tục.

– Thưa Ngài, đức vua ước ao hội kiến Ngài, tôi xin đi trình báo đức vua rằng Ngài đã đến.

– Hiền hữu cứ đi làm như vậy.

Người làm vườn liền đi trình vua rằng Tôn giả Darīmukha đã đến và hiện đang ngồi trên thạch tọa. Vua phán:

– Thế là Hiền hữu của trẫm đã đến, trẫm sẽ đi hội kiến ngay.

Vì vậy, ngài ngự lên vương xa cùng đoàn tùy tùng hộ tống đông đảo đến ngự viên, cung kính đảnh lễ vị Ðộc Giác Phật và ngồi xuống một bên. Vị Ðộc Giác Phật bảo:

– Này Brahmadatta, Ðại vương nên trị nước chân chánh, đừng bao giờ theo ác đạo hay đàn áp dân chúng vì tiền bạc. Hãy làm mọi thiện sự với lòng nhân từ!

Và sau đó, khi ân cần đáp lễ, Ngài bảo thêm:

– Này Brahmadatta, nay Ðại vương đã già, đã đến lúc Ðại vương nên từ giã dục lạc và xuất gia.

Như thế, Ngài thuyết pháp và ngâm vần kệ đầu:

14. Dục lạc chỉ là vũng bùn dơ bẩn,

“Nỗi kinh hoàng ba gốc” được gọi là,

Ta bảo rằng khói bụi với sương sa,

Hãy bỏ chúng, xuất gia lìa thế tục!

Nghe vậy, vua ngâm vần kệ giải thích ngài vẫn đang bị tham dục ràng buộc:

15. Trẫm say đắm, lún sâu bùn tham dục,

Bà-la-môn, dục lạc đáng khinh thay,

Song yêu đời, trẫm không thể bỏ ngay,

Trẫm xin nguyện suốt đời làm thiện sự.

Sau đó, mặc dù Bồ-tát bảo: “Ta không muốn thọ giới xuất gia”, Độc Giác Phật Darīmukha cũng không bài bác vua và khích lệ lần nữa:

16. Ai bác bỏ lời bạn hiền khuyên nhủ,

Thương xót và mong bạn tránh đọa đày,

Cứ tưởng rằng: “Cõi thế tốt lành thay”,

Sẽ không dứt tái sanh đầu thai mãi.

17. Nơi đày đọa đáng khinh: Phần kẻ ấy,

Ðầy vật dơ, bị người thiện chê bai,

Kẻ tham kia dục vọng chẳng hề rời,

Thân xác chứa ngập đầy mầm nhục dục.

Như vậy, Ðộc Giác Phật Darīmukha nêu rõ sự khổ đau do nhập thai và vội vàng bày tỏ nỗi khổ đau vì sinh sản qua một vần kệ nữa:

18. Ðầu máu mủ, vật hôi tanh thế tục,

Mọi hữu tình đều phải chịu tái sanh,

Những vật gì xúc chạm suốt đời mình,

Chỉ cốt để đem khổ đau trần giới.

19. Ta nói lên những điều ta trông thấy,

Chứ không lo người khác nói ta nghe,

Ta nhớ rành các đời kiếp xưa kia.

***

Lúc bấy giờ, với trí tuệ tối thắng, bậc Ðạo sư bảo:

– Như thế, vị Ðộc Giác Phật đã dùng thiện ngôn cứu giúp nhà vua.

Và Ngài ngâm nửa vần kệ kết thúc:

Darīmukha đã rót vào tai bạn,

Bậc thiện tuệ lắm vần kệ ngọt ngào,

Hiển bày ra cả trí tuệ tối cao.

***

Vị Ðộc Giác Phật bày tỏ mọi khổ đau của tham dục và làm vua hiểu lời Ngài dạy xong, liền nói:

– Thưa Ðại vương, dù Ðại vương có thọ giới xuất gia hay không, Ta cũng đã nói hết nỗi khốn cùng của tham dục và hạnh phúc của đời xuất gia, xin Ðại vương hãy tinh cần.

Rồi giống như một con Kim nga vương, Ngài bay bổng lên không, lướt mây về đến động Nandamūla. Còn bậc Ðại sĩ đảnh lễ với mười ngón tay chắp vào nhau, và cúi đầu đứng yên cho tới khi Ngài khuất bóng. Sau đó, vua từ bỏ dục lạc, trong lúc quần chúng đông đảo than khóc kêu gào, ngài đi đến vùng Tuyết Sơn dựng một lều lá và thọ giới làm ẩn sĩ. Chẳng bao lâu, ngài thành đạt các thắng trí và các thiền chứng; rồi lúc mạng chung, ngài được sinh lên cõi Phạm thiên.

***

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Ðạo sư tuyên thuyết các sự thật, sau đó nhiều Tỷ-kheo đắc Sơ quả cùng các quả vị kia và Ngài nhận diện tiền thân:

– Thời ấy, nhà vua chính là Ta.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.