Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§367. CHUYỆN CON SÁO (Sāliyajātaka) (J. III. 202)
Kẻ nào khiến bè bạn...
Câu chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Trúc Lâm về một lời nói rằng Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) đến cả kêu cứu cũng không thể được.
***
Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta đang trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sanh ra trong nhà một gia chủ ở làng. Khi còn trẻ, ngài chơi đùa với các cậu trai khác dưới một gốc cây ở cổng làng. Bấy giờ, có một y sĩ già nghèo khổ, không có việc làm, lang thang ra khỏi làng và đến nơi ấy, trông thấy một con rắn nằm ngủ giữa nhánh chạc của một cây nọ, đầu rúc vào trong. Ông ta nghĩ: “Ta chẳng được gì ở trong làng cả. Ta sẽ dụ tụi bé con này, khiến cho con rắn cắn chúng và thế là ta sẽ được thứ gì đó vì đã chữa chúng.” Vì thế, ông ta bảo Bồ-tát:
– Nếu cháu tình cờ trông thấy con sáo con, cháu có bắt nó không?
Bồ-tát đáp:
– Vâng, cháu bắt chứ.
Lão già bảo:
– Xem kìa, một con đang nằm giữa nhánh chạc của cây này đấy.
Không biết rằng đó là một con rắn, Bồ-tát trèo lên cây và chộp lấy cổ nó, nhưng khi thấy rằng đấy là một con rắn thì ngài không để cho nó quay lại phía ngài, mà kiềm chế lấy nó và ném vung nó ra xa. Con rắn rơi vào cổ của ông y sĩ già, cuốn quanh ông, cắn ông thật nặng đến nỗi răng nó cắm sâu vào thịt ông, lão già ngã xuống chết ngay tại chỗ, còn con rắn thoát đi. Mọi người xúm quanh bậc Ðại sĩ và khi giảng pháp cho đám đông ấy, ngài đọc các bài kệ sau:
90. Kẻ nào khiến bè bạn, Bắt con rắn độc tàn,
Bảo đây là sáo con, Chính kẻ dạy ác này,
Phải chết vì rắn cắn.
91. Kẻ nào muốn giết chết, Người không cướp, giết ai,
Kẻ ấy chết nằm dài, Như kẻ bị rắn cắn.
92. Kẻ nào muốn giết chết, Người không cướp, hại ai,
Kẻ ấy chết nằm dài, Như kẻ bị rắn cắn.
93. Như người cầm nắm bụi, Tung lên ngược chiều gió,
Bụi làm hại người này, Kẻ rắn cắn cũng vậy.
94. Kẻ nào gây tai họa, Trong sạch và vô tội,
Họa ác quay trở lại, Cho chính kẻ ngu này,
Như bụi bay trở lại, Khi tung ngược cuồng phong.[11]
***
Bậc Ðạo sư chấm dứt bài giảng ở đây và nhận diện tiền thân:
– Bấy giờ, ông y sĩ già nghèo khổ là Devadatta, và cậu thiếu niên khôn ngoan là Ta.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.