Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§361. CHUYỆN SẮC ĐẸP (Vaṇṇārohajātaka)[1] (J. III. 190)

Có phải chăng Sudāṭha nói...

Câu chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về hai vị Ðại đệ tử.

Một lần nọ, hai vị Đại Trưởng lão quyết định suốt trong mùa mưa sẽ chuyên tâm độc cư. Vì vậy, họ từ biệt bậc Ðạo sư, rời Tăng chúng, đi khỏi Kỳ Viên, tự tay mang theo y bát và đến sống trong một khu rừng gần một làng ở biên địa.

Một người đàn ông nọ phục vụ hai vị Trưởng lão và sống bằng các thức ăn thừa của họ, cũng ở riêng một nơi trong khu ấy. Khi thấy hai vị Trưởng lão sống với nhau một cách hạnh phúc như thế, anh ta nghĩ:

– Chẳng biết ta có làm cho họ bất hòa không nhỉ!

Thế là anh ta đến gần Trưởng lão Sāriputta (Xá-lợi-phất) và bảo:

– Thưa Tôn giả, có thể có sự cãi cọ nào giữa ngài và Ðại Trưởng lão Moggallāna (Mục-kiền-liên) không?

Trưởng lão hỏi:

– Vì sao ông bảo thế?

– Thưa Thánh giả, vị ấy chê bai ngài và bảo: “Khi ta vắng, Sāriputta có gì xứng đáng để so sánh với ta về đẳng cấp, dòng dõi, gia đình và xứ sở hoặc về năng lực chứng đạt các Thánh điển!”

Vị Trưởng lão mỉm cười và đáp:

– Ði đi, ông bạn!

Một hôm khác, người ấy lại đến gần Ðại Trưởng lão Moggallāna và cũng bảo như thế. Vị này cũng mỉm cười và nói:

– Ði đi, ông bạn!

Moggallāna đến gặp Sāriputta và hỏi:

– Ông bạn sống bằng các thứ dư thừa của chúng ta ấy có nói gì với Hiền giả không?

– Vâng, có đấy, Hiền giả ạ.

– Và ông ta cũng nói đúng như thế với tôi. Chúng ta phải đuổi ông ta đi.

– Tốt lắm Hiền giả, hãy đuổi ông ta đi!

Trưởng lão bảo:

– Ông không được đến đây.

Và búng tay tỏ ra khinh miệt anh ta, ngài đuổi anh ta đi. Hai vị Trưởng lão sống hạnh phúc với nhau, và khi quay về với bậc Ðạo sư, họ đảnh lễ Ngài và ngồi xuống. Bậc Ðạo sư ân cần nói chuyện với họ và hỏi họ có sống thời biệt cư của họ một cách hỷ lạc không. Họ bạch:

– Có một anh hành khất kia muốn làm cho chúng con bất hòa nhưng mưu toan thất bại, anh ta đã chạy xa rồi.

Bậc Ðạo sư dạy:

– Thực thế, này Sāriputta, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, anh ta đã nghĩ cách làm cho các ông bất hòa nhưng mưu toan thất bại, anh ta đã chạy xa.

Rồi do thỉnh cầu của các Trưởng lão, Ngài kể một chuyện thời xưa.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta đang trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị thần cây trong một khu rừng. Bấy giờ, có một con sư tử và một con hổ sống trong một cái động núi ở khu rừng ấy. Một con chó rừng hầu hạ chúng và nhờ sống bằng thịt ăn thừa của chúng, nó bắt đầu mập ra.

Thế rồi một hôm, nó chợt nghĩ: “Ta chưa bao giờ ăn thịt một con sư tử hay một con hổ. Ta phải làm cho hai con này bất hòa với nhau và kết quả của việc tranh cãi nhau là chúng phải chết, bấy giờ ta sẽ ăn thịt chúng.”

Thế là nó đến gần sư tử và nói:

– Thưa ngài, có sự tranh cãi nào giữa ngài và hổ không?

– Sao anh bảo thế?

Chó rừng nói:

– Thưa ngài, hổ chê bai ngài và bảo: “Khi ta đi vắng, tên sư tử này sẽ chẳng bao giờ được bằng một phần mười sáu sắc đẹp của ta, vóc dáng và vòng ngực của ta, sức mạnh và quyền năng tự nhiên của ta.”

Bấy giờ, sư tử nói với nó:

– Xéo đi, hổ sẽ chẳng bao giờ nói ta như thế!

Thế rồi, chó rừng cũng đến gần hổ và nói theo cách ấy. Khi nghe nó nói, hổ chạy đến sư tử và hỏi:

– Này bạn, có thật rằng bạn đã nói về tôi như thế, như thế?

Rồi hổ đọc bài kệ đầu:

60. Có phải chăng Sudāṭha nói,

“Ðẹp sang về dòng dõi, hình dung,

Oai hùng, quyền lực trong vùng,

Subāhu cũng phải nhường thua tôi?”

Nghe thế, Sudāṭha (Sư Tử) đọc bốn bài kệ còn lại:

61. Có phải chăng Subāhu nói,

“Ðẹp sang về dòng dõi, hình dung,

Oai hùng, quyền lực trong vùng,

Sudāṭha cũng phải nhường thua tôi?”

62. Nếu lời bạn chê bai như vậy,

Thì bạn đâu còn phải bạn tôi!

Chuyện tầm phào lắng nghe rồi,

Sẽ gây tranh cãi với người bạn ta.

63. Và trong thù hận cay chua,

Mối tình thân hữu sẽ là đứt ngang,

Ðã là bè bạn tương thân,

Ai đâu nghi ngại chẳng nhân cớ nào,

Ai đâu tìm vạch gắt gao,

Những điều lầm lỗi của nhau làm gì!

64. Niềm tin bạn, ta thì vẫn giữ,

Như trẻ thơ tin vú mẹ thân,

Chẳng vì kẻ lạ nói năng,

Mà đành có lúc tách phân bạn lòng.[2]

Khi bốn bài kệ ấy đã nêu lên phẩm cách của một bạn thân, hổ nói:

– Tôi có lỗi.

Và nó xin lỗi sư tử. Sau đó, chúng cùng nhau sống hạnh phúc tại nơi ấy. Còn chó rừng ra đi và tìm đến nơi khác.

***

Sau khi chấm dứt bài dạy, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:

– Bấy giờ, con chó rừng kia là người hành khất sống bằng thức ăn thừa, con sư tử là Sāriputta, con hổ là Moggallāna, còn vị thần sống trong rừng ấy và chứng kiến tận mắt toàn bộ chuyện này là Ta.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.