Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§360. CHUYỆN HOÀNG HẬU SUSSONDĪ (Sussondijātaka)[14] (J. III. 187)

Tôi ngửi thấy mùi hương rừng rậm...

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo thối thất.

Bậc Ðạo sư hỏi có thật ông ta thèm muốn đời thế tục và ông ta thấy điều gì khiến ông ta ân hận đã thọ giới. Vị Tỷ-kheo trả lời:

– Tất cả là do nét yêu kiều của một phụ nữ.

Bậc Ðạo sư dạy:

– Thật thế, này Tỷ-kheo, không thể nào canh phòng được phụ nữ. Các bậc Hiền trí ngày xưa, dù họ thận trọng ở tại trú xứ của loài Garuḍa (Kim Sí điểu, chim thần Cánh Vàng), họ cũng không thể canh giữ phụ nữ.

Rồi do Tỷ-kheo ấy thỉnh cầu, Ngài kể một chuyện thời xưa.

***

Ngày xưa, khi Vua Tamba trị vì Ba-la-nại, chánh hậu tên là Sussondī, là một phụ nữ đẹp tuyệt vời.

Bấy giờ, Bồ-tát sanh ra là một chim thần Garuḍa trẻ. Bấy giờ, đảo Nāga (Long Thần) được gọi là đảo Seruma. Ngài đến Ba-la-nại giả nam trang và chơi xúc xắc với Vua Tamba. Nhận thấy sắc đẹp của ngài, người ta bảo Sussondī:

– Một trang thanh niên như thế, như thế, thường chơi xúc xắc với đức vua.

Nàng ao ước được thấy ngài. Rồi một hôm, nàng trang điểm thật đẹp và đi đến phòng đánh xúc xắc. Ðứng nơi ấy, trong những người hầu cận, nàng nhìn đăm đăm vào chàng thanh niên. Chàng cũng nhìn đăm đăm vào hoàng hậu và cả hai đâm ra yêu nhau. Vua chim thần Garuḍa dùng thần lực, khởi lên một cơn bão ập vào thành phố. Mọi người vì sợ nhà sập đã phóng chạy ra khỏi cung điện. Với quyền năng, Vua Garuḍa khiến cho cung điện tối đen rồi mang hoàng hậu theo mình bay lên không về chỗ trú ngụ của riêng mình ở đảo Nāga. Nhưng chẳng ai biết việc đi hay đến của Sussondī.

Vua Garuḍa vui thú với nàng và vẫn đến chơi xúc xắc với Vua Tamba. Bấy giờ, Vua Tamba có một nhạc công tên là Sagga. Không biết hoàng hậu đã đi đâu, vua gọi nhạc công ấy lại và nói:

– Bây giờ ngươi hãy khám phá xem điều gì đã xảy ra cho hoàng hậu!

Nói thế xong, vua truyền lệnh cho Sagga ra đi.

Sagga mang theo các thứ cần thiết cho cuộc hành trình và khởi sự tìm kiếm từ cổng thành, cuối cùng chàng đến Bharukaccha.[15] Lúc ấy, các thương gia ở Bharukaccha đang giương buồm đi đến vùng Kim Ðịa. Chàng đến gần họ và nói:

– Tôi là một nhạc công. Nếu các ông miễn tiền tàu cho tôi thì tôi sẽ làm như một nhạc công của các ông. Hãy mang tôi theo với!

Họ chấp thuận như thế, cho chàng lên tàu và nhổ neo. Khi thuyền đi được khá xa, họ gọi chàng và bảo chàng trỗi nhạc cho họ nghe. Chàng nói:

– Tôi muốn trỗi nhạc nhưng nếu làm thế, cá sẽ bị kích động đến nỗi thuyền của các ông sẽ chìm đấy.

Các thương gia nói:

– Nếu chỉ là một con người tầm thường trỗi âm nhạc thì chẳng có gì kích động đến phía cá. Cứ chơi nhạc đi cho chúng tôi nghe.

– Thế thì đừng tức giận tôi nhé!

Nói xong, chàng lên dây đàn, giữ cho lời ca hài hòa toàn hảo với tiếng dây đàn đệm theo rồi trỗi nhạc cho họ nghe. Bọn cá điên cuồng khi nghe âm thanh ấy và quẫy tung cả lên. Một con hải quái nhảy vọt lên, rơi vào thuyền và làm thuyền vỡ đôi.

Sagga nằm trên một tấm ván được gió đẩy đi cho đến khi chàng dạt vào một cây đa ở đảo Nāga, nơi vua chim thần Garuḍa ở. Bấy giờ, Hoàng hậu Sussondī, như mỗi lần vua chim thần Garuḍa đi chơi xúc xắc, vẫn từ nhà đi xuống và đi lang thang dọc bãi biển, nàng trông thấy và nhận ra nhạc công Sagga, nàng bèn hỏi chàng đến đây bằng cách nào. Chàng kể lại toàn bộ câu chuyện cho nàng nghe. Nàng an ủi chàng và nói:

– Ðừng sợ.

Rồi ôm chàng trong đôi cánh tay, nàng đem chàng về chỗ nàng ở, và đặt chàng nằm trên một chiếc trường kỷ. Khi chàng phục hồi đầy đủ sức lực, nàng cho chàng ăn những thức ăn của thần tiên, tắm chàng trong nước hoa thần tiên, mặc cho chàng những y phục thần tiên và trang sức cho chàng bằng những bông hoa có mùi thơm thần tiên và để chàng nằm trên một sàng tọa thần tiên. Nàng săn sóc chàng như thế, và mỗi khi vua chim thần Garuḍa trở về, nàng đem giấu người yêu, và ngay khi vua ra đi, do ảnh hưởng của đam mê, nàng hưởng lạc thú với chàng.

Một tháng rưỡi sau, một số thương gia cư ngụ ở Ba-la-nại ghé lên dưới gốc cây đa trong đảo này để lấy củi và nước. Chàng nhạc công lên thuyền với họ và về tới Ba-la-nại đúng vào lúc chàng thấy vua đang chơi xúc xắc, chàng liền cầm đàn, tấu nhạc và đọc bài kệ đầu:

55. Tôi ngửi thấy mùi hương rừng rậm,

Tôi nghe ra biển thẳm rền la,

Vì tình tôi khổ, Tamba,

Sussondī đẹp cách xa tôi rồi!

Nghe thế, Vua Garuḍa đọc bài kệ thứ hai:

56. Biển bão tố, sao người qua được,

Seruma mà vẫn an hòa?

Cách nào, hãy nói, Sagga,

Sussondī đẹp, người đà đến ngay?

Bấy giờ, Sagga đọc ba bài kệ tiếp theo:

57. Từ Bharukaccha, Cùng với đoàn thương gia,

Thuyền tôi đi bị đắm, Vì hải quái gây ra,

Tôi nhờ vào tấm ván, Mà ghé được vào bờ.

58. Một hoàng hậu thơm tho, Với bàn tay dịu hiền,

Nhẹ nhàng nâng tôi lên, Ðặt tôi vào đầu gối,

Hẳn như tôi lúc ấy, Là con thực của nàng.

59. Nàng cho mặc, cho ăn, Và khi tôi nằm đấy,

Nàng nhìn chỗ tôi nằm, Bằng đôi mắt đắm đuối,

Suốt cả ngày như vậy, Chúa Tamba nên biết,

Ðây lời thực tôi trình.

Khi chàng nhạc công nói như thế, vua chim thần Garuḍa vô cùng ân hận và nói:

– Dù ở tại trú xứ của chim thần Garuḍa, ta cũng không thể giữ nàng an toàn được. Người đàn bà xấu xa này đối với ta còn ra gì nữa?

Do đó, Vua Garuḍa mang nàng về trả lại cho Vua Tamba rồi bỏ đi và từ đó không quay lại nữa.

***

Sau khi chấm dứt bài giảng, bậc Ðạo sư tuyên thuyết tứ đế. Khi Ngài kết thúc tứ đế, vị Tỷ-kheo có tâm trần tục kia đắc quả Dự lưu. Sau đó, Ngài nhận diện tiền thân:

– Bấy giờ, Ānanda là vua ở Ba-la-nại, còn Ta là vua chim thần Garuḍa.

  1. Xem J. II. 401, Seyyajātaka (Chuyện điều tốt hơn), số §282; J. III. 15, Ekarājajātaka (Chuyện vị Thánh vương), số §303.

  2. Xem Mnid. 116, Jarāsuttaniddeso (Diễn giải kinh về sự già); MNid. 401, Attadaṇḍasuttaniddeso (Diễn giải kinh uế hạnh của bản thân).

  3. Xem PvA. 38, Goṇapetavatthuvaṇṇanā (Chú giải Chuyện ngạ quỷ bò).

  4. Xem J. III. 214, Migapotakajātaka (Chuyện chú nai con), số §372; J. III. 389, Somadattajātaka (Chuyện voi con Somadatta), số §410; J. IV. 84, Ghatajātaka (Chuyện Trí giả Ghata), số §454; VvA. 322, Maṭṭhakuṇḍalīvimānavaṇṇanā (Chú giải Chuyện lâu đài của vị thiên tử đeo vòng tai sáng chói); PvA. 38, Goṇapetavatthuvaṇṇanā (Chú giải Chuyện ngạ quỷ bò); PvA. 93, Kaṇhapetavatthuvaṇṇanā (Chú giải Chuyện ngạ quỷ Đại vương Kaṇha); PvA. 93, Maṭṭhakuṇḍalīpetavatthuvaṇṇanā (Chú giải Chuyện ngạ quỷ đeo vòng tai sáng chói); PvA. 161, Ubbaripetavatthuvaṇṇanā (Chú giải Chuyện ngạ quỷ Hoàng hậu Ubbari).

  5. Bản Tích Lan và Campuchia viết Dhonasākhajātaka. Bản CST và Thái Lan viết Venasākhajātaka. Xem J. II. 202, Cullanandiyajātaka (Chuyện con khỉ Cullanandiya), số §222.

  6. Xem Pv. 13, Uragapetavatthu (Chuyện ngạ quỷ rắn), PvA. 61, Uragapetavatthuvaṇṇanā (Chú giải Chuyện ngạ quỷ rắn).

  7. Xem J. III. 14, Ekarājajātaka (Chuyện vị Thánh vương), số §303.

  8. Xem Dh. v. 98; S. I. 232, Rāmaṇeyyakasutta (Kinh Khả ái, khả lạc); Thag. v. 981, Sāriputtattheragāthā (Kệ ngôn của Trưởng lão Sāriputta); Pháp cú kinh “La-hán phẩm” 法句經羅漢品 (T.04. 0210.15. 0564a28); Pháp cú thí dụ kinh “La-hán phẩm” 法句譬喻經羅漢品 (T.04. 0211.15. 0588b10); Xuất diệu kinh “Song yếu phẩm” 出曜經雙要品 (T.04. 0212.30. 0747c06).

  9. Bản Tích Lan, Thái Lan viết Kāraṇḍiyajātaka. Bản CST viết Koraṇḍiyajātaka.

  10. Xem J. II. 66, Daddarajātaka (Chuyện núi Daddara), số §172.

  11. Xem J. III. 40, Khantivādijātaka (Chuyện đạo lý kham nhẫn), số §313.

  12. Xem J. II. 199, Cullanandiyajātaka (Chuyện con khỉ Cullanandiya), số §222.

  13. Xem J. III. 370, Mahākapijātaka (Chuyện đại hầu vương), số §407.

  14. Bản Tích Lan và Thái Lan viết Susandhijātaka. Bản CST viết Suyonandījātaka. Xem J. III. 91, Kākātijātaka (Chuyện Hoàng hậu Kākāti), số §327.

  15. Bản Tích Lan viết Bharukacchā. Bản CST viết Kurukacchā.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.