Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§356. CHUYỆN NAM TỬ KĀRAṆḌIYA (Kāraṇḍiyajātaka)[9] (J. III. 170)
Sao một mình trong rừng...
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về Tướng quân Chánh pháp Sāriputta.
Tương truyền, khi có bọn người ác như thợ săn, chài lưới, v.v... đến với ngài, Trưởng lão đều giảng đạo đức cho họ, và ngài cũng truyền giới cho bất cứ ai mà ngài có dịp gặp. Ngài bảo:
– Hãy nhận giới!
Do lòng tôn kính Trưởng lão, họ không thể cưỡng lời ngài nên nhận lời. Và khi nhận giới xong, họ không thể hành trì mà ai nấy cứ tiếp tục theo lối làm ăn riêng của mình. Trưởng lão đến thổ lộ với chúng Tỷ-kheo để hỏi ý kiến:
– Này các Hiền giả, những người ấy được tôi truyền giới nhưng không hành trì.
Các Tỷ-kheo trả lời:
– Thưa Tôn giả, ngài truyền giới cho họ trái với mong ước của họ và vì họ không dám cưỡng lại lời ngài nên họ chấp nhận đấy thôi. Từ nay, ngài chớ truyền giới cho những người như thế!
Trưởng lão không thuận ý. Nghe được chuyện ấy, các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán trong pháp đường cách Trưởng lão Sāriputta đã truyền giới cho bất cứ ai mà ngài gặp.
Bậc Ðạo sư đến hỏi các Tỷ-kheo đang họp bàn chuyện gì. Khi nghe kể lại, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, ông ấy truyền giới cho bất cứ ai mà ông gặp dù họ chẳng yêu cầu.
Rồi Ngài kể một chuyện quá khứ.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sanh ra và lớn lên trong gia đình Bà-la-môn rồi trở thành đệ tử trưởng của một giáo sư lừng danh tại Takkasilā. Bấy giờ, vị giáo sư giảng về giới cho bất cứ người nào mà ông có thể gặp như những người đánh cá, v.v... Dù họ không muốn, ông luôn bảo họ nhận giới. Nhưng dù họ đã nhận giới, họ cũng không hành trì. Giáo sư nói điều ấy cho các môn đệ nghe. Các môn đệ thưa:
– Thưa thầy, thầy truyền giới cho họ ngược lại với những mong cầu của họ và do đó, họ phá bỏ giới. Từ nay, thầy hãy truyền giới cho những kẻ nào muốn nghe thầy thôi, đừng truyền giới cho những ai không muốn!
Vị giáo sư rất ân hận nhưng ông cứ truyền giới cho bất cứ ai mà ông gặp được.
Một hôm, một số người từ một ngôi làng kia đến mời giáo sư tham dự cuộc dâng bánh cho các Bà-la-môn. Ông cho gọi vị môn đệ tên là Kāraṇḍiya và bảo:
– Này con, ta không đi, con hãy đến đó với năm trăm môn đệ này rồi nhận bánh và mang về phần bánh được chia cho ta!
Ông sai vị môn đệ ấy như thế. Vị môn đệ ấy ra đi. Trên đường về, chàng trông thấy một cái hang và chợt có ý nghĩ: “Thầy ta truyền giới cho bất cứ ai ngài gặp mà không cần họ yêu cầu. Từ nay ta chỉ khiến ngài truyền cho những ai muốn nghe ngài thôi.”
Thế rồi, trong khi các môn đệ khác đang ngồi nghỉ thoải mái, chàng đứng lên đi khuân những tảng đá lớn ném vào trong hang, chàng cứ khuân đá ném mãi. Những người kia đứng dậy và nói:
– Này đại huynh, anh đang làm gì thế?
Kāraṇḍiya không nói một lời nào. Họ vội trở về kể chuyện cho thầy họ nghe. Vị thầy đến nói chuyện với Kāraṇḍiya bằng bài kệ đầu:
34. Sao một mình trong rừng, Từng tảng đá con khuân,
Ném đá như có ý, Lấp bằng hang núi chăng?
Nghe thế, Kāraṇḍiya muốn thức tỉnh thầy mình liền đọc bài kệ thứ hai:
35. Con muốn làm đảo này, Phẳng như lòng bàn tay,
San bằng gò đồi nọ, Chỗ trũng, đá lấp đầy.
Thầy Bà-la-môn nghe thế liền đọc bài kệ thứ ba:
36. Ðời nào một phàm nhân, Có sức lấp đất bằng?
Kāraṇ khó hy vọng, Ðọ sức với hang cùng.
Người môn đệ nghe xong liền đọc bài kệ thứ tư:
37. Nếu một kẻ phàm nhân, Không thể san đất bằng,
Ngoại nhân há chịu nhận, Quan điểm thầy hay chăng?
Nghe thế, vị giáo sư tự nhủ: “Kāraṇḍiya nói có lý, ta sẽ không làm như thế nữa”, và biết mình đã sai, ông đọc bài kệ thứ năm:
38. Này Kāraṇḍiya, Con khuyên tốt cho ta,
Ðất không san phẳng được, Ý người chẳng đồng hòa.
Giáo sư ca ngợi môn đệ của mình. Và vị môn đệ sau khi khuyến dụ thầy mình như vậy liền dẫn thầy về nhà.
***
Bậc Ðạo sư chấm dứt bài giảng và nhận diện tiền thân:
– Bấy giờ, Sāriputta (Xá-lợi-phất) là người Bà-la-môn, còn Ta chính là môn sinh Kāraṇḍiya.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.