Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§355. CHUYỆN VƯƠNG TỬ GHATA (Ghatajātaka) (J. III. 168)

Khi kẻ khác khóc than sầu khổ...

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một ông quan của vua xứ Kosala.

Câu chuyện khởi đầu giống chuyện đã kể. Nhưng ở đây, sau khi ban vinh dự lớn lao cho một ông quan, vua lại nghe lời sàm tấu và truyền bắt ông ta bỏ vào ngục. Khi nằm trong ngục, ông quan ấy nhập vào Dự lưu. Sau đó, vua biết được công đức của ông và thả ra. Ông mang một tràng hoa thơm và đến tham bái bậc Ðạo sư, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống. Bậc Ðạo sư hỏi xem có việc xấu nào đã xảy đến với ông không. Ông đáp:

– Bạch Thế Tôn, có. Nhưng qua việc xấu ấy, việc tốt lại đến với con. Con đã nhập vào Dự lưu.

Bậc Ðạo sư dạy:

– Ðúng thế, không phải chỉ bấy giờ, các bậc Hiền trí ngày xưa cũng được điều tốt từ điều xấu.

Rồi do thỉnh cầu của ông quan, Ngài kể một chuyện quá khứ.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta đang trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra là con của chánh cung hoàng hậu. Người ta gọi ngài là Ghatakumāra (Vương tử Ghata). Sau đó, ngài đạt kiến thức về các học nghệ ở Takkasilā và trị vì vương quốc của ngài rất công chính.

Bấy giờ, một ông quan nọ có phẩm hạnh xấu trong nội cung. Sau khi tận mắt chứng kiến việc phạm gian, vua liền đuổi ông ra khỏi vương quốc. Lúc ấy, có một vị vua tên là Vaṁka trị vì Xá-vệ. Ông quan đến phục vụ cho vua ấy đúng như câu chuyện trước đây,[7] được vua nghe lời và xúi giục vua chiếm vương quốc Ba-la-nại.

Sau khi chiếm đoạt vương quốc này, vua ấy bắt trói Bồ-tát bằng dây xích và bỏ ngài vào ngục. Bồ-tát nhập định và ngồi tréo chân trên không. Vaṁka bị nóng hừng hực trong thân thể, liền chạy đến Bồ-tát, trông thấy dung mạo của ngài sáng ngời, đẹp như một đóa hoa sen nở, giống như một tấm kính bằng vàng. Qua hình thức một lời hỏi, ông đọc bài kệ đầu:

29. Khi kẻ khác khóc than sầu khổ,

Má người kia lệ nhỏ đầm đìa,

Mặt ngài vẫn nụ cười kia,

Ghata há chẳng bao giờ kêu than?

Ðể giải thích tại sao ngài không sầu khổ, Bồ-tát đọc các bài kệ sau đây:

30. Chuyện đã qua, buồn nào thay đổi được,

Buồn nào gây hạnh phúc ở tương lai?

Cớ sao ta than vãn khổ đau này?

Sầu muộn chẳng đáng cho ta làm bạn.

31. Kẻ mang bệnh khổ sầu thì suy tận,

Các thức ăn thành vô vị nhạt màu,

Như trúng tên mồi thịt của sầu đau,

Làm trò tếu cho kẻ thù tiêu khiển.

32. Nhà ta ở, dù trên đất, ngoài biển,

Dù trong làng hay heo hút rừng già,

Không bao giờ sầu não đến gần ta,

Hồn đã thiện, chẳng có gì để sợ.[8]

33. Còn kẻ nào chưa kiện toàn đến độ,

Bị nấu nung vì tham dục lắm đàng,

Cả cõi đời cùng của cải tệ tàn,

Cũng không hề đủ thỏa lòng tham muốn.

Sau khi nghe xong bốn bài kệ ấy, Vaṁka xin Bồ-tát tha thứ và giao trả lại vương quốc cho ngài rồi đi theo đường của mình. Bồ-tát trao vương quốc cho các đại thần, ngài lui vào dãy Tuyết Sơn và trở thành một nhà tu khổ hạnh. Không hề ngưng thiền định, ngài được sanh vào cõi Phạm thiên.

***

Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:

– Lúc bấy giờ, Ānanda là Vua Vaṁka, còn Ta là Ghata.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.