Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§353. CHUYỆN CÀNH CÂY TỎA RỘNG (Dhonasākhajātaka)[5] (J. III. 157)
Nay dù bạn bình an, hạnh phúc...
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại rừng Bhesakalā, gần Suṁsumāragiri (núi Cá Sấu) trong xứ của bộ tộc Bhaggā. Chuyện kể về Vương tử Bodhi (Bồ-đề).
Vương tử này là con Vua Udena, bấy giờ đang sống tại Suṁsumāragiri. Ông cho mời một người thợ thật giỏi, bảo xây cho mình một cung điện gọi là Kokanada và làm cho nó khác cung điện của bất cứ ông vua nào. Về sau, ông tự nghĩ: “Tên thợ này có thể xây một cung điện như thế cho một ông vua khác.” Và do lòng đố kỵ, ông móc đôi mắt của người thợ ấy đi.
Các Tỷ-kheo biết được chuyện ấy. Họ bàn thảo trong pháp đường:
– Này các Hiền giả, Vương tử Bodhi đã móc mắt của người thợ như thế, như thế. Chắc chắn ông ta là một người tàn nhẫn, dữ dằn, hung bạo.
Bậc Ðạo sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang bàn chuyện gì. Khi nghe thuật lại, Ngài dạy:
– Không chỉ bây giờ mà xưa kia tánh ông ta cũng như vậy. Ngày xưa cũng bằng cách như thế, ông ta đã móc mắt của một ngàn chiến sĩ và sau khi giết chết họ, ông đã đem thịt của họ ra tế lễ.
Rồi Ngài kể cho các Tỷ-kheo một chuyện quá khứ.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta đang trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là một giáo sư lừng danh tại Takkasilā. Các thanh thiếu niên thuộc giai cấp quý tộc, võ tướng và Bà-la-môn từ khắp nước Ấn Ðộ đến với ngài để được ngài dạy các học nghệ. Con vua xứ Ba-la-nại là Hoàng tử Brahmadatta cũng thế, được ngài dạy ba tập Vệ-đà. Ông ta là một kẻ tàn nhẫn, dữ dằn, hung bạo. Do tài tiên đoán, Bồ-tát biết được tính ấy của hoàng tử nên bảo:
– Này bạn, bạn tàn nhẫn, dữ dằn, hung bạo, và thực ra, quyền lực mà kẻ hung bạo đạt được không lâu dài. Khi quyền lực mất đi, người ấy giống như một chiếc tàu gặp nạn ngoài khơi, sẽ không đến bến bờ nào an ổn cả. Do đó, bạn chớ giữ tính tình như vậy.
Rồi ngài đọc hai bài kệ sau đây để khuyến dụ:
14. Nay dù bạn bình an hạnh phúc,
Hạnh phúc kia mấy chốc chẳng còn,
Của mất đi chớ khổ buồn,
Như người đi biển bão dồn ném xa.
15. Theo hành vi, chúng ta xuôi hướng,
Mùa gặt theo như hạt giống gieo,
Hai đằng ta phải nhận vào,
Cỏ hoang độc hại, cây cao tốt lành.
Thế rồi, hoàng tử từ biệt thầy và trở về Ba-la-nại. Sau khi trổ tài nghệ cho vua xem, ông được giao chức phó vương và khi vua cha chết, ông nối ngôi trị vì vương quốc. Vị giáo sĩ của nhà vua là một người tàn nhẫn, dữ dằn. Vì tham danh vọng, ông tự nghĩ: “Nếu ta khiến cho cho tất cả các nhà lãnh đạo của toàn Ấn Ðộ bị ông vua này bắt hết và nếu bấy giờ ông ta là hoàng đế độc nhất thì ta sẽ là giáo sĩ độc nhất.”
Thế là ông làm cho vua nghe theo lời ông. Vua đem đại quân tiến ra, bao vây kinh đô của một vua kia rồi bắt giữ vua ấy. Bằng những cách thức tương tự, ông chiếm hết toàn lãnh thổ Ấn Ðộ và cùng với một ngàn ông vua trong đoàn của ông, ông tiến đánh vùng Takkasilā. Bồ-tát sửa sang các thành lũy để ngăn quân thù xâm nhập.
Vua xứ Ba-la-nại đặt bộ tham mưu của ông ở dưới gốc cây đa to lớn. Ông truyền dựng mái đình che phía trên, xung quanh có vây màn và có chỗ nằm trải sẵn cho ông. Khi chiến đấu trên các đồng bằng Ấn Ðộ, ông đã bắt được một ngàn vua, nhưng ông lại không thể tấn công vào Takkasilā được. Ông bèn hỏi vị giáo sĩ:
– Chúng ta đã đến đây cùng với đạo quân gồm các vua bị bắt nhưng chúng ta vẫn không thể chiếm được Takkasilā. Bây giờ phải làm sao?
Giáo sĩ trả lời:
– Tâu Ðại vương, hãy móc mắt một ngàn vua kia, mổ bụng họ ra và lấy thịt họ cùng với năm món thơm ngon làm lễ cúng dâng vị thần cây đa này! Hãy đào một cái rãnh quanh cây và đổ máu cho ngập tới khoảng một tấc! Và như thế chẳng bao lâu chiến thắng sẽ về ta.
Vua sẵn sàng chấp thuận. Vua giấu kín các võ sĩ khỏe mạnh đằng sau bức màn rồi cho họ gọi riêng từng ông vua kia. Các võ sĩ dùng hai cánh tay siết từng người cho đến khi họ ngất đi, rồi vua sai móc mắt họ. Sau khi họ chết, vua cho mang xác ra ném ngoài sông Hằng. Thế rồi vua tổ chức tế lễ như đã nói trên, sau đó, sai đánh trống và mang quân ra trận.
Bỗng một tên quỷ dạ-xoa từ tháp canh xông tới móc con mắt phải của vua ra. Vua quá đau đớn đến điên cuồng liền đến nằm sóng sượt trên giường dành riêng cho ông ta dưới gốc cây đa.
Lúc bấy giờ, một con kên kên cắp một cái xương nhọn rồi đậu trên đọt cây ấy. Khi đang ăn thịt nó để rớt cái xương và đầu nhọn rơi xuống như dùi sắt trúng con mắt trái của vua, hủy luôn con mắt ấy. Lúc bấy giờ, vua nhớ lại lời dạy của Bồ-tát, ông tự nhủ: “Thầy ta đã từng nói: ‘Người đời phải thọ kết quả tùy theo các việc làm của mình, cũng như trái cây hình thành tùy theo hạt giống vậy’, hẳn là người đã thấy tất cả sự việc này bằng con mắt trí tuệ nên nói như thế.”
Trong khi đang sầu đau, ông nói với giáo sĩ Piṅgiya qua hai bài kệ sau:
16. Nay mới hiểu lẽ chân thầy dạy,
Từ lúc ta trẻ tuổi dại ngây,
“Chớ gây tội ác, có ngày,
Ngươi làm việc xấu bị đày đọa thôi.”
17. Nằm ở dưới tàng cây bóng mát,
Tẩm dầu thơm ngào ngạt chiên-đàn,
Ðịch vương, ta giết cả ngàn,
Nỗi đau họ chịu, ta đang chịu cùng.
Khi khóc than như thế, vua nhớ đến hoàng hậu của ông và đọc bài kệ này:
18. Ubbarī mặn mà, Ôi, hoàng hậu của ta,
Dáng người trông yểu điệu, Như cành moringa,
Tay chân nàng thơm ngát, Ướp dầu hương chiên-đàn,
Làm sao ta sống nổi, Khi chẳng thấy được nàng?
Ôi, chết không tàn khốc, Bằng nỗi này đau thương!
Trong khi còn đang lầm thầm các lời trên, vua chết đi và tái sanh vào địa ngục. Vị giáo sĩ tham quyền ấy không thể cứu được ông ta, ngay cả ông ta với quyền lực của mình vẫn không tự cứu được chính mình. Ngay khi vua chết đi, quân đội của ông tan vỡ và tháo chạy.
***
Bậc Ðạo sư chấm dứt bài giảng và nhận diện tiền thân:
– Bấy giờ, Vương tử Bodhi là ông vua cướp nước ấy, Devadatta là Piṅgiya, còn Ta chính là vị thầy lừng danh nọ.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.