Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§345. CHUYỆN CON RÙA LƯỜI BIẾNG (Gajakumbhajātaka) (J. III. 139)
Một khi lửa cháy lan rừng...
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo lười biếng.
Nghe nói ông ta là một người thuộc dòng cao quý và sống ở Xá-vệ. Sau khi đã nhất tâm theo giáo pháp và thọ giới, ông lại trở nên lười biếng. Ðối với việc học đạo, thuyết pháp, thiền định, đi khất thực thuộc bổn phận của tu sĩ, ông ta đã không thực hiện đầy đủ, bị tội lỗi tấn công, trấn áp và người ta luôn luôn trông thấy ông ở các chỗ nghỉ chân công cộng.
Các Tỷ-kheo bàn tán tính lười biếng của ông trong pháp đường:
– Này các Hiền hữu, người ấy sau khi thọ giới trong một giáo pháp cao vời dẫn đến giải thoát lại tiếp tục lười biếng, giải đãi và bị tội lỗi tấn công, trấn áp.
Bậc Ðạo sư đến và hỏi các Tỷ-kheo họp lại bàn tán việc gì. Khi nghe thuật chuyện xong, Ngài dạy:
– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà từ xưa kia, ông ấy cũng đã lười biếng.
Rồi Ngài kể một câu chuyện đời xưa.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta đang trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là quan đại thần được sự trọng vọng của vua. Nhà vua có khuynh hướng lười biếng và Bồ-tát đang tìm mọi cách để vua tỉnh ngộ.
Một hôm, vua vào trong vườn cây cùng với quan đại thần của mình và trong lúc đang dạo chơi, vua trông thấy một con rùa lười biếng. Người ta bảo rằng những con vật biếng nhác như con này, dù di chuyển suốt cả ngày cũng chỉ nhích đi được một, hai phân mà thôi.
Vua trông thấy nó bèn hỏi:
– Này bạn, con vật ấy tên gì thế?
Bồ-tát trả lời:
– Tâu Ðại vương, đây là một con rùa, nó quá lười, chậm đến nỗi dù nó di chuyển suốt cả ngày cũng chỉ dịch được một, hai phân mà thôi.
Rồi ngài gọi con rùa và nói:
– Này anh rùa, bộ dáng anh thật chậm chạp. Giả như có hỏa hoạn phát sinh trong rừng thì anh làm sao đây?
Rồi ngài liền đọc bài kệ đầu:
173. Một khi lửa cháy lan rừng,
Phải rời đi tránh con đường khói sau,
Hỡi anh lệt bệt, làm sao,
Tìm ra cho được cách nào an thân?
Rùa nghe thế liền đọc bài kệ thứ hai:
174. Nơi nào cũng lắm lỗ hang,
Cây nào cũng nứt ra từng hốc kia,
Ðấy đều chỗ trú ấy mà,
Nếu không tìm được đành là chết luôn!
Bồ-tát nghe xong liền đọc hai bài kệ tiếp:
175. Ai hấp tấp khi cần nghĩ lại,
Và chậm lâu khi phải thực nhanh,
Sẽ làm tiêu phúc mong manh,
Như cành lá nọ dưới chân đạp đầy.
176. Nhưng hễ ai chờ ngay đúng lúc,
Thực hành không hấp tấp vội vàng,
Làm tròn mục đích mình mang,
Như vầng trăng vẫn trọn đường nó đi.
Vua nghe các lời này của Bồ-tát, từ đó không còn biếng nhác nữa.
***
Bậc Ðạo sư chấm dứt bài thuyết giảng rồi nhận diện tiền thân:
– Bấy giờ, Tỷ-kheo biếng nhác kia là con rùa, còn Ta là vị quan Hiền trí nọ.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.