Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§335. CHUYỆN CHÓ RỪNG (Jambukajātaka) (J. III. 112)
Chó rừng, coi chừng đấy...
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Trúc Lâm về việc Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) bắt chước đức Phật. Tình tiết dẫn đến câu chuyện đã được kể ở phần trước.[5] Ðây là bản tóm tắt.
Khi bậc Ðạo sư hỏi Sāriputta (Xá-lợi-phất) rằng Devadatta đã làm gì khi Trưởng lão đến gặp ông ta. Trưởng lão đáp:
– Bạch Thế Tôn, khi muốn bắt chước Ngài, ông ấy đặt một cái quạt vào tay con và nằm xuống, rồi Kokālika lấy đầu gối thúc vào ngực ông ta. Thế đấy, khi bắt chước Ngài, ông ta phải gặp nạn.
Bậc Ðạo sư dạy:
– Ðiều ấy trước đã xảy đến với Devadatta rồi.
Rồi do thỉnh cầu của Trưởng lão, Ngài kể câu chuyện đời xưa.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra là một con sư tử, trú tại một cái động trong dãy Tuyết Sơn. Một hôm, sau khi giết chết một con bò và ăn thịt nó xong, sư tử uống một ngụm nước rồi quay về hang. Một con chó rừng trông thấy sư tử và vì không thể chạy thoát được, nó nằm sấp xuống.
Sư tử hỏi:
– Này anh chó rừng, anh làm gì thế?
Chó rừng đáp:
– Thưa ngài, tôi mong làm tôi tớ của ngài.
Sư tử nói:
– Ðược, hãy làm thế đi!
Rồi sư tử dẫn nó về nơi mình ở, hàng ngày mang thịt về cho nó ăn. Chó rừng mập ra nhờ thịt vụn do sư tử mang về. Một hôm, cảm thấy niềm tự hào nổi lên trong mình, chó rừng liền đến gần sư tử và bảo:
– Thưa ngài, tôi là một vật chướng ngại cho ngài. Ngài cứ phải mang thịt về nuôi sống tôi mãi. Hôm nay, ngài hãy ở lại đây. Tôi sẽ đi giết một con voi và sau khi ăn no nê xong, tôi sẽ mang thịt về cho ngài.
– Này bạn chó rừng, chớ nuôi ý nghĩ ấy. Bạn đâu có phát xuất từ một dòng giống giết voi mà ăn thịt? Voi chắc chắn là thân thể to lớn. Ðừng mang lấy điều gì trái với bản chất của bạn, hãy nghe lời ta đi!
Và sư tử liền đọc bài kệ đầu:
137. Chó rừng, coi chừng đấy! Ðôi ngà voi dài ấy,
Loài bạn bé tí hon, Khó có được một con,
Dám đối mặt thú nọ, Oai hùng và đồ sộ.
Mặc dầu sư tử can ngăn, chó rừng vẫn ra khỏi hang. Hú lên ba lần tiếng hú của chó rừng. Nó nhìn xuống núi và trông thấy một con voi đang đi dưới ấy. Nó định nhảy xuống đầu voi, liền phóng lên, lộn nhào trên không rồi rớt xuống chân voi. Voi nhấc chân trước đạp vào đầu chó rừng vỡ ra từng mảnh. Chó rừng nằm đó rên la. Voi rống lên và bỏ đi.
Bồ-tát đến và đứng trên đỉnh dốc thấy chó rừng đã phải chuốc lấy cái chết như thế nào, liền tự bảo: “Chó rừng này bị giết vì quá tự phụ.”
Rồi ngài đọc ba bài kệ sau:
138. Chó rừng nọ mang oai sư tử,
Ðã một lần toan cự voi kia,
Ngã nhào, ngực vỡ kêu la,
Mới hay tiếc đã vội ra đối đầu.
139. Ai thích đấu kẻ nào siêu đẳng,
Sức mạnh kia nếu chẳng nhận ghi,
Sẽ đành chia sẻ tức thì,
Chó rừng số phận sầu bi thế này.
140. Kẻ biết lượng sức tài mình có,
Biết e dè khi tỏ lời ra,
Sống tròn bổn phận đời ta,
Bao nhiêu cừu địch cũng là thắng thôi.
Bồ-tát đọc các bài kệ trên, tuyên thuyết những phận sự đúng đắn phải làm trong cõi đời này.
***
Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Bấy giờ, Devadatta là con chó rừng, còn Ta là con sư tử.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.