Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§334. CHUYỆN KHUYẾN DỤ QUỐC VƯƠNG (Rājovādajātaka) (J. III. 110)

Con bò đực vượt dòng đi lạc hướng...

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về việc khuyến dụ một ông vua. Câu chuyện khởi đầu sẽ được kể đầy đủ trong Chuyện ba con chim.[4] Nhưng ở đây, bậc Ðạo sư dạy:

– Tâu Ðại vương, các vị vua ngày xưa, khi được nghe những lời dạy của bậc Hiền trí, đã trị vì rất công chính và đã đạt đến cõi trời.

Rồi theo thỉnh cầu của vua, Ngài kể một câu chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài theo đuổi tất cả các học nghệ rồi ngài sống đời tu hành, phát huy các thắng trí và các thiền chứng. Ngài trú trong một nơi tịnh lạc của dãy Tuyết Sơn, sống bằng trái và rễ cây rừng.

Lúc bấy giờ, vua rất mong muốn tìm ra các khuyết điểm của mình, liền đi khắp nơi xem ai có thể nêu ra các lỗi lầm của ngài chăng. Nhưng ngài không tìm được ai nói đến khuyết điểm của ngài cả; trong triều, ngoài triều cũng không; trong thành, ngoài thành cũng đều không. Ngài nghĩ: “Tìm trong nước xem sao.”

Rồi ngài giả trang đi khắp nước nhưng cũng không tìm được ai nói tới khuyết điểm, chỉ nghe nói tới công hạnh của ngài. Vua lại nghĩ: “Ở vùng Tuyết Sơn thì sao?” Thế là vua vào rừng và lang thang đây đó cho đến khi gặp nơi ẩn dật của Bồ-tát. Nơi đây vua chào Bồ-tát, thân mật hỏi han ngài và ngồi xuống một bên. Bấy giờ, Bồ-tát đang ăn mấy trái sung chín mà ngài đã mang từ trong rừng về. Sung ngon và ngọt như đường mịn, Bồ-tát nói với vua:

– Thưa Ðại vương, ngài hãy dùng trái sung này và uống một ít nước.

Vua theo lời, rồi hỏi Bồ-tát:

– Thưa Tôn giả, sao trái sung chín này ngọt đến như vậy?

Bồ-tát đáp:

– Thưa Ðại vương, vua hiện nay trị vì công chính, vì vậy trái sung này ngọt như thế đấy.

– Thưa Tôn giả, thế thì trong một đời vua bất chính, sung sẽ mất vị ngọt của nó chăng?

– Thưa Ðại vương, đúng thế. Trong các thời vua bất chính thì dầu, mật, đường, v.v... ngay cả rễ cây, trái rừng cũng đều mất đi vị ngon ngọt của chúng. Chẳng những thế mà toàn cả vương quốc đều trở nên dở dang, vô vị; nhưng khi những nhà lãnh đạo công chính thì những thứ này trở nên ngon ngọt thơm tho và toàn thể vương quốc đầy vẻ thanh tao và hương ngào ngạt.

Vua nói:

– Thưa Tôn giả, chắc hẳn là như thế.

Rồi chẳng để cho Bồ-tát biết rằng mình là vua, ngài chào Bồ-tát và quay về Ba-la-nại. Ðể chứng nghiệm lời nói của vị ẩn sĩ, vua trị vì bất chính và tự nghĩ: “Ta sẽ biết rõ mọi việc đúng sai như thế nào.” Chỉ ít lâu sau, vua quay trở lại rừng, chào Bồ-tát và kính cẩn ngồi xuống một bên. Bồ-tát cũng nói đúng như những lời trước kia, và mời ngài ăn một trái sung chín nhưng sung lại chát. Thấy sung chát, vua nhổ ra và nói:

– Thưa Tôn giả, sung chát quá!

Bồ-tát nói:

– Thưa Ðại vương, hẳn vua là kẻ bất chính, vì khi các người lãnh đạo bất chính thì mọi vật, khởi đầu từ các trái cây trong rừng mất hết vị ngọt ngào thơm ngon của chúng.

Rồi ngài đọc bài kệ sau:

133-34. Con bò đực vượt dòng đi lạc hướng,

Ðàn cái theo, hàng ngũ rối tan tành.

Người cầm đầu theo các lối loanh quanh,

Dẫn bọn kém đến đường cùng hèn mạt,

Toàn vương quốc, hận một đời phóng dật.

135-36. Bò đực kia nếu hướng dẫn thẳng đường,

Bầy cái theo sau nó sẽ ngay hàng.

Người cầm đầu nếu theo đường công chính,

Cả đám đông sẽ tránh điều bất hạnh,

Khắp nước nhà sẽ hưởng lạc tịnh an.

Sau khi Bồ-tát trình bày về Chánh pháp, vua cho ngài biết rằng mình là vua và nói:

– Thưa Tôn giả, trước đây chính do ta mà những trái sung được ngọt, rồi sau đó trở thành chát nhưng nay ta sẽ làm cho chúng ngọt trở lại.

Rồi vua chào Bồ-tát và trở về, trị vì công chính, làm cho mọi sự trở lại trạng thái nguyên thủy của nó.

***

Thuyết giảng xong, bậc Đạo sư nhận diện tiền thân:

– Bấy giờ, Ānanda là vị vua, còn Ta là vị ẩn sĩ nọ.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.