Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§333. CHUYỆN CON KỲ NHÔNG (Godhajātaka) (J. III. 106)

Ngài cho tôi biết rõ ra...

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất nọ. Câu chuyện khởi đầu đã được kể đầy đủ trước đây.[3] Nhưng ở đây, khi hai vợ chồng đi đòi nợ trở về, trên đường họ gặp một số người đi săn, những người này cho họ một con kỳ nhông nướng và bảo cả hai hãy ăn món ấy. Người chồng bảo vợ đi kiếm nước, rồi anh ta ăn hết cả con kỳ nhông nướng. Khi vợ trở lại, anh ta nói:

– Này em, con kỳ nhông đã chạy mất rồi!

Nàng nói:

– Ðược rồi, thưa chàng, con kỳ nhông nướng chạy rồi thì ai làm gì được?

Nàng uống một ít nước, sau đó cả hai đến Kỳ Viên. Khi ngồi hầu bậc Ðạo sư, Ngài hỏi người vợ như sau:

– Này nữ cư sĩ, ông này có ân cần, thương yêu và giúp đỡ bà không?

Nàng trả lời:

– Con thương yêu, ân cần với chàng nhưng chàng chẳng hề thương yêu con.

Bậc Ðạo sư dạy:

– Ðược rồi, giả như ông đã cư xử với bà như thế thì cũng chớ buồn rầu. Khi ông nhớ lại các đức hạnh của bà, ông sẽ ban riêng cho bà quyền lực tối cao.

Rồi do thỉnh cầu của hai vợ chồng, Ngài kể một chuyện đời xưa.

***

Chuyện kể này cũng giống chuyện kể trên, nhưng ở đây, khi hai vợ chồng thái tử đang trên đường trở về cung vua, một toán thợ săn thấy họ quá khốn khổ, đã cho họ một con kỳ nhông nướng và bảo họ chia nhau ăn. Người vợ lấy một cây leo làm dây cột nó rồi xách nó theo dọc đường. Khi đến một cái hồ, họ rời đường chính và đến ngồi dưới một gốc cây đa. Thái tử bảo:

– Này em, hãy đi xuống hồ, dùng một ngọn lá sen mà kiếm nước, sau đó chúng ta sẽ ăn phần thịt này!

Người vợ treo con kỳ nhông lên một cành cây và đi kiếm nước. Người chồng ăn hết cả con kỳ nhông, ngồi quay mặt đi. Khi nàng mang nước về, chàng nói:

– Này em, con kỳ nhông đã tụt xuống cành cây và chui vào một gò mối. Ta chạy theo và chộp được chóp đuôi nó. Nhưng nó đứt đôi ra và nó chui biến vào trong lỗ, để lại phần đuôi mà ta nắm được đây.

Nàng nói:

– Ðược rồi chàng ạ, chúng ta biết tính sao được khi con kỳ nhông đã nướng lại chạy thoát đi? Nào, chúng ta hãy lên đường!

Uống nước xong, hai vợ chồng đi đến Ba-la-nại. Thái tử lên ngôi, phong cho vợ làm chánh hoàng hậu nhưng đó chỉ là một cái chức hờ, vua chẳng ban cho nàng một danh vọng nào.

Bồ-tát muốn lấy danh dự cho nàng nên đứng trước vua, ngài hỏi nàng:

– Tâu Hoàng hậu, chẳng có lúc nào chúng thần được Lệnh bà cho thứ gì cả? Tại sao Lệnh bà lại chẳng kể gì đến chúng thần thế?

Hoàng hậu đáp:

– Này hiền khanh, ta chẳng nhận được gì của đức vua cả thì làm sao ta có thể ban tặng cho khanh được? Ðức vua có thể ban tặng cho ta thứ gì nào? Hồi chúng ta còn trong rừng, ngài đã một mình ăn hết con kỳ nhông nướng.

Bồ-tát nói:

– Tâu Hoàng hậu, có lẽ đức vua không làm như thế đâu, Lệnh bà chớ nói về đức vua như thế.

Hoàng hậu đáp:

– Này khanh, sự việc này còn chưa rõ đối với khanh, nhưng đã quá rõ đối với vua và ta.

Rồi hoàng hậu đọc bài kệ đầu:

129. Ngài cho tôi biết rõ ra,

Ở trong rừng thẳm trước kia, tâu ngài,

Kỳ nhông nướng bứt dây gai,

Từ cành đa nọ thoát ngay ấy mà,

Bên trong lớp áo vỏ dà,

Giáp dày, gươm sắc, tôi đà rõ soi.

Hoàng hậu bày tỏ lỗi lầm của vua như thế trước các triều thần. Bồ-tát nghe xong liền nói:

– Tâu Hoàng hậu, từ khi đức vua không còn yêu Lệnh bà nữa, tại sao bà còn tiếp tục sống nơi đây làm cho cả hai người phải phiền hà như thế?

Rồi ngài đọc hai bài kệ:

130. Ai trọng ta, ta thời xứng trọng,

Tỏ hảo tâm, hành động đáp đền,

Chẳng nên tốt với bọn hèn,

Kẻ nào tránh mặt, chẳng nên yêu vì.

131. Kẻ bỏ ta, ta thì bỏ hắn,

Chớ yêu thương kẻ chẳng thương ta,

Như chim lìa bỏ cây khô,

Bay tìm trú xứ nơi xa trong rừng.

Khi nghe Bồ-tát nói, vua nhớ lại những đức hạnh của hoàng hậu, liền bảo:

– Này Ái hậu, đã lâu ta không để ý đến đức hạnh của nàng, nhưng qua lời nói của bậc Hiền trí này, ta nhận biết các đức hạnh ấy. Hãy thứ lỗi cho ta! Trọn vương quốc này của ta, ta tặng riêng nàng đấy.

Rồi vua đọc bài kệ thứ tư:

132. Chức quyền cao quân vương có sẵn,

Nên tỏ bày tình nặng nghĩa thâm,

Ta đem vương quốc tặng nàng,

Hãy ban tặng phẩm cho hàng ái ưu.

Nói xong vua ban quyền lực tối cao cho hoàng hậu và tự nghĩ: “Chính nhờ người ấy mà ta nhớ lại các đức hạnh của nàng.” Vua cũng ban quyền cao cho vị Hiền trí ấy.

***

Bậc Ðạo sư chấm dứt bài thuyết giảng và tuyên thuyết tứ đế. Ở phần kết thúc tứ đế, cả hai vợ chồng ấy đều đắc quả Dự lưu. Và bậc Đạo sư nhận diện tiền thân:

– Hai vợ chồng trong chuyện ngày nay cũng chính là hai vợ chồng trong chuyện ngày xưa, còn Ta chính là vị Hiền trí.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.