Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§331. CHUYỆN TRƯỞNG LÃO KOKĀLIKA (Kokālikajātaka)[2] (J. III. 102)
Kẻ phạm lỗi nói không thích đáng...
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về Trưởng lão Kokālika. Câu chuyện khởi đầu được kể đầy đủ trong Chuyện Hiền giả Takkāriya.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị đại thần rất được vua trọng vọng. Bấy giờ, vua có tính lắm lời. Bồ-tát tự nghĩ: “Ta sẽ làm dứt tính huyên thuyên của vua.” Và ngài chờ đợi dịp thuận tiện để giảng giải cho vua.
Một hôm, vua vào trong vườn cây và ngồi trên một phiến đá dành cho mình. Vua ngồi xuống gốc cây xoài, trên đó có một con chim cu đen đẻ trứng vào tổ của một con quạ rồi bỏ đi. Con quạ mái chăm lo cái trứng con chim cu. Chẳng bao lâu, trứng nở ra một chim cu con. Quạ tưởng rằng đấy chính là con của nó nên nó chăm sóc chim cu, mang mồi về cho nó ăn. Con chim nhỏ còn chưa đủ lông đủ cánh, đã kêu lên tiếng chim cu non nớt. Quạ liền nghĩ: “Con chim non này ngay bây giờ đã thốt lên giọng lạ lùng. Khi nó lớn lên nó sẽ còn làm gì nữa?” Thế là quạ lấy mỏ mổ chết chim cu và ném nó ra khỏi tổ. Xác chim cu rơi xuống chân vua. Vua hỏi Bồ-tát:
– Này khanh, thế này là nghĩa gì?
Bồ-tát nghĩ: “Ta đang tìm việc tốt để giảng cho vua một bài học, và nay ta đã được dịp ấy rồi.” Vì vậy, ngài nói:
– Tâu Ðại vương, những hạng lắm lời, nói quá nhiều không đúng lúc, đều phải gặp như thế. Tâu Ðại vương, chim cu nhỏ bé này được quạ nuôi nấng khi còn chưa đủ lông cánh, nó đã thốt lên một tiếng kêu quá sớm. Thế là quạ biết rằng đấy không phải là con của nó liền mổ chết và ném nó ra khỏi tổ. Tất cả những ai nói không đúng lúc và nói nhiều quá, dù cho đó là người hay vật đều phải chịu đau khổ như thế cả.
Rồi ngài đọc bài kệ sau:
121-22. Kẻ phạm lỗi nói không thích đáng,
Như chim cu tận mạng oan thôi,
Dù cho thuốc độc, gươm mài,
Cũng không tàn hại bằng lời nói sai.
123-24. Người khôn đắn đo hoài lời nói,
Với người thân không vội tỏ lòng,
Muốn trao lời, xét tận cùng,
Như Kim Sí điểu bắt thần rắn kia.
Từ khi Bồ-tát thuyết giáo như thế, vua trở nên đắn đo trong lời nói. Vua càng trọng vọng Bồ-tát và ban ân tứ cho ngài càng nhiều hơn mãi.
***
Sau khi thuyết giảng xong, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Vào thời ấy, Kokālika là con chim cu nhỏ ấy, còn Ta là vị đại thần Hiền trí.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.