Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§329. CHUYỆN CON KHỈ KĀLABĀHU (Kālabāhujātaka ) (J. III. 97)

Ta từng hưởng lắm thức ăn...

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Trúc Lâm về việc Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) mất các lợi dưỡng và danh vọng.

Khi Devadatta đã nuôi lòng hiềm thù đức Phật một cách phi pháp và sai một xạ thủ giết Ngài. Tội lỗi của ông ta ai ai cũng biết qua việc ông thả con voi Nāḷāgiri [để làm hại đức Phật]. Thế rồi, mọi người lấy mất trú xứ và các khẩu phần của ông và vua chẳng đoái hoài đến ông nữa. Khi đã mất nguồn lợi dưỡng và danh vọng, ông ta đi khắp nơi sống bằng cách xin các nhà quyền quý.

Các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán trong pháp đường rằng Devadatta đã nghĩ ra cách thu đạt lợi dưỡng và danh vọng thế nào, và khi đã kiếm được chúng thì ông ta lại không thể giữ được chúng. Bậc Ðạo sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn việc gì. Khi nghe kể lại, Ngài dạy:

– Này các Tỷ-kheo, chẳng phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, Devadatta đã bị tước mất các lợi dưỡng và danh vọng.

Rồi Ngài kể cho họ nghe một chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát là một con vẹt tên là Rādha. Ngài là một con vẹt khỏe mạnh, chân và cánh đều toàn hảo. Con vẹt em trai ngài tên là Poṭṭhapāda. Một người bẫy chim kia bẫy được đôi chim này và mang chúng đến dâng vua xứ Ba-la-nại. Vua bỏ cả hai con vào trong một chiếc lồng bằng vàng, chăm sóc chúng, cho chúng ăn mật và bắp rang đựng trong một chiếc đĩa bằng vàng và cho uống nước đường. Chúng được chú ý chăm sóc đặc biệt và đạt lợi dưỡng danh vọng cao vời nhất.

Thế rồi, một người thợ rừng nọ mang đến dâng vua một con khỉ đen lớn tên là Kālabāhu (Đen Lớn). Vì khỉ đến sau các con vẹt nên nó nhận được lợi dưỡng và cung kính nhiều hơn, trong khi ấy đôi vẹt lại không còn được trọng vọng như trước.

Bồ-tát nhờ có các đức tính của bậc giác ngộ nên chẳng nói một lời, nhưng em ngài vì không có đức tính ấy nên không thể chịu nổi sự trọng vọng mà người ta dành cho con khỉ, liền nói:

– Anh ơi, trước kia ở cung điện vua, họ cho chúng ta thức ăn ngon, còn bây giờ chúng ta chẳng được gì cả, họ dâng hết mọi thứ cho con khỉ Kālabāhu. Vì chúng ta không nhận được lợi dưỡng trọng vọng do vua ban, nơi đây chúng ta phải làm gì chứ? Này, chúng ta hãy đi vào rừng mà sống!

Vẹt em nói thế và đọc bài kệ đầu:

113. Ta từng hưởng lắm thức ăn,

Khỉ kia nay lại được phần ta xưa.

Rādha, hãy đến rừng già,

Cách người xử tệ sửa ra thế nào?

Rādha nghe thế, liền đọc bài kệ tiếp:

114. Dù là được, mất ra sao,

Khen, chê, vui, khổ, vinh cao, nhục dày,

Ðều là giả tạo, đổi thay,

Sao em lại cứ ngập đầy sầu đau?

Nghe thế, Poṭṭhapāda vẫn không thể bỏ được hiềm thù với con khỉ liền đọc bài kệ thứ ba:

115. Rādha, chim trí tuyệt cao,

Hẳn anh phải biết việc nào xảy ra,

Ai sẽ là người đuổi tên kia,

Từ triều vua trở lại nhà nó xưa?

Rādha nghe thế, liền đọc bài kệ thứ tư:

116. Mặt nhăn, tai động ấy mà,

Sẽ làm bầy trẻ vương gia hãi hùng,

Khỉ kia tinh quái lạ thường,

Ngày kia sẽ chạy tìm đường kiếm ăn.

Chỉ ít lâu sau, khỉ ta lúc lắc đôi tay, chọc phá làm cho các vương tử bé nhỏ sợ hãi la ré lên. Vua hỏi xem việc gì đã xảy ra và khi nghe kể lý do, ngài phán:

– Ðuổi nó đi!

Thế là con khỉ bị đuổi đi và đôi vẹt lại trở về hoàn cảnh như trước, được lợi dưỡng và trọng vọng.

***

Khi thuyết giảng xong, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:

– Bấy giờ, Devadatta là Kālabāhu, Ānanda là Poṭṭhapāda, còn Ta là Rādha.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.