Tam tạng Thánh điển PGVN 06 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch
§328. CHUYỆN KHÔNG KHÓC NGƯỜI CHẾT (Ananusociyajātaka) (J. III. 92)
Sao ta nhỏ lệ vì em chứ...
Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất có vợ chết. Chàng chẳng thiết tắm rửa, ăn uống, bỏ bê công việc nông trại. Quá sầu đau, chàng lang thang khắp nghĩa địa mà than vãn trong khi cận y duyên cho Dự lưu đạo đang bừng lên như ánh lửa trong đầu chàng.
Bậc Ðạo sư vào lúc sáng sớm, quan sát khắp thế gian đã thấy được chàng. Ngài tự nghĩ: “Ngoài Ta ra, không ai có thể giải được nỗi sầu muộn của người này và ban năng lực cho chàng nhập Dự lưu. Ta sẽ là chỗ an trú cho chàng.”
Thế là khi Ngài đi khất thực trở về, và thọ thực xong, Ngài đem theo Tỷ-kheo thị giả và đi đến nhà người chủ đất ấy. Khi nghe bậc Ðạo sư đến, chàng liền ra đón Ngài, cung kính mời Ngài ngồi vào chỗ đã soạn sẵn rồi đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.
Bậc Ðạo sư hỏi:
– Này cư sĩ, vì sao ông im lặng thế?
Chàng đáp:
– Bạch Thế Tôn, con đang sầu muộn vì nàng.
Bậc Ðạo sư dạy:
– Này cư sĩ, cái gì có thể tan rã thì tan rã, nhưng khi điều này xảy ra, người ta không nên phiền muộn. Các bậc Hiền trí ngày xưa khi mất vợ, họ biết chân lý này và do đó họ không đau buồn.
Rồi do thỉnh cầu của chàng, bậc Ðạo sư kể một chuyện đời xưa.
Câu chuyện này sẽ được kể trong chương X, Chuyện Trí giả Cullabodhi.[9] Sau đây chỉ là phần tóm tắt của câu chuyện.
***
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài theo đuổi tất cả các môn học tại Takkasilā rồi trở về với cha mẹ ngài. Ở tiền thân này, bậc Ðại sĩ trở thành môn đồ của đạo Thánh hiền. Cha mẹ ngài bảo ngài là họ sẽ tìm cho ngài một người vợ. Bồ-tát nói:
– Con không muốn sống đời có vợ con. Khi cha mẹ qua đời, con sẽ sống đời của một nhà tu khổ hạnh.
Vì cha mẹ cứ nài nỉ mãi, ngài sai làm một bức tượng bằng vàng và bảo:
– Nếu cha mẹ kiếm cho con được một thiếu nữ giống như tượng này thì con sẽ lấy làm vợ.
Cha mẹ ngài liền sai vài thám tử cùng với một số lớn tùy tùng và bảo họ đặt tượng vàng trong một xe đóng kín rồi đi tìm kiếm khắp các đồng bằng nước Ấn Ðộ, đến khi nào tìm thấy được một tiểu thư Bà-la-môn giống như vậy thì đem tượng vàng đổi lấy và đem thiếu nữ về cho họ.
Bấy giờ, có một Thánh giả kia từ cõi Phạm thiên tái sanh dưới hình thức một thiếu nữ ở một thành phố thuộc vương quốc Kāsi, trong ngôi nhà của một Bà-la-môn có gia sản tới tám trăm triệu đồng. Thiếu nữ tên là Sammillabhāsinī. Ở tuổi mười sáu, nàng là một thiếu nữ tươi đẹp, dễ thương, giống như một tiên nữ mang đủ mọi nét đẹp nữ giới. Mãnh lực của đam mê tội lỗi không thể nảy sinh được một ý nghĩ xấu nào trong nàng, nên nàng thật là hoàn toàn thuần khiết.
Những người kia mang tượng vàng đi khắp đó đây cho đến khi họ tới ngôi làng ấy. Dân làng trông thấy tượng liền hỏi:
– Tại sao Sammillabhāsinī, con gái của người Bà-la-môn ấy lại được đặt ở đó?
Các thị giả nghe thế liền tìm đến gia đình Bà-la-môn ấy và chọn Sammillabhāsinī làm hôn thê cho chủ của họ. Nàng nhắn với cha mẹ:
– Khi cha mẹ mất, con sẽ sống đời tu hành, con không muốn lập gia đình.
Cha mẹ nàng bảo:
– Này con, con nghĩ gì thế chứ?
Rồi họ nhận tượng vàng và gởi con gái đi cùng với một đoàn tùy tùng đông đảo. Lễ cưới được cử hành trái với ý nguyện của Bồ-tát và Sammillabhāsinī. Dù phải chia sẻ chung một phòng, một giường, cả hai vẫn không nhìn nhau bằng con mắt dục lạc tội lỗi mà cùng sống với nhau như hai nam hay hai nữ tu sĩ thanh tịnh.
Chẳng bao lâu, cha mẹ của Bồ-tát qua đời, ngài lo tang lễ, rồi gọi Sammillabhāsinī đến và bảo:
– Này em yêu, tài sản của gia đình ta lên tới tám trăm triệu đồng và tài sản của gia đình em cũng đáng giá tám trăm triệu đồng nữa. Em hãy lấy hết đi và hãy sống cuộc đời của một gia trưởng. Ta sẽ trở thành một người tu khổ hạnh.
Nàng trả lời:
– Chàng ơi, nếu chàng trở thành một ẩn sĩ thì em cũng sẽ trở thành một ẩn sĩ, em không thể bỏ chàng được.
Chàng nói:
– Thế thì nàng hãy làm như thế đi.
Như vậy, họ tiêu hết gia sản bằng cách bố thí và vứt bỏ gia tài của họ như nhổ bỏ một búng đàm, rồi cả hai người đi vào vùng Tuyết Sơn và sống cuộc đời khổ hạnh. Sau khi đã sống một thời gian lâu bằng cách lượm hái trái, rễ cây, họ rời dãy Tuyết Sơn đi xuống kiếm muối và giấm, rồi dần dần họ tìm thấy đường đến Ba-la-nại và sau đó họ trú trong vườn cây của nhà vua.
Trong khi họ sống ở đó, vị ẩn sĩ trẻ tuổi mảnh mai này vì phải ăn cơm nhạt của loại gạo trộn mà bị bệnh kiết lỵ hành hạ và không có được thuốc chữa nên nàng trở nên quá gầy yếu. Bồ-tát trong khi đi khất thực phải ẵm nàng theo, mang nàng đến cổng thành và đặt nàng nằm trên một cái ghế dài trong một tiền đường rồi vào thành khất thực. Khi Bồ-tát vừa mới ra đi thì nàng tắt thở. Mọi người thấy vị nữ tu khổ hạnh sắc đẹp phi thường, liền tụ họp đến quanh nàng khóc lóc tiếc thương. Sau khi đi khất thực trở về, Bồ-tát nghe nàng đã chết liền bảo:
– Cái gì có tính chất tan rã thì tan rã. Mọi hiện hữu vô thường đều thuộc loại này cả.
Nói thế xong, ngài ngồi xuống chiếc ghế dài nàng đang nằm và ăn thức ăn trộn rồi súc miệng. Mọi người đứng gần đó tụ tập lại quanh ngài và nói:
– Bạch Tôn giả, vị nữ tu khổ hạnh này là gì của ngài?
Ngài đáp:
– Khi tôi còn là cư sĩ, nàng đã là vợ tôi.
Họ nói:
– Bạch Tôn giả, trong khi chúng tôi khóc lóc tiếc thương và không thể ngăn được xúc động, tại sao ngài lại không khóc?
Bồ-tát bảo:
– Khi nàng còn sống, nàng đã thuộc về tôi theo một số phận nào đó. Khi nàng sang thế giới khác, chẳng có gì thuộc về nàng cả. Nàng đã bước vào lãnh vực của các vị khác. Thế thì tại sao tôi lại phải khóc nàng?
Rồi ngài thuyết giảng chân lý cho mọi người qua các bài kệ sau đây:
109. Sao ta nhỏ lệ vì em chứ,
Hỡi Sammillabhāsinī,
Em xinh đẹp đã chết đi,
Từ nay ta hẳn còn gì em đâu?
110. Kẻ yếu đuối âu sầu gì chớ?
Khóc lóc làm chi những thứ mượn vay?
Tử vong, đã thở hơi này,
Thì từng giờ phút trao tay tử thần.
111. Dầu ai đứng hay đang ngồi đó,
Ðang nằm hay dời chỗ gì chăng,
Chỉ trong chớp mắt qua ngang,
Chỉ trong một lúc tử thần kề ngay.
112. Ðời bất ổn ta đây đã tính,
Mất bạn bè chẳng tránh được ra,
Hãy yêu mọi thứ còn kia,
Chớ buồn khi chúng phải lìa xa ta.
Bậc Ðại sĩ thuyết giảng Chánh pháp qua các bài kệ này và giải thích sự vô thường của vạn vật. Mọi người hoàn tất lễ tang cho vị nữ tu ấy. Còn Bồ-tát quay về dãy Tuyết Sơn, đạt tuệ giác cao hơn do thiền định, rồi ngài tái sanh cõi Phạm thiên.
***
Khi bậc Ðạo sư chấm dứt pháp thoại, Ngài tuyên thuyết tứ đế. Ở phần kết thúc tứ đế, người chủ đất đắc quả Dự lưu. Sau đó, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:
– Bấy giờ, mẹ của Rāhula (La-hầu-la) là Sammillabhāsinī, còn Ta là nhà tu khổ hạnh ấy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.