Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§325. CHUYỆN CON KỲ NHÔNG (Godhajātaka)[5] (J. III. 84)

Kẻ nào đóng vai tu ẩn dật...

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo xảo quyệt.

Câu chuyện mở đầu đã được kể đầy đủ trước đây. Trong dịp này, các Tỷ-kheo đưa ông ra trước bậc Ðạo sư và thưa:

– Bạch Ngài, Tỷ-kheo này gian xảo.

Bậc Ðạo sư dạy:

– Không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, ông ta đã xảo quyệt.

Rồi Ngài kể cho họ nghe một chuyện đời xưa.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra là một con kỳ nhông. Khi lớn lên và trở nên khỏe mạnh, lực lưỡng, ngài trú trong một khu rừng. Bấy giờ, một ẩn sĩ độc ác nọ dựng một túp lều lá trú gần ngài. Bồ-tát trong khi đi đây đó kiếm ăn, trông thấy túp lều lá và tự nghĩ: “Túp lều này hẳn phải là của một nhà tu khổ hạnh.” Ngài đến chào hỏi nhà tu rồi quay về chỗ của mình.

Một hôm, ẩn sĩ giả mạo kia ăn một món ăn hợp khẩu do người thủ hộ nấu cho, bèn hỏi người ấy thịt gì thế. Khi nghe nói rằng đó là thịt kỳ nhông, ông trở thành nô lệ cho lòng ham muốn được ăn ngon, đến độ ông tự nghĩ: “Ta sẽ giết con kỳ nhông vẫn thường đến lều ta và nấu nó theo khẩu vị của ta mà ăn.” Thế là ông lấy ra một ít bơ, sữa đông, gia vị, v.v... Rồi ông giấu kín chiếc gậy bên trong tấm y màu vàng của ông và đến ngồi ngay cửa lều, cố hết sức im lặng chờ Bồ-tát đến.

Khi Bồ-tát trông thấy con người tồi tệ ấy, ngài liền nghĩ: “Kẻ xấu này đã từng ăn thịt đồng loại ta. Ta sẽ thử xem có phải thế không.” Thế rồi, ngài đứng dưới gió để đánh hơi kẻ xảo quyệt ấy. Khi biết ông ta đã từng ăn thịt một con kỳ nhông, ngài không đến gần mà quay lại và bỏ đi. Ẩn sĩ kia thấy ngài không đến, liền ném gậy vào người. Chiếc gậy không trúng vào thân thể ngài mà chỉ chạm vào chóp đuôi. Ẩn sĩ nói:

– Cút đi, ta để hụt mất ngươi.

Bồ-tát bảo:

– Vâng, ông đã trượt mất ta nhưng ông không hụt mất bốn cảnh khổ đâu.

Rồi ngài chạy chui biến vào trong một gò mối ở cuối lối đi và thò đầu ra bằng một lỗ khác mà nói với ông ta bằng hai bài kệ sau:

97. Kẻ nào đóng vai tu ẩn dật,

Chế ngự mình cần được tỏ ra,

Chính người ném gậy vào ta,

Người tu ẩn dật hẳn là giả danh.

98. Tóc bện ấy, da trần không áo,

Ðể che trùm tội giấu kín hoài,

Khùng thay! Lo sạch bề ngoài,

Bỏ quên mọi thứ xấu tồi bên trong.

Ẩn giả nghe thế liền đọc bài kệ thứ ba:

99. Kỳ nhông ơi, mau vòng quay lại,

Muối, dầu, ta chẳng phải thiếu đâu,

Cả tiêu, ta nảy ý cầu,

Một phần thích khẩu thêm vào món cơm.

Bồ-tát nghe thế liền đọc bài kệ thứ tư:

100. Ta ẩn náu êm đềm ấm cúng,

Giữa đám đông trong tổ mối này,

Muối, dầu, chuyện nhảm chớ bày,

Cả tiêu kia nữa, ta đây chán rồi.

Ngoài ra, ngài còn dọa:

– Này nhà tu giả mạo kia, thật đáng kinh tởm! Nếu ông còn ở đây, ta sẽ khiến mọi người sống trong vùng ta đi kiếm ăn bắt ông như một kẻ trộm và ông sẽ bị hại. Thế thì hãy lo mau mau cút đi!

Thế là nhà tu giả mạo kia liền bỏ chạy khỏi nơi ấy.

***

Thuyết giảng xong, bậc Ðạo sư nhận diện tiền thân:

– Bấy giờ, Tỷ-kheo xảo quyệt này là nhà tu giả hiệu kia, còn Ta là vua kỳ nhông.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.