Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 06  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 06»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 2
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU Dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN Dịch

Mục Lục

§317. CHUYỆN KHÓC NGƯỜI CHẾT (Matarodanajātaka) (J. III. 56)

Khóc người sống hết khóc kẻ chết...

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất tại Xá-vệ.

Khi người anh của ông chết, ông quá đau đớn đến độ bỏ ăn, bỏ tắm rửa, không xức dầu thơm. Quá sầu khổ, cứ mỗi chiều là ông đến nghĩa địa khóc than. Bậc Ðạo sư vào lúc sáng sớm, phóng tầm mắt nhìn khắp thế gian, quan sát thấy người ấy có khả năng đắc quả Dự lưu, liền nghĩ: “Ngoài Ta ra chẳng ai có thể làm dịu nỗi sầu đau của ông ta và đưa ông đến quả Dự lưu bằng cách kể cho ông ta chuyện xảy ra thời xưa được. Ta phải là nơi an trú cho ông.”

Vì thế hôm sau, khi đi khất thực về, Ngài mang theo một Tỷ-kheo trẻ tuổi đến nhà ông ấy. Nghe có bậc Ðạo sư đến, người chủ đất liền sai sửa soạn một chỗ ngồi và mời Ngài vào. Sau khi đảnh lễ Ngài, ông ngồi xuống một bên. Khi bậc Ðạo sư hỏi vì sao ông sầu não như thế, ông bảo rằng ông buồn khổ từ khi anh ông chết. Bậc Ðạo sư dạy:

– Tất cả mọi hiện hữu do kết hợp mà nên đều vô thường, cái gì phải tan rã thì tan rã. Ta chẳng nên phiền não vì điều này. Các trí giả ngày xưa vì biết như vậy nên không hề sầu khổ khi anh của họ chết.

Rồi do thỉnh cầu của ông ta, bậc Ðạo sư kể một chuyện quá khứ.

***

Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát tái sanh trong một gia đình phú thương, có gia tài đến tám trăm triệu. Khi ngài trưởng thành thì cha mẹ chết. Thế rồi người anh của Bồ-tát quản lý tài sản của gia đình và ngài sống phụ thuộc vào ông ta. Chẳng bao lâu người anh cũng chết do một cơn bạo bệnh. Bà con, bè bạn gần xa đã đến than khóc thảm thiết. Chẳng ai kiềm chế nỗi xúc động của mình. Nhưng Bồ-tát lại chẳng sầu chẳng khóc gì cả. Mọi người đều bảo:

– Coi kìa, anh nó chết mà nó vẫn thản nhiên như không, thực là một kẻ tâm hồn quá sắt đá. Chắc là nó muốn anh nó chết để mong được hưởng gấp đôi phần gia tài đấy.

Một người thân thích cũng trách cứ ngài:

– Này, anh của anh chết mà anh cũng chẳng nhỏ một giọt nước mắt nào cả ư?

Nghe thế ngài bảo:

– Do ngu dại mù quáng, chẳng biết gì đến tám pháp ở thế gian (được mất - khen chê - vui buồn - vinh nhục), các người khóc than: “Ôi, anh ta đã chết!” Nhưng tôi và cả các người đều cũng sẽ chết hết. Tại sao các người lại không khóc khi nghĩ đến cái chết của chính mình? Mọi sự hiện hữu đều giả tạm, do đó không một vật kết hợp nào có thể giữ nguyên điều kiện bản chất của nó được. Dù các người, những kẻ ngu dại mù quáng, do vô minh không biết đến tám pháp ở thế gian mà cứ khóc than sầu khổ, còn tôi tại sao phải khóc chứ?

Nói xong, ngài đọc các bài kệ này:

65-66. Khóc người sống hết khóc kẻ chết,

Mọi sinh linh đều kết một thân,

Loài chim, loài thú bốn chân,

Rắn, người, thần thảy bước chung một đàng.

67. Chống số phận, ta càng bất lực,

Vui chết không khổ lạc thăng trầm,

Sao chìm trong mối thương tâm,

Vì người anh chết, lệ đầm đìa rơi?

68. Chuyện lừa đảo, chuyện đời phóng dật,

Kẻ dại cuồng hay bậc hùng oai,

Khôn ranh, chẳng biết điều ngay,

Khôn ngoan như thế cũng tày ngu si.

Bồ-tát thuyết giảng chân lý cho những người kia như thế và giải trừ mọi phiền não cho họ.

***

Khi bậc Ðạo sư chấm dứt bài giáo lý, Ngài tuyên thuyết tứ đế. Ở phần kết thúc bài giảng tứ đế, người chủ đất đắc quả Dự lưu. Và Ngài nhận diện tiền thân:

– Bấy giờ, bậc trí giả giải trừ phiền não cho mọi người bằng cách thuyết giảng giáo lý kia chính là Ta.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.